Trong không gian chuỗi sự kiện văn hoá, người xem sẽ được đắm chìm trong vẻ đẹp quyến rũ của Truyện Kiều và thấu cảm nỗi lòng, tâm hồn thi hào Nguyễn Du.
Sáng 29/10, chuỗi sự kiện văn hoá "Ai nhớ Tố Như..." kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1820 - 2020) khai mạc tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội.
Bước vào không gian trưng bày cổ điển, tinh tế, lịch lãm những thư và họa, du khách sẽ được đắm chìm trong vẻ đẹp quyến rũ của Truyện Kiều và thấu cảm nỗi lòng và tâm hồn thi hào Nguyễn Du.
Không gian “Kiều trong thời đại Nguyễn Du” tái hiện khung cảnh thư phòng của nhà Nho tài tử thời cuối Lê đầu Nguyễn với bút nghiên, Truyện Kiều bằng chữ Nôm, Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, các ấn phẩm về Nguyễn Du…, thư pháp thơ chữ Hán Nguyễn Du và Truyện Kiều, tranh dân gian họa Kiều.
Không gian “Ấn phẩm Kiều giai đoạn 1900-1945” mang đến cảm quan của buổi giao thời giữa hai nền văn hóa Đông - Tây đầu thế kỷ XX.
Sau 100 năm ra đời, Truyện Kiều của Nguyễn Du bừng dậy trong một hình thức thể hiện mới: Truyện Kiều bằng chữ Quốc ngữ.
Đây là bộ sưu tập công phu với hàng trăm ấn phẩm là các phiên bản “Truyện Kiều” khác nhau qua các thời kỳ (từ năm 1914 đến nay) và các tác phẩm tiêu biểu khác của Nguyễn Du; cùng hơn 40 bức họa Truyện Kiều của các họa sỹ trong và ngoài nước.
Truyện Kiều trở thành một tuyệt phẩm ngôn ngữ Việt, được dịch sang tiếng Pháp và thế giới biết đến. Các ấn phẩm Truyện Kiều được bày trí rất đa dạng: từ nguyên bản Truyện Kiều, bình chú Truyện Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều…
Các tranh họa Kiều của các họa sĩ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nổi tiểng khiến không gian cổ điển, tinh tế và ấn tượng.
Không gian “Ấn phẩm Kiều giai đoạn 1946-1954” khá đặc biệt với các ấn phẩm và họa phẩm Kiều ra đời trong thời kỳ kháng chiến Pháp. Dù trong chiến tranh ác liệt, người Việt Nam vẫn giữ tình yêu thương trọn vẹn cùng niềm tự hào về những câu Kiều thấm hồn dân tộc.
Các họa sĩ Đại học Đông Dương tiếp tục tìm thấy nguồn cảm hứng từ chất thi họa của Truyện Kiều.
Không gian “Ấn phẩm Kiều giai đoạn 1954-1975” gây ấn tượng sâu sắc với các ấn phẩm và họa phẩm Kiều của các học giả, họa sĩ miền Nam và miền Bắc.
Suốt 20 năm đất nước chia cắt, Truyện Kiều và Nguyễn Du vẫn luôn là sợi dây nối kết người Việt vào tình yêu tiếng Việt, hòa vào một thể thống nhất của tâm hồn, số phận và tâm tình dân tộc.
Không gian “Kiều trong cuộc sống hôm nay” phong phú và đặc sắc ấn phẩm Kiều cùng những công trình khảo cứu về Nguyễn Du.
Đặc biệt, không gian trở nên sống động với trưng bày thư họa Kiều của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn và thư pháp gia Châu Hải Đường. Hơn 20 bức tranh là sự kết hợp ấn tượng giữa trường phái hội họa lập thể của phương Tây và thư pháp truyền thống của phương Đông trong những họa hình sâu sắc, tinh tế về Kiều, được thể hiện trên chất liệu giấy dó truyền thống Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, với mong muốn thỏa mãn niềm yêu thích Truyện Kiều và văn chương Việt Nam, gìn giữ di sản văn hóa dân tộc, MaiHaBooks cũng giới thiệu tới 3 tác phẩm đặc sắc: "Kim Vân Kiều" (tái bản theo bản in 1951), "Lãm Thúy Tập" và "Tập Văn họa kỷ niệm Nguyễn Du". "Tập văn họa Kỷ niệm Nguyễn Du" lại ngân lên những áng văn tinh tế, hào hoa mà chân thực, trữ tình, chất chứa bao suy ngẫm rất nhân sinh về Truyện Kiều, về cuộc đời, nhân tình thế thái quanh nàng Kiều…
"Lãm Thúy Tập" ngâm ngợi lời thơ mỹ lệ của Kiều để lẩy lên những ý tình sâu lắng của người, của đời, của cảnh.
"Kim Vân Kiều" - bản Kiều được xem là mỹ thuật và công phu nhất thế kỷ trước sẽ thỏa mãn các độc giả yêu thích sự thể hiện mỹ thuật về Truyện Kiều.
Nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du còn có tọa đàm khoa học “Kiều trong cuộc sống hôm nay” với sự góp mặt của các vị khách mời như: PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, họa sĩ Lê Thiết Cương, Giáo sư Trần Đình Sử, TS. Mai Anh Tuấn.
Chuỗi hoạt động "Ai nhớ Tố Như…" sẽ kéo dài tới hết ngày 31/10 với nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc như lẩy Kiều cổ điển, ngâm thơ Kiều.../.
Theo VOV.VN
https://vov.vn/van-hoa/trung-bay-hang-tram-an-pham-ve-kieu-va-nguyen-du-qua-cac-thoi-ky-813688.vov