Hố sâu đói khát (Platform) ra mắt năm ngoái, trong thời đại dịch COVID-19 bỗng nổi trở lại nhờ lượng tìm kiếm và xem tăng đột biến. Hố sâu đói khát mang nhiều tầng ý nghĩa về sự công bằng, đức tin, nhân tính trong thảm kịch, cũng thách thức lòng can đảm của người xem.
“Hố sâu đói khát” ám ảnh với nhiều hình ảnh rùng rợn
NHIỀU TẦNG Ý NGHĨA
Phim Tây Ban Nha của đạo diễn Galder Gaztelu-Urritia thuộc dòng phim viễn tưởng, hồi hộp kinh dị, không phù hợp cho người yếu bóng vía và nhạy cảm với hình ảnh, mùi vị. Đảm bảo không ít khán giả có thể mắc bệnh chán ăn vì hình ảnh món ăn trộn lẫn rác, chất thải lặp đi lặp lại trong phim.
Goreng (Ivan Massagué) tỉnh dậy trong nhà tù thẳng đứng, chỉ có điều anh tự nguyện vào đây 6 tháng để được cấp chứng chỉ. Một chiếc bàn ăn thịnh soạn được đưa từ tầng 1 tới tầng 333, mỗi tầng tù nhân có hai phút để nhét đầy dạ dày, ai cố giấu thức ăn sẽ bị thiêu hoặc đóng băng đến chết. Về lý thuyết thức ăn có thể đủ cho mấy trăm con người, nhưng thực tế phũ phàng khi chưa qua được 50 tầng đã nhẵn bóng. Cơ hội đổi tầng chỉ đến mỗi tháng một lần, con người buộc phải học cách thích nghi và sinh tồn chờ tới lượt đổi vận.
Hố sâu đói khát khiến nhiều người nghĩ tới mô típ Chuyến tàu băng giá của đạo diễn Oscar Hàn Quốc Bong Joon-ho, nhưng nhà tù ở Hố sâu đói khát có phương thức hoạt động khác-chiếc bàn ăn là “trung tâm tự quản thẳng đứng”. Trật tự đi theo chiều áp đặt từ trên xuống, vị trí của tù nhân là sự ngẫu nhiên. Nhà tù cũng đủ hạng người, trí thức, lưu manh, có những người mộng mơ biến thành kẻ man rợ như Miharu-nghệ sĩ mang theo đàn ukulele muốn trở thành Marilyn Monroe của châu Á, sau lại thành kẻ giết người tàn bạo và điên cuồng nhất.
Những hình ảnh trong phim
Không chỉ là chuyện đấu tranh giữa các tầng lớp-ở đây là các tầng của nhà tù- đạo diễn còn đề cập nhân phẩm, đức tin của con người. Goreng có tạo hình như đấng Chúa cứu thế, thừa mộng mơ khi vào tù và mang theo cuốn Donquixote, nhiều lần cự tuyệt ăn thịt bạn tù dù có lúc phải xé sách làm thức ăn. Bạn tù cố thuyết phục Goreng tin rằng, do hơn 300 kẻ ở trên ăn sạch bách nên ông ta mới phải “trở thành kẻ sát nhân văn minh”, xẻo từng miếng thịt của Goreng để sống sót. Goreng dù có dao kề cổ vẫn cả quyết rằng ban điều hành và tù nhân khác không liên quan, chính ông bác đang đòi ăn thịt người mới phải chịu trách nhiệm với cái chết (nếu có) của anh.
Sự phân chia tầng ở Hố sâu đói khát ngẫu nhiên, những người càng ở trên cao sẽ có nhiều lựa chọn, ăn tùy thích. Những kẻ no xôi chán chè sẽ sẵn sàng phóng uế, nhổ nước miếng vào thức ăn trước khi bàn chuyển xuống tầng dưới. Ai cũng biện minh cho hành động hoang dã, ích kỷ này vì cho rằng những kẻ ở trên cũng thế cả thôi. Họ ăn lấy được vì có thể tháng trước bị bỏ đói ở những tầng dưới, hoặc lo lắng tháng sau mình có thể trở thành bữa ăn tươi cho kẻ cùng tầng. Khi con người ta sắp chết đói, hầu hết tù nhân để phần “con” trỗi dậy, không còn chỗ cho tình bạn, lòng khoan dung với đồng loại. Thế nên trong nhà tù không phân theo hạng người tốt-xấu, chỉ có ba loại người ở trên, người ở dưới và người bị rơi xuống hố.
Không thỏa hiệp trước sự bức bách, Goreng muốn làm kẻ điên khi lên kế hoạch cùng bạn tù da đen Baharat đứng lên lập lại trật tự, mang thức ăn phân phát tới tầng cuối. Tuy thế, lòng trắc ẩn nghĩa hiệp này lại nửa vời, bởi để bảo vệ bàn thức ăn ấy anh ta và bạn đồng hành không nương tay đập bể sọ bất cứ kẻ nào không nghe lời. Mục đích tốt đẹp muốn thay đổi nhận thức của con người, nhưng Goreng chọn cách sử dụng vũ lực.
Imoguiri làm việc cho Ban điều hành 25 năm, khi biết mình không thể chống lại ung thư đã quyết gia nhập vào đây hòng cố gắng thay đổi hành vi con người. Bà cố dùng chút hơi tàn để giác ngộ cho Goreng về sự thúc đẩy tính đoàn kết tự phát, ngây thơ nghĩ rằng trong tình cảnh ngặt nghèo con người cùng nhau đoàn kết, để giữ trật tự và sự công bằng trong xã hội thu nhỏ này. Imoguiri càng ngày càng nhận ra mình lầm to, bởi giữa ranh giới “ăn hoặc bị ăn” con người đề phòng lẫn nhau, sẵn sàng ăn thịt đồng loại và càng không thể kiên nhẫn để nói chuyện về tình đoàn kết, nhân tính hay đức tin. Đức tin ngây thơ như anh chàng da đen đặt vào hai kẻ da trắng ở tầng trên ấy, phải nhận lấy bãi chất thải dội thẳng vào mặt.
“Hố sâu đói khát” ám ảnh với nhiều hình ảnh rùng rợn
THỬ THÁCH NGƯỜI XEM
Với nhiều tầng ý nghĩa, thông điệp lồng ghép và cái kết mơ hồ, Hố sâu đói khát có phần “hại não” và thử thách sự kiên nhẫn của người xem. Phim đầy rẫy hình ảnh máu me từ đâm chém giết chóc, tới những tình tiết tàn khốc tới tận cùng là ăn thịt người (không phải một lần), cũng không thiếu tình tiết mất vệ sinh như phóng uế lên đồ ăn, lên mặt bạn tù. Thủ pháp nhốt nhóm người vào không gian kín để con người phơi bày bản chất này cũng đẩy người xem vào cảm giác bức bối đến nghẹt thở: Chiếc hố thẳng đứng hun hút, và hai gam màu chủ đạo xám, đỏ nhức nhối thay đổi liên tục. Âm thanh xói tận óc, cứa vào tim trong phần lớn thời lượng phim.
Những hình ảnh trong phim
Đạo diễn bày ra những tình huống khốc liệt, tàn bạo nhất và bắt nhân vật phải lựa chọn và hành động. Ông khá ôm đồm các tầng ý nghĩa của phim, lồng ghép quá nhiều hình ảnh ẩn dụ khiến người xem khó bề dung nạp hết. Chẳng hạn con số 333 tầng, với 666 người khiến người ta liên tưởng tới con số của quỷ Satan. Tên con chó được đặt theo tên pharaon vĩ đại Ramesses 2-nhưng nó sớm bị nữ tù nhân Miharu tiễn lên đường sớm.
Kết phim khá mơ hồ và khiến người xem rối trí. Đứa trẻ, con gái của Miharu được nhắc tới từ đầu phim cuối cùng được đạo diễn đẩy lên làm biểu tượng. Khi anh chàng Donquixote thời hiện đại-Goreng- quyết đứng lên lập lại trật tự, người thầy thông thái da đen của Baharat nhắc cho anh nhớ phải dùng tính mạng bảo vệ một món ăn nguyên vẹn, đẹp đẽ khi bàn ăn trở lại với tầng 0-tầng chế biến, ban phát thức ăn. Món ăn panna cotta được coi như thông điệp để gửi lên ban điều hành nhà tù. Khi Goreng và đứa trẻ sống sót tới tầng cuối cùng để trở lại tầng 0, anh nhận ra đứa trẻ chính là thông điệp, là hy vọng để gửi lên trên.
Những hình ảnh trong phim
Cả hệ thống nhà tù khẳng định không có ai dưới 16 tuổi, nhưng ở tầng địa ngục 333 lại có đứa trẻ với đôi mắt ngây thơ bị lãng quên, không bị cuốn vào cơn cuồng sát để sinh tồn. Sự đan xen giữa hiện thực, ảo giác khiến cái kết trở nên mơ hồ. Đạo diễn sau đó lên tiếng giải thích, nhân vật chính chết trước khi đến được tầng cuối cùng. Đứa trẻ kỳ thực là khát khao, ước mơ và hy vọng trong tấn thảm kịch. |
Theo Nguyên Khánh/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/van-hoa/ho-sau-doi-khat-platform-thu-thach-nhan-tinh-trong-tham-kich-1637044.tpo