Dinh thự Hoàng A Tưởng - “vua Mèo” xứ Bắc Hà nằm trên đỉnh “cao nguyên trắng” được xây dựng từ năm 1914, đến năm 1921 mới hoàn thành. “Biệt phủ” rộng 4.000m2 xa hoa, quyền lực một thời này từng là nỗi khiếp sợ của người dân cách đây gần 100 năm trước.
Dinh thự Hoàng A Tưởng của cha con Hoàng Yến Tchao và Hoàng A Tưởng được xây dựng ngay trung tâm xứ Bắc Hà, nay là thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai - nơi được mệnh danh là "cao nguyên trắng".
Sở dĩ lấy tên dinh thự là Hoàng A Tưởng, bởi Hoàng A Tưởng là con trai của Hoàng Yến Tchao nên được ông giao quyền sử dụng ngôi nhà xa hoa, quyền lực này ở xứ Bắc Hà.
Hoàng Yến Tchao và Hoàng A Tưởng là người Tày nhưng cai trị ở địa phương có trên 80% dân số là dân tộc Mông nên được mệnh danh là “vua Mèo”.
Dinh thự xa hoa, quyền lực của cha con "vua Mèo" được khởi công xây dựng năm 1914 đến năm 1921 mới hoàn thành. Căn biệt phủ này, thực dân Pháp xây dựng cho Hoàng Yến Tchao để dễ bề sai khiến ông cai trị người dân địa phương.
Năm hoàn thành dinh thự 1921 vẫn còn được ghi dấu trên nóc căn nhà chính. Toàn bộ biệt phủ được xây dựng trên diện tích đất rộng 4.000m2, theo lối kiến trúc Đông - Tây kết hợp.
Dinh thự được xây dựng trên ngọn đồi, tựa lưng vào núi Cô Tiên, phía trước có con suối, hai bên phải trái có hai ngọn núi yểm trở. Nơi xây ngôi nhà do kiến trúc sư người Trung Quốc chọn theo thuyết phong thủy của người Tàu "Tự sơn đạp thủy" rất vững chãi.
Biệt phủ được xây theo hình chữ nhật khép kín. Bao gồm cổng, hai dãy nhà phụ hai bên cao hai tầng và chính giữa là căn nhà chính. Nhà do kiến trúc sư người Pháp và Trung Quốc thiết kế và xây dựng.
Hai dãy nhà phụ mỗi dãy có 6 phòng, tầng trên 3 phòng, tầng dưới 3 phòng. Tầng 1 hai dãy nhà phụ xưa kia để cho người hầu ở, tầng 2 là nơi những người cận vệ trung tín ở và làm việc và nơi ở của 3 bà vợ ông Hoàng Yến Tchao.
Tất cả các hành lang trong căn nhà đều có mái che được thiết kế theo lối kiến trúc Pháp, pha lẫn kiến trúc nhà sàn của người Tày.
Giữa các ngôi nhà là sân rộng lớn, được lát gạch rất kỳ công, Gồm lối đi chính và hai bên được phân định rõ ràng bởi cách thức lát các viên gạch.
Vật liệu xây dựng ngôi nhà bao gồm: đá, vôi, cát, mật mía khai thác tại địa phương; còn ximăng, sắt thép thì được chở bằng máy bay và ngựa thồ từ Hà Nội và Lào Cai lên.
Ngoài ngôi nhà chính, 2 dãy nhà phụ, phía sau căn biệt phủ còn có 2 dãy nhà là nơi làm bếp cũng như các công trình phụ trợ khác.
Hai ngôi nhà phụ này được thiết kế như nhà sàn của người Tày, bên trên có mái ngói đậm chất Á Đông.
Dinh thự "vua Mèo" nằm trên ngọn đồi cao nên có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm dòng suối, những đỉnh núi mờ sương ở xứ Bắc Hà.
Căn hầm thoát hiểm ngay phía sau ngôi biệt phủ.
Ảnh tư liệu về dinh thự của "vua Mèo" xưa kia. Nơi đây từng là nơi quyền lực bậc nhất ở xứ Bắc Hà. Ngôi nhà từng là nỗi khiếp sợ đối với người dân địa phương khi bị cha con họ Hoàng cai trị, bóc lột.
Ngay tại dinh thự này hiện vẫn còn nơi thờ tự cha con Hoàng Yến Tchao và Hoàng A Tưởng. Xưa kia, Hoàng A Tưởng mỗi năm thu không của dân 500kg thuốc phiện, ép dân bán rẻ 500kg, đứng đầu đường dây buôn bán thuốc phiện và hàng hoá xuyên Á qua ngả Bắc Hà. Sau này cả gia đình ông này phải sống lưu lạc nơi xứ người.
Từ khi dinh thự của "vua Mèo" được Nhà nước quản lý, căn biệt phủ đã được tu sửa, tôn tạo lại làm nơi tham quan du lịch cho du khách đến khám phá nơi "vua Mèo" từng sống và cai trị nhân dân vùng Tây Bắc một thời.
Nhiều nhiếp ảnh gia cũng đến biệt phủ của "vua Mèo" làm nơi sáng tác các tác phẩm nghệ thuật. Trong ảnh là bức ảnh do nhiếp ảnh gia ghi lại khoảnh khắc, kỷ niệm của đôi trai gái người Mông trong dinh thự gần 100 năm tuổi.
Dinh thự Hoàng A Tưởng đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa. Hiện nay là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, được nhiều du khách nước ngoài ưa thích.
Theo Thái Bá/Dân trí