Chùa Cầu là biểu tượng của đô thị cổ Hội An được xây dựng đến nay đã hơn 400 năm. Trải qua thời gian, đến nay Chùa Cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, dù có qua nhiều phong ba bão táp và thời gian nhưng Chùa Cầu hiện vẫn là điểm đến không thể thiếu khi du khách đến với Hội An.
Mỗi ngày, Chùa Cầu hay còn gọi là cầu Nhật Bản đón hàng ngàn du khách tham quan. Chưa check-in Chùa Cầu coi như du khách chưa đến Hội An. Đây cũng là một điểm đến không thể thiếu trong thiết kế tour của các công ty lữ hành đưa khách đến Hội An
Chùa Cầu nằm trên một con rạch dẫn nước chảy ra sông Hoài. Trải qua mấy trăm năm tồn tại, tính đến nay Chùa Cầu đã được các thế hệ kế tiếp nhau ở Hội An quan tâm tu bổ lớn 7 đợt vào các năm 1763, 1815, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996 từ nhiều nguồn vốn khác nhau và nhiều lần tu bổ nhỏ ở hệ mái, hệ vì kèo, trụ, đà, sàn… của di tích
Chùa Cầu có kiểu kiến trúc thật đặc biệt mang đậm nét Việt, mái ngói âm dương phủ kín cây cầu bằng gỗ dài 18m. Có 7 gian, trong đó 5 gian kết cấu gỗ theo kiểu trính chồng trụ đội, 2 gian đầu hồi uốn cong theo hình vỏ cua, mái ngói lợp âm dương. Trên cửa chính của ngôi chùa cổ kính này có một tấm biển lớn chạm nổi ba chữ Hán là Lai Viễn Kiều. Đó là do vào năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu khi thăm Hội An thấy chùa Cầu đặc biệt nên đặt tên chiếc cầu là Lai Viễn, với ý nghĩa “bạn phương xa đến”. Điểm đặc biệt của ngôi chùa này là trong chùa không thờ Phật mà thờ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui và hạnh phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm cùng trời đất nhằm mong cầu mọi điều tốt đẹp
Chùa Cầu hướng mặt tiền ra sông Hoài. Các tư liệu lịch sử khẳng định, Chùa Cầu ở Hội An là do người Nhật xây dựng và quản lý cho đến năm 1637. Khi chuyến tàu Nhật Bản cuối cùng rời Cảng Hội An đưa những người Nhật đang làm ăn, sinh sống tại Hội An phải về nước theo mệnh lệnh của Mạc Phủ Nhật Bản ban bố vào năm 1633, yêu cầu đóng cửa quan hệ giao thương với nước ngoài và tất cả Nhật kiều đang sống ở nước ngoài phải hồi hương
Chùa Cầu nằm giữa đô thị cổ Hội An. Chùa Cầu nằm giữa con kênh dẫn nước. Phía cuối con kênh về bên trái là hồ nước đã qua xử lý. Nhật Bản đã tài trợ xây dựng một nhà máy xử lý vào cuối năm 2018 với số tiền đầu tư trên 243 tỉ đồng
Chùa Cầu nhìn từ sông Hoài. Sau khi người Nhật rời Hội An thì khu phố Nhật Bản, trong đó có cầu Nhật Bản (tức Chùa Cầu ngày nay) được Chúa Nguyễn giao cho cộng đồng người Hoa làng Minh Hương quản lý
Trong quá trình tiếp nhận sử dụng, người Hoa làng Minh Hương đã dựng thêm một ngôi miếu nhỏ thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ - thần chuyên trấn trị phong ba, lũ lụt theo tín ngưỡng của người Hoa. Hiện ngôi miếu trên Chùa Cầu vẫn được người dân, du khách vào viếng
Chùa Cầu trong lịch sử hình thành và phát triển của mình đã có nhiều lần được sửa chữa, tu bổ. Chùa Cầu ngày nay đang có những dấu hiệu xuống cấp bởi tác động của thời gian, thiên tai, bão lũ và cả con người; yêu cầu trùng tu, sửa chữa đối với Chùa Cầu đang đặt ra một cách cấp thiết, nhằm góp phần bảo tồn và tiếp tục phát huy giá trị của di sản độc đáo này
Trên dòng sông Hoài thơ mộng, ghe thuyền đậu san sát để đưa khách tham quan. Chùa Cầu nằm tiếp giáp đường Trần Phú (bên tay phải hình) và đường Nguyễn Thị Minh Khai (bên tay trái hình)
Chùa Cầu tọa lạc trong quần thể Khu di tích phố cổ Hội An. Chùa Cầu được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1990, đến năm 1999 phố cổ Hội An trong đó có Chùa Cầu được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Chùa Cầu đã trải qua ít nhất sáu lần trùng tu song vẫn giữ được nét cổ kính nguyên thủy của nó. Hình ảnh Chùa Cầu có trên tờ tiền 20.000 đồng bằng polymer hiện đang lưu hành
Nước từ Chùa Cầu đổ ra sông Hoài, uốn lượn và chảy ra sông mẹ Thu Bồn. Phố cổ Hội An xưa kia từng là một thương cảng sầm uất, nơi thương nhân các nước đến gặp gỡ, giao thương hàng hóa với nhau và với thương nhân trong nước. Đây cũng chính là địa danh đến nay còn lưu giữ nhiều dấu tích của các nền văn hóa gặp gỡ và hòa trộn với nhau vào khoảng thế kỉ 16-17. Đặc biệt là sự giao thoa của văn hóa Đông Nam Á với nền văn hóa Đông Á tiêu biểu như Trung Hoa, Nhật Bản và Hàn Quốc; bởi vậy Chùa Cầu cũng là một công trình kiến trúc chứa đựng nhiều nét thật độc đáo và tinh hoa văn hóa của Việt Nam và một số nền văn hóa khác, trong sự hài hòa mà vẫn rất riêng
Theo Công Bính/Dân trí
Ảnh: Lê Hải Sơn