19
/
71066
Tự truyện "Mạ tui": Đẫm tình người Huế, quen mà lạ
tu-truyen-ma-tui-dam-tinh-nguoi-hue-quen-ma-la
news

Tự truyện "Mạ tui": Đẫm tình người Huế, quen mà lạ

Thứ 4, 06/03/2019 | 16:00:34
684 lượt xem

Lâu lắm và rất hiếm khi tôi mới đọc được một tác phẩm rất Huế: Khung cảnh Huế, con người Huế, nếp sống và tập quán Huế, đặc biệt là với giọng văn Huế bình dị, ngôn ngữ lại Huế "chay”.

Cảm nhận đầu tiên của tôi là sự cuốn hút từ đầu chí cuối qua tự truyện “Mạ tui" (Nhà xuất bản Thuận Hoá) của tác giả Nguyễn Viết An Hòa (Nguyễn Viết Kế). Đã đến độ tuổi không nên tập trung quá lâu bất cứ một vấn đề gì, thế mà tôi đã liên tục đọc trong mấy buổi liền.

Tác phẩm giới thiệu một cuộc sống thật, con người thật, việc thật và rất Huế. Cái độc đáo, nổi trội của tác giả là sự ngay thẳng, trung thực: Dám nói thật và can đảm để nói thật, không dấu giếm, che đậy, trau chuốt hay văn chương hóa ngôn ngữ, đánh bóng, thi vị hóa các tình huống, cách hành xử hoặc ý tưởng biểu đạt. Tác giả lại mạnh dạn sử dụng thổ ngữ, ngôn từ địa phương một cách tự nhiên, xem như chúng đã phổ cập mà không cần chú thích, có thể ai cũng biết, cũng hiểu, đôi khi vì thế mà lại trở thành một sự dí dỏm, hài hước, hấp dẫn người đọc: “mạ tui”, “eng nớ”, “ốt dột chưa tề”, “dị òm”…

Nhiều tình tiết không lạ lẫm gì với mọi người nhưng mấy ai đã dám tự thuật: Đến tuổi vợ con rồi mà còn nằm ôm mạ, rờ bụng lép kẹp của mạ như hồi trẻ thơ, nói lên tình cảm MẠ CON đậm đà, thắm thiết, không gì ngăn cách được.

Tác giả Nguyễn Viết An Hòa tại buổi ra mắt cuốn tự truyện "Mạ tui" 

“Sức mấy mà thầy Ksor mình lấy được chị ấy. Bìm bìm mà leo nhà ngói. Bất quá là một bên ngâm thơ, một bên thổi sáo mà thôi...”. Vô tư tường thuật lại câu bình phẩm, tuy thật nhưng đầy xúc phạm này của học trò mình đang dạy mà không tự ái, tức giận, không mắng mỏ, khiển trách thì thật đáng khâm phục.

Tình cảm gia đình, giữa mạ con, anh chị em ruột thịt là thực trạng tâm lý phổ biến, nhưng trong xã hội nhiễu nhương, băng hoại theo cơ chế thị trường này thì có mấy gia đình thương yêu đùm bọc nhau như một tổ ấm?

Không nên nghĩ rằng tác giả mượn tình cảm mạ con để xen vào tình yêu lứa đôi, riêng lẻ. Nghĩ thế là chưa hiểu hết cái thâm thúy của tình cảm gia đình mạ con trong truyền thống đạo lý dân tộc, nói chung và xứ Huế, nói riêng. Đăc biệt là đối với người con trai độc nhất trong gia đình. “Lấy vợ cho mình” là quan điểm của xã hội Âu Mỹ trong cơ chế “Tiểu gia đình” và theo khuynh hướng thời nay, cũng như lập luận của các em học sinh thời tác giả dạy học. Một số trường hợp TÌNH MẸ là tâm điểm, các mối tình khác, kể cả tình vợ chồng đều là vệ tinh xoay quanh tình mẹ: Lấy vợ vừa cho mình, vừa cho cha mẹ, đăc biệt là cho mạ và cả gia đình.

Tình cảm thầy trò rất hiện thực, vừa đậm đà, vừa linh hoạt, sống động của tác giả phản ánh qua tác phẩm cũng là yếu tố thu hút, hấp dẫn người đọc: Thầy tận tâm, “rút ruột tơ tằm” ra giảng dạy, gần gũi với học sinh và phụ huynh, bao dung trong cách ứng xử. Trò thông minh, hoạt bát, thỉnh thoảng thể hiện sự trải nghiệm trước tuổi, ngang bạt với thầy, không khúm núm, thưa gởi như xưa nhưng vẫn mến trọng thầy, kể cả khi thầy là người yêu, chỉ hơn trò năm ba tuổi. Chắc rằng không ai nỡ phê phán, khắt khe với cặp “thầy trò văn”, “thầy trò toán” vì đó là tình cảm chân chính: “yêu”, chứ không phải là “thích”. Tình yêu chân thật hướng đến kết quả sau cùng là hôn nhân, tuy bất thành, nhưng chắc gì đã “ăn cơm trước kẻng”, mà cho dù có trong sự kín đáo đi nữa thì vẫn không phải là “sống thử” như khuynh hướng nam nữ gần đây.

Trong giai đoạn thử thách, khó khăn chung của đất nước, cơm không có ăn, áo không đủ mặc, phương tiện đi lại khó khăn giữa đồng bằng và miền núi Tây Nguyên, cây mít trong trường mà được phong “anh hùng cứu đói”, nhưng không vì thế mà tình cảm bạn bè, thân hữu, đồng nghiệp, bị mai một, ai mô lo phận nấy. Trái lại còn thương yêu nhau, đùm bọc nhau, nhường cơm xẻ áo, săn sóc, góp ý xây dựng cho nhau như anh em một nhà, vừa đậm đà, vừa khắng khít. Tình cảm thầy trò lại càng thấm thía hơn nữa. Do đó mà trên 30 năm xa cách (1987 - 2018), thầy trò bây giờ mỗi người mỗi ngả. Thầy đã hai thứ tóc, còn trò thì nhiều em đã thành đạt, đa phần đã có cháu nội, cháu ngoại, thế mà vẫn nhớ đến nhau, tìm về trường xưa, bạn cũ, tạo điều kiện để nhiều lần gặp lại nhau trong tình cảm thân thương, hoài niệm, ôn lại ký ức ngày nào...

Nhìn lại quan hệ và tình cảm của thầy trò hiện nay mà đau buồn, ê ẩm. Nhiều cảnh “thầy không ra thầy, trò chẳng ra trò”, thật là đạo lý đảo điên, suy đồi thảm hại.

Thời nay gặp lại những mối tình đằm thắm, chân phương thật là hiếm: không vồ vập, mà vồ vập cũng không được, ít lộ liễu nhưng sâu lắng và tha thiết. Cho nhau hết nhưng vẫn còn để lại cho nhau, có thế mới bền vững và quý trọng lẫn nhau. “Yêu là chết trong lòng một ít”, “Em xích gần thêm một chút, anh hờn... Vì như thế vẫn còn xa lắm” (Xuân Diệu). Lâu lắm, gần nhau bất quá cầm tay, choàng mình, thơm lên mái tóc chấm vai hay má hồng ửng đỏ. Chỉ khi qua được nửa đường, sắp thành vợ chồng mới gồng mình phớt nhẹ lên đôi môi run rẩy mà thôi.

So tình yêu lứa đôi bây giờ đã bị lai căng, biến dạng nhiều. Phần lớn theo cách sống hiện sinh, sống vội, sống thử theo kiểu “mì ăn liền”, chóng nở nhưng rồi cũng chóng tàn.

Văn chương chữ nghĩa thời nay phần lớn vị nhân sinh, xa rời nghệ thuật và bản chất tốt đẹp, thuần túy của văn hóa. Bên ngoài lớp sơn hào nhoáng là sự rỗng tuếch, tha hóa, bè phái. Tác phẩm có nhiều trang dung tục, tả chân một cách sống sượng, thô bỉ cảnh hành lạc mà lại được đánh giá cao, thì không còn gì để nói!

Xem thế thì sự hiện hữu của tác phẩm tự truyện “Mạ tui" trong giai đoạn này như một vật quý đang tấp vào bờ trong lúc từng bè di sản châu báu văn hóa xã hội mang nặng bản sắc dân tộc, đạo đức cao đẹp, tình người nhân ái vị tha… đang bị dòng thác cuốn trôi xuống vực sâu vô định!

Mặc dầu biết cảm xúc của tác giả tuôn trào trong một thời gian dài ngồi bên giường mẹ khi già yếu cũng như lúc lâm chung để thai nghén và hình thành nên tác phẩm này, nhưng đối với tôi, đã cố gắng khách quan và không tâng bốc, cũng tự ý xếp tác phẩm này như một “tiểu thuyết luận đề”, mà vẫn biết rằng chưa hẳn đó là dụng ý của tác giả, và có thể xem là một sự so sánh khập khiễng.

Theo Nguyễn Văn Đắc/ Dân Việt

  • Từ khóa

Sự thật Cát Bà vắng bất thường ngày lễ, khách sợ tắc phà nên "quay xe"

Nhiều trang mạng xã hội đăng tải hình ảnh bến phà, bãi tắm ở Cát Bà vắng vẻ trong ngày đầu nghỉ lễ, cho rằng khách sợ tắc phà nên đồng loạt "quay xe".
14:13 - 29/04/2024
34 lượt xem

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Nhật kí chiến tranh của người lính trẻ

Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với vai trò phóng viên chiến trường kiêm họa sĩ, Phạm Thanh Tâm khi ấy mới ở độ tuổi đôi mươi.
15:47 - 27/04/2024
1,170 lượt xem

Công bố 100 tư liệu và hình ảnh về đường Trường Sơn huyền thoại

100 tư liệu, hình ảnh về đường Trường Sơn đã được trưng bày tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội trong triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ...
16:12 - 26/04/2024
1,695 lượt xem

Hải Phòng một ngày kêu gọi được 22 tỉ đồng cho Lễ hội Hoa Phượng Đỏ

Chỉ trong ngày đầu tiên gặp mặt kêu gọi các doanh nghiệp tài trợ cho Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, UBND thành phố Hải Phòng đã nhận được 22 tỉ đồng. Ngân sách...
15:20 - 26/04/2024
1,759 lượt xem

Thạch nhũ đẹp mê hồn bên trong hang động mới phát hiện tại Quảng Bình

Một hang động mới được phát hiện tại 'vương quốc hang động' Quảng Bình, với hệ thạch nhũ được đánh giá như những tấm thảm đẹp mê hồn.
15:43 - 26/04/2024
1,755 lượt xem