Người trong giới kỳ vọng thị trường điện ảnh Việt sẽ tốt hơn trong năm 2019, sau một năm có nhiều phim tử tế nhưng doanh thu không như mong đợi.
Số lượng phim thắng doanh thu đếm trên đầu ngón tay trong năm 2018 cùng với niềm tin vào phim Việt giảm dần của khán giả đang là vấn đề khiến nhiều người trong giới không khỏi lo lắng.
Nâng chất vẫn giảm doanh thu?
Thị trường điện ảnh năm 2018 mở đầu thuận lợi qua thành công của "Siêu sao siêu ngố" với doanh thu 109 tỉ đồng, trở thành phim Tết có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Việt. "Siêu sao siêu ngố" cũng nhanh chóng vào tốp 5 phim Việt có doanh thu cao nhất, chỉ đứng sau "Em chưa 18". Tiếp theo, phim Việt hóa "Tháng năm rực rỡ" tạo cơn sốt và gặt hái doanh thu 84 tỉ đồng. Thị trường phim Việt sau một thời gian trầm lắng lại chứng kiến tác phẩm "Lật mặt: Ba chàng khuyết" đạt doanh thu 85,5 tỉ đồng. Nửa cuối năm 2018, phim Việt hầu như không có được doanh thu nổi bật, thậm chí một số phim còn trong tình trạng rời rạp lặng lẽ. Phim "Chàng vợ của em" và mới đây là "Gái già lắm chiêu 2" là những tác phẩm hiếm hoi thắng doanh thu trong giai đoạn hết năm.
“Gái già lắm chiêu 2” - một phim ăn khách hiếm hoi phát hành dịp cuối năm. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Với số lượng phim thành công doanh thu quá ít ỏi so với con số vài chục tác phẩm ra rạp trong năm 2018 là chênh lệch quá lớn. Điều đáng chú ý là năm 2018 không có tác phẩm nào đạt doanh thu như "Em chưa 18" đã tạo kỷ lục trước đó nhưng số lượng đạt mức hòa vốn cho đến thảm bại quá nhiều. Số lượng phim được đầu tư chỉn chu, có chất lượng chuyên môn, ê-kíp có tên tuổi nhưng vẫn rời rạp một cách đáng tiếc cứ tăng lên: "100 ngày bên em", "Song lang", "Ống kính sát nhân", "Lời kết bạn chết chóc"...
Nhiều người trong giới cho rằng nguyên nhân của sự nghịch lý này có rất nhiều, từ khách quan đến chủ quan nhưng khán giả luôn có sự lựa chọn riêng mà nhà làm phim phải tự điều chỉnh tốt nhất để phục vụ họ. Ngay những nhà chuyên môn có kinh nghiệm cũng chưa đưa ra được lời giải xác đáng, chủ yếu giải thích bằng nguyên nhân khách quan là phim "bom tấn" nước ngoài phát hành quá nhiều làm ảnh hưởng đến phim nội.
"Nhà sản xuất và khán giả chưa thấu hiểu nhu cầu của nhau và điều quan trọng nhất là điện ảnh Việt chưa có môi trường chuyên nghiệp từ sản xuất cho đến phát hành. Phim Việt thua ngay trên sân nhà vì chưa có chính sách bảo hộ như các nền điện ảnh trong khu vực. Việc mạnh ai nấy kinh doanh sẽ khiến thị trường càng hỗn loạn và thiệt thòi vẫn chỉ là nhà sản xuất cùng phim của họ" - đạo diễn Bảo Nhân nhận định.
Thực tế, phim Việt thiếu sự đặc biệt, chủ đề trùng lặp, diễn viên không mới lạ cũng là nguyên nhân dẫn đến việc chưa thu hút khán giả.
Hướng đến câu chuyện hấp dẫn
"Khán giả luôn luôn đúng và nếu có sai điều gì thì đó là do nhà làm phim chưa đáp ứng được thị hiếu thưởng thức của khán giả. Tôi thấy hiện nay nhà làm phim sai nhiều vì lượng phim thành công quá ít. Năm 2019, kỳ vọng thị trường sẽ tốt hơn. Nhà làm phim sẽ phải nhìn lại các thất bại, tìm cách khắc phục và hy vọng họ sẽ khắc phục được vì không thể để khán giả liên tục mất niềm tin. Nhiều khán giả hiện không tin phim Việt và nếu phải chọn lựa, họ vẫn chọn phim Mỹ hoặc nước khác. Đây là một nỗi lo vì nếu không tin, họ sẽ không chọn kể cả khi đó là một bộ phim Việt chất lượng, đầu tư tốt" - Charlie Nguyễn bày tỏ.
Nhà sản xuất này nói thêm dù là dòng phim nào, tác phẩm muốn chinh phục khán giả phải có câu chuyện hay, được kể tốt, chạm được trái tim khán giả, để họ phải khóc cười cùng nhân vật.
Hầu hết người trong giới đều nhận định trình độ thưởng thức của khán giả Việt tăng cao từng ngày. Họ được tiếp cận với những tác phẩm ấn tượng của điện ảnh thế giới nên không ngừng đặt ra yêu cầu ngày càng cao với phim Việt. Nhưng nếu chạy theo những chủ đề ăn khách của thế giới thì với thị trường non trẻ, kinh phí thấp, các khâu đều chưa chuyên nghiệp, phim Việt rất khó để đuổi kịp chất lượng quốc tế. Vì thế, phim Việt vẫn nên tập trung vào kịch bản, vào những sáng tạo trong câu chuyện với những điều gần gũi với con người và xã hội Việt Nam.
Phim Việt cần kịch bản hay Điện ảnh thế giới năm 2018 có nhiều tác phẩm kinh phí thấp nhưng đầy sáng tạo trong cách kể chuyện vẫn thắng đậm doanh thu. "Tôi nhận thấy dù chọn lựa làm phim hài, phim bi, phim kinh dị hay phim xã hội hiện đại... kịch bản vẫn là nhất. Nếu câu chuyện không hay, chẳng tạo sức hút thì đạo diễn giỏi, diễn viên tốt cách mấy cũng chẳng cứu vãn được" - đạo diễn Lý Hải khẳng định. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh lạc quan vào tương lai phim Việt nhưng theo anh, để chinh phục khán giả, phim Việt cần phải ngày càng tốt hơn về khâu tổ chức sản xuất và kịch bản với những câu chuyện có thể không lớn lao nhưng đẹp. Sau một năm chủ đề thanh xuân, học đường bị khai thác triệt để trên màn ảnh rộng, nhà sản xuất Lý Minh Thắng cho rằng năm 2019 sẽ không còn nhiều đề tài học đường, dân gian mà hướng đến sự trẻ trung hơn. Đề tài có thể phim Việt tập trung khai thác là người Việt trẻ, giàu năng lượng. |
Theo Minh Khuê/ NLĐ