Phim truyền hình Việt Nam năm 2018 khiến khán giả vô cùng thích thú với hàng loạt đề tài nóng hổi, dàn diễn viên tài sắc.
Năm 2017, 2 bộ phim truyền hình “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” với kịch bản Việt hóa tốt, dàn diễn viên nổi tiếng và tư duy làm phim hiện đại đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ, thu hút hàng triệu người xem và điều quan trọng nhất, nó khơi gợi nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim và khẳng định niềm tin: người Việt chưa bao giờ quay lưng với phim Việt.
Tuy nhiên, làm phim giữa thời buổi này là một bài toán khó, không được phép sai. Một tín hiệu đáng mừng đó là phim truyền hình đã không còn được sản xuất ồ ạt như trước đây. Trong tình hình hiện nay, các đơn vị sản xuất phim truyền hình đều nhận thức rõ: cách duy nhất để níu chân khán giả chính là gia tăng chất lượng.
Trên tinh thần ấy, bước sang năm 2018, một loạt phim truyền hình được đầu tư công nghệ, kịch bản chắc tay, cốt chuyện hay, diễn viên hết mình vì vai diễn được tung ra như “Thương nhớ ở ai”, “Ngày ấy mình đã yêu”, ““Quỳnh búp bê”, “Tình khúc Bạch Dương”. “Gạo nếp gạo tẻ”… Và nhìn vào danh sách những từ khoá phim truyền hình được tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2018, các nhà sản xuất có thể thở phào. Có đến 8/10 phim truyền hình Việt được người Việt tìm kiếm nhiều nhất trên Google. Nên nhớ rằng, trong năm 2017, chỉ duy nhất có “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” được được lọt vào hot trend, chìm nghỉm giữa những cái tên Hoa ngữ “Song thế Sủng phi”, “Sở Kiều truyện”… Phim cứ tốt, hay, thì dù làn sóng Hoa ngữ, Hàn Quốc… có ồ ạt ngoại xâm như thế nào, người Việt vẫn thích xem phim Việt hơn cả.
Và “Quỳnh búp bê” chính là hiện tượng xô đổ mọi kỷ lục rating phim truyền hình trong năm 2018. Bộ phim dán nhãn 18+ này đạt rating (chỉ số đo lường khán giả) tới 10%, giá quảng cáo lên đến 140 triệu đồng cho 30s. Đây là con số kỷ lục bởi so với những bộ phim khác phát sóng cùng khung giờ, chỉ số này chỉ đạt 6-7%.
Chưa bao giờ, truyền hình Việt chứng kiến một dàn diễn viên sáng giá, hùng hậu, mà mỗi người đều sở hữu một cá tính diễn xuất rõ nét, không mờ nhạt như hiện nay. Người ta thấy NSND Lê Khanh sẵn sàng mặc váy cô dâu, tô má hồng để vào vai bà mẹ đồng bóng trong sitcom “Mẹ ơi, bố đâu rồi”, Công Lý hoá thân thành anh đồ tể với chiều sâu nội tâm trong “Những cô gái trong thành phố”… Và rồi Chí Trung, Vân Dung, Chiều Xuân… - thế hệ diễn viên gạo cội thích ứng cực nhanh với tốc độ làm phim hiện đại, thu thanh trực tiếp. Những “hoàng tử không ngai” của phim truyền hình Việt như Việt Anh, Lê Thành, Mạnh Trường với phong cách làm việc chuyên nghiệp, có sự đầu tư nghiêm túc, chỉn chu và sẵn sàng biến hoá với mỗi vai diễn.
Đến những gương mặt mới, có thể kể đến Huỳnh Anh phóng khoáng, pha chút bất cần, Bình An với gương mặt đẹp như tạc tượng, Thanh Sơn diễn xuất biến hoá, Đình Tú trẻ trung, Doãn Quốc Đam quá thành công với hình tượng “giang hồ” soái ca, cả đến những gương mặt mới như Trọng Lân, Anh Tuấn… đều ngang tài ngang sức.
Đội quân diễn viên nữ cũng hùng hậu và đông đảo không kém, vừa có tài lại vừa có sắc: Thanh Hương, Phương Oanh, Thu Quỳnh, Minh Trang, Phương Anh Lee, Thu Hoài, Quỳnh Kool, Thuỳ Anh, Huyền Lizzie… Cũng không còn sự phân biệt giữa phong cách làm phim Bắc-Nam, khi mà NSƯT Mỹ Uyên, Hạ Anh, Nhã Phương biến hoá ngọt ngào trong “Cả một đời ân oán 2” hay “Ngày ấy mình đã yêu”.
Những diễn viên cũ không ngại làm mới mình, còn những gương mặt mới liên tục xuất hiện. Đó là sự nối tiếp những thế hệ diễn viên có học hành bài bản, chuyên nghiệp, có sắc và có khả năng diễn xuất lay động đến tâm can người xem.
Trong năm 2018, ngoài hiện tượng "Quỳnh búp bê", “Gạo nếp, gạo tẻ” hay “Thương nhớ ở ai” chứng tỏ sức nóng, thì nhiều bộ phim được truyền thông rầm rộ là “bom tấn” như “Tình khúc bạch dương” lại khá lặng lẽ. Ngoài ra, “Ghét thì yêu thôi” hay “Bố ơi, mẹ đâu rồi”… cũng chưa tạo được dấu ấn rõ nét. Nhà biên kịch Trịnh Lân Nhã chỉ ra nguyên nhân chính nằm ở khâu kịch bản. Mặc dù công nghệ, thu thanh, diễn xuất của diễn viên, đạo diễn hình… quan trọng nhưng đó chưa phải là điều tiên quyết. Bởi khán giả luôn quan tâm đến cách kể chuyện và câu chuyện mà bộ phim chuyển tải.
NSƯT-nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết, hiện các thế hệ biên kịch nối nhau xuất trận song “mỗi lớp biên kịch lại có quan niệm riêng, thiên hướng riêng, năng lực chuyên biệt. Ví dụ các nhà biên kịch lớn tuổi thường hay hướng đến đề tài xã hội, trong đó những vấn đề còn nhiều mắc mớ của xã hội khiến họ bị hấp dẫn. Trong khi đó, các biên kịch trẻ hơn thích những câu chuyện tình yêu…
Còn lớp giữa lại thích các đề tài về gia đình. Việc của người quản lý là quy hoạch sao cho trong một năm, kế hoạch đề tài được phân bổ hợp lý. Thậm chí có thể chuẩn bị sẵn từ nhiều năm trước để các nhóm biên kịch có đủ thời gian đào sâu suy nghĩ, cân nhắc hiệu ứng khán giả, làm ra những bộ kịch bản tốt nhất. Khi không có quy hoạch đề tài cho năm, thì các phim sẽ được phát sóng tùy tiện, dễ gây cảm giác trùng lặp đề tài”.
Vấn đề đau đáu nhất hiện nay vẫn là việc nâng cao chất lượng cho đội ngũ biên kịch. Để sản xuất một bộ kịch bản cho hàng chục tập phim cũng cần đầu tư sức khoẻ, trí tuệ và cả tiền bạc. Tuy nhiên, mức nhuận bút cho biên kịch thấp, bởi vậy chất lượng khó đòi hỏi cao.
Như vậy, có thể nói, phim có kịch bản hay hay không đâu chỉ phụ thuộc vào người sáng tác. Nó phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn của người quản lý nội dung, ở đây là giám đốc các đơn vị SX và dưới nữa là các trưởng phòng nội dung.
Một tín hiệu đáng mừng là giữa thực đơn giải trí chủ yếu với các bộ phim giải trí, tình yêu, gia đình, “Quỳnh búp bê” và “Những cô gái trong thành phố” vừa lên sóng là những bộ phim hiếm hoi khai thác đề tài xã hội, phản ánh những thân phận người khác nhau tỏng xã hội.
NSƯT-nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đánh giá: “Tôi cho rằng khán giả không quay lưng với những thân phận khốn khó này. Bằng chứng là hoạt động từ thiện trong xã hội đang ngày càng tăng trưởng. Nhưng nếu làm không hay, không giỏi, thì sẽ mang lại hiệu ứng ngược, khiến cho hình ảnh dễ trở nên nhem nhuốc, và sức hấp dẫn của tính cách nhân vật và các tình huống gay cấn giảm đi. Từ đây, nói về trách nhiệm của nhà sản xuất vẫn là tầm nhìn, cách quan sát của họ đối với các vấn đề xã hội. Người hoạch định chiến lược cho phim truyện trên màn ảnh nhỏ cần biết rõ khán giả, và nhân dân của mình. Trong thực tế, dường như điều này chưa bao giờ được nhìn nhận và xử lý nghiêm túc”.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhận định: “Những vấn đề xã hội như người công nhân, nông dân, những vấn đề xung đột lớn của xã hội không được phản ánh. Nhiều phim truyền hình chạy theo đề tài dễ ăn khách như yêu đương , hình sự… Theo tôi, lỗi này là do công tác quản lý đề tài của đài truyền hình không có kế hoạch. Thứ 2 là do hiệu quả bên quảng cáo, yêu cầu phải làm những phim đông khách xem, mà lực lượng đông đảo nhất chính là thanh niên”.
Liên tiếp những thành công vang dội của phim truyền hình Việt trong 2 năm 2017 và 2018 đã mang lại nguồn cảm hứng dồi dào cho các nhà làm phim Việt, cho khán giả Việt. Quả thực, phim Việt đã thực sự “vàng” để chiếm sóng giờ vàng./.
Theo VOV.VN