Du khách Trung Quốc đang dần quay lại các nước Đông Nam Á, đặc biệt là những quốc gia miễn visa cho người Trung Quốc, sau một thời gian dài vắng mặt đầy đau đớn trong bối cảnh đại dịch.
Bắt đầu tăng mạnh
Với việc miễn thị thực và vé máy bay rẻ, Chính phủ Thái Lan đang nhắm tới 8 triệu lượt khách đến từ Trung Quốc trong năm nay, theo SCMP.
Từ đó, Thái Lan lạc quan sẽ đạt kỷ lục 40 triệu du khách quốc tế trong năm 2024, vượt qua con số trước đại dịch và củng cố vị thế "nhà vô địch" của du lịch Đông Nam Á của nước này. Trong dịp Tết Nguyên đán, gần 30.000 du khách Trung Quốc đã đến Thái Lan mỗi ngày.
Thái Lan miễn visa cho khách Trung Quốc và đã thu hút lượng lớn du khách từ nước này SCMP
Theo nền tảng du lịch trực tuyến LY.com, khách du lịch Trung Quốc tận dụng cơ hội miễn thị thực mới đến Thái Lan, Malaysia và Singapore trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 8 ngày, khiến lượng đặt phòng cao gấp 9 lần so với cùng tết năm trước.
Đối với Malaysia, năm nay, mục tiêu đón 27,3 triệu lượt khách quốc tế. Tính riêng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Malaysia đón 100.000 lượt khách Trung Quốc, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái và đã chi tiêu 1,5 tỉ RM (312,66 triệu USD) ở nước này.
Chi tiêu ở ba quốc gia Đông Nam Á trên qua nền tảng thanh toán Alipay của Trung Quốc cũng tăng gần gấp 7 lần trong khoảng thời gian từ ngày 9 đến 12.2, so với năm trước và cao hơn 7,5% - hơn mức năm 2019.
Các nhà kinh tế tại HSBC cho biết trong một báo cáo nghiên cứu vào tháng trước rằng, "công dân Trung Quốc vẫn sẵn sàng chi tiêu cho những trải nghiệm liên quan đến du lịch" bất chấp "những cơn gió ngược kinh tế vĩ mô" ở trong nước. Báo cáo nhấn mạnh: "Chúng tôi nghĩ rằng chi tiêu liên quan đến du lịch có thể tiếp tục vượt xa… mức tiêu dùng nội địa nói chung".
Campuchia cũng đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Công viên khảo cổ Angkor. Báo cáo cho biết 16.074 du khách Trung Quốc đã tới thăm Angkor trong hai tháng đầu năm nay, tăng 140% so với 6.690 du khách cùng kỳ năm ngoái.
Du khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái LNH
Tương tự, từ đầu năm đến nay, lượng khách Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam bắt đầu tăng cao so với những năm trước. Cụ thể, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã làm thủ tục nhập cảnh cho hơn 141.000 lượt khách du lịch Trung Quốc từ tháng 1 đến đầu tháng 3. Sau rằm tháng giêng, khách Trung Quốc nhập cảnh đông hơn, trung bình khoảng 2.000 lượt người/ngày.
Khách Trung Quốc đã thay đổi?
Những biến động kinh tế gần đây của Trung Quốc đã được theo dõi một cách lo lắng trên khắp Đông Nam Á vốn phụ thuộc vào ngành du lịch, nơi phải hứng chịu sự vắng bóng của du khách từ thị trường tỉ dân trong những năm đại dịch kéo dài.
Gary Bowerman, Giám đốc công ty phân tích du lịch Check-in Asia có trụ sở tại Kuala Lumpur, cho biết: Năm 2023, sự phục hồi của du lịch ra nước ngoài của Trung Quốc chậm hơn nhiều so với dự kiến của các điểm đến ở Đông Nam Á. Vì thế, chúng tôi sẽ tìm ra ai là khách du lịch Trung Quốc 'mới' vào cuối năm 2024. Nhưng năm nay chắc chắn sẽ tăng mạnh mẽ hơn. Chúng tôi đã thấy một số xu hướng khác nhau. Những du khách quan tâm đến giá trị điểm đến vẫn còn đó, cũng như du lịch theo nhóm, nhưng cũng có một thị trường trẻ hơn, các cặp vợ chồng trẻ, khách đi công tác. Rất đa dạng.
Một điểm sáng khác là các chuyến công tác từ Trung Quốc đại lục cũng bắt đầu quay trở lại.
Du khách Trung Quốc đang "lấp đầy" Angkor Wat XINHUA
Theo Todd Handcock, Giám đốc thương mại toàn cầu và Chủ tịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Collinson Group, đơn vị vận hành chương trình sử dụng phòng chờ Priority Pass, lượng khách đến phòng chờ tại sân bay của khách hàng Trung Quốc đại lục đang trong quỹ đạo đi lên và đã tiếp tục diễn ra trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán gần đây, với các thị trường Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan và Malaysia được hưởng lợi.
Ông kỳ vọng "động lực này sẽ tăng tốc trong những tháng tới, một phần nhờ các chương trình du lịch miễn thị thực trên một số thị trường châu Á-Thái Bình Dương và giải phóng nhu cầu du lịch quốc tế bị dồn nén của người tiêu dùng Trung Quốc".
Cạnh tranh ngày càng gay gắt, các công ty du lịch ở Thái Lan, Malaysia và Singapore tung ra các chiến dịch quảng cáo lớn để thu hút khách Trung Quốc.
Đơn cử, Chính phủ của Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã đưa ra những hứa hẹn về việc đầu tư vào công suất sân bay nhằm mang lại sức sống mới cho nền kinh tế đất nước khi đặt mục tiêu tăng trưởng 5%.
Chẳng hạn, nhà ga thứ hai bị đình trệ từ lâu tại Chiang Mai sẽ được hoàn thành trong vòng 3 đến 4 năm tới, tăng gấp đôi lượng khách du lịch tiềm năng lên 16 triệu - tại một thành phố có chưa đến 200.000 dân.
Bất chấp tour "0 đồng" quay lại
Ở Thái Lan, nơi các cơ quan quản lý du lịch đang đặt mục tiêu vượt qua kỷ lục 39 triệu lượt khách trong năm 2019, việc thu hút trở lại các nhóm du lịch "0 đồng" có thể là cách tốt nhất để đạt được mục tiêu đó, bất chấp loại tuor này chỉ mang lại lợi ích cho các nhà khai thác Trung Quốc nhưng gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp Thái Lan. Các nước khác trong khu vực cũng khó tránh nạn tour "0 đồng" khi du khách Trung Quốc đông lên.
Nhóm hướng dẫn viên người Thái Lan từng tụ tập phản đối tour "0 đồng" của Trung Quốc THE NATION
"Du lịch '0 đồng' không hề biến mất. Năm ngoái, giá vé máy bay quá cao nên các công ty du lịch không thể thực hiện được, nhưng khi các quốc gia hạ thấp rào cản này, bạn sẽ thấy nhiều hơn", Bowerman nói và cho biết thêm, các công ty du lịch cũng đang mở rộng thu hút khách đi tour "0 đồng" tới các thành phố hạng ba của Trung Quốc với những người chưa bao giờ thực sự đi du lịch nước ngoài trước đây.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/khach-trung-quoc-tro-lai-nguy-co-tour-0-dong-tai-dien-185240311081226842.htm