Trong suốt 20 năm (từ cuối thập niên 1950 đến cuối thập niên 1970), nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng là ngôi sao chói sáng nhất của nền điện ảnh phía Nam. Bà vừa qua đời tối 6.9 tại nhà riêng ở Q.7 (TP.HCM) ở tuổi 82.
Tên tuổi nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng luôn đi đôi với mỹ từ “Người đẹp Bình Dương” khiến nhiều người nhầm tưởng bà xuất thân từ tỉnh Bình Dương. Thực ra, không phải vậy.
Bà tên thật là Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1941 tại Hải Phòng trong một gia đình công chức. Khi gia đình chuyển vào Nam (ở An Giang) thì cũng là lúc ông bố từ trần (năm đó cô 13 tuổi). Học hết bậc tiểu học, Kim Phụng lên Sài Gòn học trường Trung học Huỳnh Văn Ngà (Tân Định). Năm 16 tuổi, đọc báo thấy tin về cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của hãng phim Mỹ Vân với câu chào mời: “Giải nhất sẽ được sang Hồng Kông tham dự lớp đào tạo diễn xuất”, Kim Phụng đã lén ghi danh và giấu chiếc áo dài (màu) vào cặp để đi thi.
Không ngờ Kim Phụng vượt lên hơn 2.000 gương mặt khả ái khác để giành giải nhất. Nghệ danh Thẩm Thúy Hằng do ông bà chủ hãng phim Mỹ Vân đặt cho đã gắn liền với cô từ đó.
Thẩm Thúy Hằng thời trẻ
Thành công ngay từ phim đầu tiên
Ngay trong bộ phim đầu tiên Người đẹp Bình Dương (phim đen trắng, đạo diễn Năm Châu, hãng Mỹ Vân sản xuất 1958), Thẩm Thúy Hằng vào vai Tam Nương đóng cặp với nam diễn viên Nguyễn Đình Dần, nhan sắc hớp hồn và khả năng diễn xuất của cô đã tạo được ấn tượng với công chúng, và họ đặt cho cô một cái tên kép: “Người đẹp Bình Dương - Thẩm Thúy Hằng”. Từ thành công của vai diễn đầu tiên này, các hãng phim đua nhau mời chào Thẩm Thúy Hằng ký giao kèo đóng phim.
Thời kỳ hoàng kim của Thẩm Thúy Hằng kéo dài hơn 15 năm sau (kể từ 1958). Thời ấy, cô là “mỏ vàng” để báo chí khai thác chuyện đóng phim (trong nước và ở nước ngoài) và cả những chuyện ngoài lề. Hầu như tuần nào cũng có bài viết về Thẩm Thúy Hằng trên tờ Điện ảnh và Kịch trường. Một tổng kết cho biết Thẩm Thúy Hằng đóng khoảng 60 bộ phim (trung bình 4 phim/năm), cho thấy cô đã lao động nghệ thuật cật lực như thế nào! Sau Người đẹp Bình Dương, hãng Mỹ Vân và đạo diễn Năm Châu tiếp tục đưa Thẩm Thúy Hằng vào phim Ngưu Lang - Chức Nữ. Đặc biệt, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết ca khúc Chức Nữ về trời (nhạc phim) cho Thẩm Thúy Hằng vừa hát vừa bay về trời... Tiếp theo cô tham gia liên tiếp những bộ phim: Trà Hoa Nữ, Tấm Cám, Sự tích Trầu Cau, Bạch Viên Tôn Các, Sài Gòn vô chiến sự, Nửa hồn thương đau, Đôi mắt huyền, Nàng, Bóng người đi, Ngậm ngùi, Mười năm giông tố, Sóng tình, Xin đừng bỏ em, Hòn vọng phu...
Năm 1969, cô đứng ra lập nhóm làm phim mang tên Thẩm Thúy Hằng (tiền thân của Vilifilms). Phim đầu tay cô thực hiện với vai trò chủ hãng là Chiều kỷ niệm (đạo diễn Lê Mộng Hoàng và các diễn viên: Năm Châu, Kim Cúc, Phùng Há, Thanh Tú, Huy Cường, Việt Hùng, Ngọc Nuôi…). Bộ phim thành công ngoài sức tưởng tượng. Ngay ngày chiếu đầu tiên, khán giả đã chen chúc tới hai rạp Rex và Văn Hoa Đakao để giành vé. Chỉ trong ngày đầu chiếu, rạp Rex đã thu về được hơn 1 triệu tiền tiền vé, còn Văn Hoa thu về hơn 700.000 đồng (thời điểm 1969). Suốt một tuần lễ chiếu, ngày nào cũng đông như vậy.
Thẩm Thúy Hằng (thập niên 1950)
Ngôi sao quốc tế
Không chỉ đóng phim trong nước, Thẩm Thúy Hằng còn hợp tác cùng nhiều nhà làm phim thực hiện những phim đa quốc tịch như: Từ Sài Gòn đến Điện Biên Phủ (với Đài Loan do Mỹ Vân hợp tác), Vàng (với Thái Lan do Việt Ảnh hợp tác)... Bộ phim Vàng do đạo diễn Chalong Pakdeevijit dàn dựng và do Hãng Columbia (Mỹ) phát hành, với diễn xuất của các ngôi sao “đa quốc tịch” như Greg Morris, Anoma Palalak, Krung Srivilai... Ngay trong phần giới thiệu tên của Thẩm Thúy Hằng đã được nêu lên hàng đầu một cách trân trọng như là một sự xuất hiện đặc biệt. Đây là bộ phim có doanh thu thuộc hàng cao nhất trong lịch sử điện ảnh Thái Lan (tính ở thời điểm trước 1975). Ở bộ phim này, nhân vật mà Thẩm Thúy Hằng đóng đã phải chịu đựng những trận mưa (giả) suốt 3 ngày 3 đêm...
Từ những lần đóng phim trong và ngoài nước, những liên hoan phim quốc tế đã đem về cho Thẩm Thúy Hằng nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá như: Hoa hậu ảnh toàn châu Á (1964), 2 lần đoạt giải Diễn viên xuất sắc Á châu tại Liên hoan phim Đài Bắc, 2 lần đoạt giải Ảnh hậu Á châu trong Liên hoan phim Á châu tổ chức tại Hồng Kông và Đài Loan (1972, 1974), Giải Kim khánh Ảnh hậu quốc gia (1973). Năm 1982, tại Liên hoan phim Moscow và Tasken (Liên bang Xô viết) Thẩm Thúy Hằng được bầu chọn là “Nữ diễn viên khả ái nhất”, vượt qua những diễn viên đến từ Đông Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ... Danh tiếng của Thẩm Thúy Hằng được nâng cao hơn khi cô xuất hiện tại Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Indonesia…
Dấu ấn trên sân khấu
Không chỉ thành công trong lĩnh vực điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng còn tham gia đóng kịch, diễn cải lương, hát tân nhạc và viết kịch bản. Cuối thập niên 1960, ở Sài Gòn có những ban thoại kịch (kịch nói). Thẩm Thúy Hằng cũng lập ban kịch mang tên mình, cô viết kịch bản, dàn dựng và đóng vai chính. Có thể kể những vở kịch tạo nên dấu ấn Thẩm Thúy Hằng như: Sông dài, Vũ điệu trong bóng mờ, Người mẹ già, Suối tình, Đôi mắt bằng sứ, Dạt sóng... Ban kịch Thẩm Thúy Hằng được xếp vào một trong mười ban kịch tiêu biểu của kịch nghệ miền Nam. Riêng cô nhiều lần được bầu chọn là một trong mười hai diễn viên vững chắc của ngành kịch. Ở lĩnh vực cải lương cô có vai diễn để đời (vũ nữ Cẩm Lệ) trong vở Bóng chim tăm cá của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga.
Sau năm 1975, Thẩm Thúy Hằng tham gia những bộ phim như: Như thế là tội ác, Ngọn lửa Krông Zung, Hồ sơ một đám cưới, Đám cưới chạy tang, Cho cả ngày mai, Nơi gặp gỡ của tình yêu… Trên sân khấu kịch nói của đoàn Bông Hồng, cô tham gia các vở: Cho tình yêu mai sau, Đôi bông tai, Hoa sim gai trắng, Biệt thự hoang tàn, Đôi mắt… Vai diễn cuối cùng trước khi từ giã hoạt động nghệ thuật là vai Phồn Y trong vở Lôi Vũ của đoàn kịch Kim Cương.
Từ khi người chồng là tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh mất năm 2003, Thẩm Thúy Hằng thu mình, sống khép kín ở vùng Bình Quới - Thanh Đa (TP.HCM), lấy việc ăn chay niệm Phật làm niềm vui. Tuy thế, niềm đam mê sân khấu không tắt trong cô, những lúc rảnh rỗi cô viết kịch bản, những kịch bản mới được hoàn thành là Người hạnh phúc, Nụ cười và nước mắt... Bà được phong danh hiệu NSƯT năm 1984.
Khi được hỏi những diễn viên điện ảnh nào mà ông yêu thích, đạo diễn Phạm Thùy Nhân đã nêu tên Thẩm Thúy Hằng. Ông bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình trước một ngôi sao có sự ảnh hưởng trong lòng công chúng Việt. Thậm chí, những diễn viên lớp sau này vẫn chưa tìm ra một khuôn mặt nào có ảnh hưởng sâu rộng đến thế!
Và hôm nay, người nữ minh tinh đầy tài năng, người từng tiêu biểu cho “nhan sắc Việt” đã rời xa chúng ta. Xin vĩnh biệt “Người đẹp Bình Dương”.
Theo nguồn tin của Thanh Niên, lễ viếng dự kiến bắt đầu từ trưa thứ sáu ngày 9.9 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, Q.Gò Vấp, TP.HCM.
Theo Hà Đình Nguyên/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/vinh-biet-nguoi-dep-binh-duong-post1497496.html