19
/
113644
Nhà văn, Anh hùng Lao động Sơn Tùng: Ra đi, để lại sự phi thường
nha-van-anh-hung-lao-dong-son-tung-ra-di-de-lai-su-phi-thuong
news

Nhà văn, Anh hùng Lao động Sơn Tùng: Ra đi, để lại sự phi thường

Thứ 7, 24/07/2021 | 07:42:30
1,740 lượt xem

Một điều kỳ lạ ở Sơn Tùng là khi sức khỏe của ông ở mức thấp nhất (chỉ còn 19%) thì ông lại làm việc nhiều nhất, hiệu quả nhất

Tin nhà văn Sơn Tùng - tác giả của tiểu thuyết "Búp sen xanh" nổi tiếng - từ giã cõi đời lúc 23 giờ 5 phút ngày 22-7 gây sự tiếc thương lớn trong lòng bạn đọc cả nước. Ông qua đời khoảng một giờ sau khi được đưa từ Bệnh viện Hữu Nghị, nơi cách đây gần 50 năm từng điều trị cho ông khi từ chiến trường ra, về nhà. Bà Phan Hồng Mai, vợ nhà văn Sơn Tùng và các con muốn ông được ra đi trong căn nhà ông đã chật vật chiến đấu với bệnh tật và khó khăn hơn gần 50 năm nhưng ấm áp bởi tình người và những trang văn.

Nhân cách Sơn Tùng

Nhà văn Sơn Tùng, tên thật là Bùi Sơn Tùng, bí danh là Ái Thanh, sinh ngày 8-8-1928, tại làng Hoa Lũy, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Thủa ấu thơ Sơn Tùng được cha mẹ và các anh chị khen là thông minh, hiền hậu, hòa nhã và khiêm tốn. Lên 5, 6 tuổi được cha mẹ khai tâm chữ Nho.

Năm lên 10, cha mất sớm, Sơn Tùng phải nghỉ học cùng em trai đi ở cho một địa chủ giàu có tiếng ở làng Nhân Trạch, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Tại đây, Sơn Tùng gặp được thầy giáo Tụ, người Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) đang ngồi dạy học trong nhà cụ Chánh. Thấy đứa trẻ ở thuê mà hiếu học, ông thầy thương tình mua giấy bút rồi viết sẵn vào sách để cậu bé mang theo bên mình để học lúc đi chăn trâu… Bằng cách học như vậy, chẳng bao lâu Sơn Tùng đọc thông viết thạo và thuộc được nhiều sách in chữ Quốc ngữ, mà phần nhiều là sách truyện thơ. Sau ngày thôi đi ở, Sơn Tùng về theo học trường làng, học theo lối "nhảy cóc" từ lớp 1 lên thẳng lớp 3 rồi tham gia dạy những lớp học bình dân buổi tối, học đại học ban đêm…

Nhà văn, Anh hùng Lao động Sơn Tùng: Ra đi, để lại sự phi thường - Ảnh 1.

Nhà văn Sơn Tùng lúc sinh thờiẢnh: VĂN PHÚC

Gia đình Sơn Tùng có truyền thống yêu nước. Nhà văn Sơn Tùng có bảy anh chị em đều tham gia cách mạng và ai cũng yêu thích văn chương, nhất là Truyện Kiều. Một nền móng gia đình như vậy, đã hình thành nên nhân cách Sơn Tùng và đưa Sơn Tùng đến với văn chương cách mạng…

Khởi đầu nghiệp văn của Sơn Tùng là 10 năm hoạt động tại quê nhà Nghệ An từ tháng 10-1944 đến tháng 10-1954 trên nhiều cương vị. Nhờ có 10 năm hoạt động ở tỉnh nhà mà Sơn Tùng có điều kiện tìm hiểu về con người và mảnh đất Diễn Châu và tỉnh Nghệ An. Đặc biệt là được gặp chị và anh trai Bác Hồ là bà Nguyễn Thị Thanh, ông Nguyễn Sinh Khiêm. Đây chính là hạt giống đầu mùa cho những tác phẩm viết về Bác Hồ sau này…

Sau đó, Sơn Tùng ra Hà Nội làm Bí thư chi bộ, Phó trưởng Ban đại diện sinh viên Trường Đại học Nhân dân - trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Rồi làm cán bộ giáo vụ của trường đại học, giảng viên Trường Báo chí trung ương. Từ năm 1962, ông về làm Báo Nông Nghiệp, rồi Báo Tiền Phong. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ lan ra miền Bắc, ông vào tuyến lửa Nghệ An, Hà Tĩnh, bám sát địa bàn để đưa tin cho trong nước và trên thế giới biết rõ hơn về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Sống trong tình yêu thương

Để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, cuối năm 1967, Sơn Tùng cùng một số phóng viên Báo Tiền Phong vượt Trường Sơn vào tận miền Tây Nam Bộ thành lập Báo Thanh Niên miền Nam phục vụ cho chiến trường… Không may, bốn năm sau, ngày 15-4-1971, một trận giặc càn vào căn cứ, ông bị thương nặng liệt tay phải, vỡ vai trái, ba mảnh đạn găm sọ não không lấy ra được, thị lực mắt phải còn 1/10.

Sơn Tùng được đưa ra Bắc điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô… Trong giấy giới thiệu Sơn Tùng ra Bắc điều trị - Ban Dân vận Trung ương Cục miền Nam viết: "Đây là một tài năng quý giá, một kho tư liệu đồ sộ. Một chiến sĩ trung kiên. Đề nghị Trung ương, Chính phủ hết lòng cứu chữa, chăm sóc, kẻo mất đi một nhân tài đáng nể". Chính vì điều này, ban đầu Trung ương đề nghị đưa Sơn Tùng sang Cộng hòa Dân chủ Đức chữa trị vết thương nhưng ông không đi, ông nhận đi Trung Quốc. Điều trị được ba tháng, lấy lý do bận công tác, ông phải về ngay, mặc dầu các vết thương trên người chưa lành.

Và từ đó, hằng ngày Sơn Tùng phải đối diện với những cơn đau từ vết thương, đối diện với cuộc sống khó khăn chung của đất nước sau khi kết thúc chiến tranh. Ông ngồi tập thiền từ 1, 2 giờ sáng, rèn luyện sức khỏe một cách khoa học và bền bỉ. Một điều kỳ lạ ở Sơn Tùng là khi sức khỏe của ông ở mức thấp nhất (chỉ còn 19%) thì ông lại làm việc nhiều nhất, hiệu quả nhất. Nhiều khi say mê làm việc, máu từ vết thương trong đầu chảy ra mà không biết. Nhưng ông đã vượt lên với sức làm việc phi thường, hầu hết như những tác phẩm của ông được ra đời trong giai đoạn này. Nhà văn Sơn Tùng được phong danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2011.

Do những di chứng của vết thương, từ hơn 11 năm trước, nhà văn Sơn Tùng bị tai biến mạch máu não, phải nằm một chỗ không đi lại được. Người con trai thứ hai của ông là Bùi Sơn Định sau khi về hưu hằng ngày đọc ghi âm các quyển sách quý, tư liệu quý để mở cho ông nghe, anh cũng thường mở làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam để ông giao lưu với cuộc sống bên ngoài và gia đình. Ông vẫn nghe và sống trong tình yêu thương và chăm sóc đặc biệt của người vợ Phan Hồng Mai và các con. Tình nghĩa giữa vợ chồng nhà văn dành cho nhau đã khiến bao người cảm động. Chỉ còn mấy phút cuối cùng trước khi từ giã cuộc đời ở tuổi 94, tôi chứng kiến cảnh nhà văn Sơn Tùng dường như đã dồn hết tâm sức để nghe tiếng người vợ Phan Hồng Mai gọi "Anh ơi, em Hồng Mai đây! Anh nghe rõ không?" rồi thanh thản ra đi! 

Các tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Sơn Tùng gồm “Nhớ nguồn” (1975), “Kỷ niệm tháng năm”, “Con người và con đường” (1976), “Lõm” (viết xong năm 1976, in năm 1994); “Trần Phú” (1980); “Nguyễn Hữu Tiến, Anh họa sĩ mù” (1981); “Búp sen xanh” (1982); “Bông sen vàng, Trái tim quả đất” (1990); “Hoa râm bụt” (1999); “Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh, Bác ở nơi đây” (2005)… Và gần đây nhất là hai “tuyển tập Sơn Tùng” dày dặn do Nhà Xuất bản Văn học ấn hành năm 2020.

Nhà văn Nguyễn Hồng Thái

Theo Người lao động

https://nld.com.vn/van-nghe/nha-van-anh-hung-lao-dong-son-tung-ra-di-de-lai-su-phi-thuong-2021072322045095.htm

  • Từ khóa

Chiếu phim tài liệu mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ

Theo thông tin từ Hãng Tài liệu và Khoa học Trung ương, nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Hãng tổ chức "Những ngày phim tài liệu" với 6...
16:59 - 29/04/2024
135 lượt xem

Sự thật Cát Bà vắng bất thường ngày lễ, khách sợ tắc phà nên "quay xe"

Nhiều trang mạng xã hội đăng tải hình ảnh bến phà, bãi tắm ở Cát Bà vắng vẻ trong ngày đầu nghỉ lễ, cho rằng khách sợ tắc phà nên đồng loạt "quay xe".
14:13 - 29/04/2024
219 lượt xem

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Nhật kí chiến tranh của người lính trẻ

Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với vai trò phóng viên chiến trường kiêm họa sĩ, Phạm Thanh Tâm khi ấy mới ở độ tuổi đôi mươi.
15:47 - 27/04/2024
1,336 lượt xem

Công bố 100 tư liệu và hình ảnh về đường Trường Sơn huyền thoại

100 tư liệu, hình ảnh về đường Trường Sơn đã được trưng bày tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội trong triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ...
16:12 - 26/04/2024
1,866 lượt xem

Hải Phòng một ngày kêu gọi được 22 tỉ đồng cho Lễ hội Hoa Phượng Đỏ

Chỉ trong ngày đầu tiên gặp mặt kêu gọi các doanh nghiệp tài trợ cho Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, UBND thành phố Hải Phòng đã nhận được 22 tỉ đồng. Ngân sách...
15:20 - 26/04/2024
1,933 lượt xem