Hình tượng Bác Hồ luôn là nguồn cảm hứng sâu sắc để các nghệ sĩ sáng tạo nên những giá trị thiêng liêng
Kỷ niệm 131 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19.5.1890 - 19.5.2021), đồng loạt các đài truyền hình trên cả nước đều phát sóng các chương trình sân khấu ca ngợi tấm gương cao cả vì nước, vì dân của Bác Hồ. Đối với người nghệ sĩ, được hóa thân vào hình tượng Bác Hồ là một điều thiêng liêng. Vai diễn đó đã theo suốt hành trình phấn đấu không ngừng để xứng đáng với niềm tin yêu của công chúng.
Dấu ấn đẹp trong lòng công chúng
Trong vườn hoa nghệ thuật đa sắc màu với nhiều loại hình sân khấu, hình tượng Bác Hồ luôn là nguồn cảm hứng sâu sắc để các nghệ sĩ sáng tạo nên những giá trị thiêng liêng. Thích ứng với từng thể loại: hát bội, cải lương, kịch nói, múa rối, đờn ca tài tử Nam Bộ, hát văn, dân ca quan họ..., các nghệ sĩ đã khai thác nhiều góc độ khác nhau.
Theo nghiên cứu của NSƯT Trịnh Xuân Chính, khi ông may mắn được mời hóa trang nhân vật Bác Hồ cho nhiều vở diễn của đủ loại hình thì các tác phẩm của sân khấu phía Nam đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng công chúng như: "Đêm trắng", "Bức chân dung huyền thoại", "Dấu xưa", "Điều ước thiêng liêng"... "Tôi vinh dự được hóa trang cho hơn 100 nghệ sĩ của nhiều lĩnh vực thể hiện nhân vật Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là sứ mệnh thiêng liêng của người nghệ sĩ" - "phù thủy hóa trang" NSƯT Trịnh Xuân Chính nói. Công trình nghiên cứu khoa học của ông về "Công nghệ hóa trang ứng dụng kỹ thuật hiện đại trên sân khấu Việt Nam" đã viết rất kỹ về niềm tự hào thiêng liêng này.
NSƯT Thanh Điền vai Bác Hồ trong vở cải lương “Đêm trắng”
Riêng với NSƯT Thanh Điền, cứ đến ngày sinh của vị cha già kính yêu của dân tộc là ông lại nhớ đến cột mốc quan trọng trong cuộc đời làm diễn viên. "Tháng 5-1990, Đoàn Cải lương Sài Gòn 1 tham dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, tôi được trao giải đặc biệt với vai diễn Bác Hồ trong vở "Đêm trắng" (tác giả: Lưu Quang Hà, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang - NSƯT Thanh Điền). Năm nay, khi HTV mời nói chuyện về vai diễn này, tôi đã kể rất nhiều về cuộc trò chuyện của tôi với đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang. Để có được chìa khóa sáng tạo, chính niềm tin vào nhân vật, vào tình yêu bao la của Bác đối với dân tộc, từ đó thấm nhuần tư tưởng của Bác và những bài học giá trị cho chúng ta noi theo" - NSƯT Thanh Điền nhớ lại.
Hình tượng Bác Hồ đã hun đúc tinh thần sáng tạo không ngừng, để sau vở "Đêm trắng", năm 2017, ông tiếp tục hóa thân thành công vai Bác Hồ trong vở kịch "Dấu xưa" (tác giả: Nguyễn Thanh Bình, đạo diễn: NSND Trần Minh Ngọc) của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM. Vở kịch tính đến thời điểm này đã diễn gần 100 suất.
Sự kế thừa vẻ vang
Trong các chương trình sân khấu hóa và nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt đã dàn dựng rất nhiều tiết mục, trích đoạn, ca cảnh về hình tượng Bác như: "Dâng Người tiếng hát mùa Xuân", "Người là niềm tin tất thắng", "Dấu chân phía trước", "Hoa sen Tháp Mười", "Miền Nam nhớ mãi ơn Người", "Người sống mãi trong lòng miền Nam"... và anh đã được trao giải A Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2015-2020 do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM tổ chức. Học trò của anh, nghệ sĩ trẻ Hoàng Quốc Thanh, tiếp tục tỏa sáng với vai diễn Bác Hồ trong vở "Tổ quốc nơi cuối con đường" do anh dàn dựng. "Đó là sự kế thừa vẻ vang, là niềm hạnh phúc lớn của người thầy khi thấy học trò thành đạt" - NSƯT Lê Nguyên Đạt nói.
Nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh vai Bác Hồ trong chương trình sân khấu hóa về hình tượng Bác
Trên sân khấu hát bội, NSND Đinh Bằng Phi đã dàn dựng trích đoạn do ông sáng tác "Từ làng Sen" tạo nhiều cảm xúc khi lần đầu tiên nghệ thuật hát bội xuất hiện hình tượng Bác Hồ. NSND Đinh Bằng Phi tâm sự với thủ pháp dàn dựng ước lệ, ông xây dựng nhân vật lãnh tụ xuất hiện trong giấc mơ của những người nghệ sĩ hát bội, khi đến thăm làng Sen đã được Người động viên, cùng vượt qua khó khăn, để giữ gìn viên ngọc quý của nghệ thuật hát bội. "Điều quan trọng hơn là các diễn viên trẻ đã thể hiện bằng tinh thần tự hào về Bác" - ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang từng dàn dựng và công diễn vở cải lương "Bức chân dung huyền thoại" (tác giả: Ngọc Trúc, chuyển thể cải lương: Trúc Giang, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu). Kịch bản của vở diễn được Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP HCM đầu tư cho đợt vận động sáng tác các tác phẩm văn học - nghệ thuật đề tài "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". NSND Trần Minh Ngọc nhận xét: "Các diễn viên trẻ của sân khấu miền Nam đã chịu khó học hỏi, chắt lọc những tinh hoa trong diễn xuất của nhiều nghệ sĩ từng diễn thành công vai Bác Hồ, để thăng hoa cảm xúc dưới góc nhìn của thế hệ trẻ về lãnh tụ kính yêu".
Theo Thanh Hiệp/ NLĐ
https://nld.com.vn/van-nghe/thang-hoa-hinh-tuong-bac-ho-tren-san-khau-20210518213930545.htm