Làm nên kỳ tích của hội họa đương đại, tác phẩm "Điện Biên Phủ" đã tạo sức lan tỏa lớn cho nhiều dự án tương lai
Hấp lực khiến giới chuyên môn ngành hội họa đánh giá cao ở tác phẩm "Điện Biên Phủ" chính là thế hệ họa sĩ trẻ đã hoàn thành xuất sắc một sử thi hội họa, đặt nhiều kỳ vọng cho ngành mỹ thuật Việt Nam đi vào các tác phẩm sử thi hào hùng của dân tộc.
Tác phẩm “Điện Biên Phủ”. Ảnh: MINH LÂM
Kiệt tác
Ngày 4-5, tác phẩm mỹ thuật "Điện Biên Phủ" tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) đã hoàn thành trong niềm vui mừng của những người thực hiện.
Niềm vui và hạnh phúc vỡ òa bởi những họa sĩ thực hiện tác phẩm ý nghĩa này đều có tuổi đời rất trẻ. Họ gồm 30 họa sĩ đã đưa niềm tự hào của bản thân được sống trong thời bình, được nhìn thấy đất nước ngày một đổi mới, rạng danh vào từng nét vẽ. Đó là khối lượng công việc rất lớn dành cho một tác phẩm có chiều dài 132 m, cao hơn 9 m cùng phần mái vòm. Tổng diện tích tác phẩm gồm 2.500 m2 tranh và 700 m2 sắp đặt.
NSND Phạm Thị Thành tự hào chia sẻ: "Tôi thấy các họa sĩ rất thông minh. Họ đã chia từng bố cục hợp lý, mở màn là cảnh "Toàn quân ra trận", đến trường đoạn thứ hai là "Khúc dạo đầu hùng tráng" và ấn tượng nhất là trận đánh ở đồi Him Lam. Với trường đoạn ba: "Cuộc đối đầu lịch sử", tái hiện trận đánh ở đồi A1 và trường đoạn bốn "Khải hoàn", đã làm nên một kiệt tác của ngành hội họa".
NSND Phạm Thị Thành cho rằng dù có nhiều trường đoạn, thể hiện nhiều nhân vật nhưng cho thấy sự ăn ý tạo nên bút pháp liền mạch. Để những gương mặt người lính Cụ Hồ và cả lính viễn chinh Pháp rất sống động.
Các họa sĩ trẻ phải thật sự yêu chiến thắng Điện Biên Phủ mới có thể đưa vào tác phẩm nét cọ đồng điệu, miêu tả toàn cảnh chiến trường Điện Biên tại nhiều thời điểm (cuối năm 1953 đến ngày 7-5-1954). Phản Ánh đúng tính chất của cuộc chiến tranh nhân dân với hình ảnh toàn quân và dân cùng ra trận.
Tác phẩm “Điện Biên Phủ”. Ảnh: MINH LÂM
Đưa sử thi vào hội họa
Tác phẩm "Điện Biên Phủ" đã được giới chuyên môn trong lĩnh vực thiết kế mỹ thuật cho các công trình kiến trúc gắn liền với không gian văn hóa đánh giá rất cao. Họa sĩ Vi Kiến Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật (Hội Mỹ thuật Việt Nam), đề cao tinh thần lao động nghệ thuật để cho ra đời tác phẩm xứng tầm thời đại. Theo ông, đây chính là câu trả lời thỏa đáng cho nỗi băn khoăn nhiều năm nay của ngành hội họa Việt Nam về tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho rằng bức tranh "Điện Biên Phủ" đã lập nên kỳ tích của hội họa Việt Nam. Ông nhận xét nếu như tác phẩm "Trận chiến Borodino" tái hiện một trận đánh cụ thể và không có hồi kết trong lịch sử nước Nga thì bức tranh "Điện Biên Phủ" đã khắc họa toàn cảnh một trận chiến, từ khi bắt đầu cho đến ngày toàn thắng.
Đây là bức sử thi hội họa lớn nhất, tái hiện toàn cảnh chiến trường Điện Biên Phủ trong một không gian đồng hiện đa hướng, đa tầng. Nhóm họa sĩ trẻ 8X, 9X thực sự đã khiến thế hệ họa sĩ tạo hình 5X, 6X bất ngờ với bút lực và sức sáng tạo khủng khiếp. Hơn 4.500 nhân vật trong tranh đều đã được khắc họa hoàn chỉnh, sống động.
Trưởng nhóm họa sĩ, Nguyễn Văn Nghĩa, người thuộc thế hệ 8X, cho biết tác phẩm "Điện Biên Phủ" không phải dự án tranh hoành tráng đầu tiên của anh nhưng về quy mô, nó lớn gấp hàng chục lần những dự án anh từng làm.
"Chúng tôi vẽ ở tầng 2 bảo tàng trong thời gian nơi đây vẫn có khách đến tham quan. Có lần, các cựu chiến binh đến xem, mặc quân phục, đeo huân chương. Các bác xem rồi nhận ra ký ức của trận địa pháo mà mình đã từng tham gia ngày xưa. Có bác đã khóc" - anh Nghĩa xúc động kể.
Họa sĩ lão thành Trang Phượng trong những lần tham gia hội thảo về chủ đề không gian văn hóa đã đề xuất cần thiết kế nhiều công trình mang tính sử thi tại TP HCM để qua đó giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu và nâng niu, tự hào trước những trang sử hào hùng của dân tộc. Mỗi cụm cầu tại TP sẽ là một công trình sử thi, lồng ghép vào đó những tác phẩm mỹ thuật, hội họa, vừa tạo điểm nhấn cho không gian đô thị vừa nâng cao thẩm mỹ, kiến thức lịch sử cho giới trẻ.
Trở lại với tác phẩm "Điện Biên Phủ", quả thật đây là một sự đột phá của những họa sĩ trẻ, qua đó mở ra hướng cho những dự án khác trong việc đưa sử thi vào hội họa. Chúng ta có rất nhiều trận thắng oanh liệt và sự kiện hào hùng trong lịch sử bảo vệ Tổ quốc như: Hai Bà Trưng; Đống Đa - Quang Trung; Bình Ngô đại cáo; Mậu Thân 1968; Chiến dịch Hồ Chí Minh… hoàn toàn có thể đưa các kiệt tác lịch sử này vào hội họa.
Theo Thanh Hiệp/ NLĐ
https://nld.com.vn/van-nghe/dien-bien-phu-dot-pha-song-dong-hao-hung-20210506211256502.htm