U.22 Việt Nam đã giành HCĐ SEA Games 32 sau chiến thắng đẹp trước U.22 Myanmar nhưng dư âm chưa thật sự trọn vẹn. Hành trình đi tới tương lai của thầy trò HLV Troussier còn rất chông gai.
Có điểm sáng và cả những vết gợn
U.22 Việt Nam được kỳ vọng sẽ bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games 32. Nhưng kỳ vọng này đã không thành hiện thực vì nhiều lý do. Công bằng mà nói, cũng có nhiều trận đấu, nhiều thời điểm U.22 Việt Nam đã chơi tốt. Hầu hết những bàn thắng của chúng ta đều đến từ những tình huống tấn công bài bản và đẹp mắt. Biên phải có quả tạt của Đức Phú cho Văn Tùng đánh đầu mở tỷ số trận gặp U.22 Lào. Cánh trái luôn có những tình huống tấn công ấn tượng với chất lượng đường chuyền phát động tấn công của Tuấn Tài và sự di chuyển hợp lý, kỹ thuật xử lý bóng động, tạt bóng chính xác của Minh Trọng. Khả năng pressing khu vực giữa sân, giành bóng và chuyển đổi tấn công trực diện cũng là khá tốt với sự cơ động của bộ ba Văn Đô - Thanh Nhàn - Văn Tùng.
Đội U.22 Việt Nam giành HCĐ SEA Games 32
Các cầu thủ trẻ cần nâng cấp trình độ NGỌC DƯƠNG
HLV Troussier và các cộng sự còn nhiều việc phải làm NGỌC DƯƠNG
Trận đấu tranh HCĐ gặp U.22 Myanmar, ông Troussier phần nào hài lòng khi U.22 Việt Nam thực hiện khá nhiều tình huống kiểm soát bóng và phát động tấn công từ phần sân nhà bằng những đường chuyền ngắn, nhỏ, nhuyễn ở phần sân nhà, những quả chọc khe kỹ thuật ra sau lưng hàng phòng ngự đối phương để đồng đội băng lên chiếm khoảng trống, những phương án tạt bổng, căng ngang, trả ngược khiến đối phương lúng túng. Đó là những điểm sáng trong lối chơi kiểm soát bóng và chủ động tấn công. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những sự chệch choạc, vẫn có những vết gợn, những nét gẫy khi cách chơi kiểm soát bóng chưa mượt mà, kỹ năng xử lý bóng cá nhân của các cầu thủ còn nhiều hạn chế.
Đường đua còn lắm gian nan
Gạt sang một bên sự cố ẩu đả của trận chung kết, xét về chuyên môn, lối đá của U.22 Indonesia và Thái Lan mang dáng dấp của những đội bóng hiện đại, tổ chức tốt. U.22 Thái Lan kiểm soát bóng tấn công từ phần sân nhà dựa trên sự đồng đều của một dàn cầu thủ có kỹ thuật cá nhân điêu luyện, kỹ năng hoàn thiện. Kinh nghiệm và bản lĩnh của rất nhiều cá nhân đang chơi tại Thái League 1 và 2 đã giúp U.22 Thái Lan có được phong cách chững chạc. Songchai, Doloh, Chanarong, Teerasak đều có vài chục trận tại đấu trường cao nhất của bóng đá Thái. Leon James, Jonathan Khemdee được đào tạo tại châu Âu còn Achitpol, Chayapipat vẫn đang chơi bóng tại Đức, Bồ Đào Nha.
U.22 Thái Lan (áo xanh) có nhiều kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu NGỌC DƯƠNG
Còn chất lượng U.22 Indonesia lại đến từ dàn cầu thủ trẻ được chơi cùng nhau nhiều năm. Trong đó có hơn nửa đội hình đã là tuyển thủ quốc gia 3, 4 năm nay. Ricky Ridho, Dewangga, Arnan, Ernando, Witan đã trở nên quá quen thuộc với khán giả khu vực. Indonesia tấn công rực lửa, tốc độ, trực diện do sở hữu rất nhiều tiền đạo xuất sắc như Fajar, Irfan, Sananta… Quan trọng hơn, trong đội hình đội đương kim vô địch có Marcelino, cầu thủ đang thi đấu tại châu Âu, tài năng và đẳng cấp vượt tầm của khu vực Đông Nam Á.
Còn U.22 Việt Nam, so về kinh nghiệm và sự từng trải, còn kém rất nhiều so với 2 đối thủ kể trên. HLV Troussier nói: "HCĐ SEA Games 32 là một thành quả dở dang, có những sự thất vọng nhất định. Nhưng hy vọng đó cũng là động lực để các cầu thủ nỗ lực hơn trong tương lai để bù đắp lại phần dang dở đó". Đó là lời động viên cần thiết với các cầu thủ trẻ. Còn với chính HLV Troussier, trước mắt sẽ là một núi công việc.
Các cầu thủ U.22 Việt Nam sẽ có được bài học lớn từ SEA Games 32 NGỌC DƯƠNG
Từ những bài học ở Campuchia, từ những nhìn nhận đánh giá chân thực về đối thủ, về các học trò, ông Troussier sẽ phải nhanh chóng có những kế hoạch, những chiến lược, những hoạch định cụ thể chi tiết cho chặng đường tiếp theo. Không loại trừ cả việc điều chỉnh thay đổi sơ đồ đội hình, triết lý lối chơi để phù hợp với các học trò hiện tại. HLV Philippe Troussier đã có màn làm quen, khởi động không thực sự như ý, đã đến lúc cần sự tăng tốc, bứt phá để trở lại đường đua, với những nhiệm vụ nặng nề của năm 2023.
Ngày 18.5, AFC đã bốc thăm vòng loại thứ 2 môn bóng đá nữ Olympic 2024. Đội nữ VN nằm ở bảng C cùng Nhật Bản, Uzbekistan và Ấn Độ. Bảng A gồm đội Úc, Đài Loan, Philippines và Iran. Bảng B gồm đội nữ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và CHDCND Triều Tiên. Vòng này đấu từ ngày 23.10 - 1.11, các đội nhất bảng cùng 1 đội nhì có thành tích tốt nhất lọt tiếp vào vòng 3. Giang Lao |
Theo Đặng Phương Nam/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/u22-viet-nam-can-but-pha-trong-hanh-trinh-di-toi-tuong-lai-185230518134416223.htm