Trừ Trọng Hoàng, không cầu thủ nào thường có tên trong đội hình chính thức của đội tuyển Việt Nam trong năm ngoái, ra sân ở trận giao hữu với U22 Việt Nam vừa kết thúc trên sân Cẩm Phả.
Và cầu thủ duy nhất trong nhóm những người thường xuyên có suất đá chính ở đội tuyển Việt Nam trong năm ngoái, được ra sân ở trận đấu mới kết thúc trên sân Cẩm Phả, là Trọng Hoàng cũng chơi trái sở trường: Cánh trái thay vì cánh phải như thường thấy.
Điều đó cho thấy HLV Park Hang Seo nghiêng hẳn về những thử nghiệm, chứ không nghiêng về việc tìm kiếm kết quả cho đội tuyển Việt Nam, trong trận giao hữu với U22 Việt Nam vừa rồi. Đây là tính toán hợp lý, bởi nói đến các trận giao hữu là nói đến những thử nghiệm.
Cũng từ những toan tính mang tính thử nghiệm của HLV Park Hang Seo, có thể hình dung được nhiều điều về đội tuyển quốc gia vào lúc này.
Đội tuyển Việt Nam nghiêng về những thử nghiệm trong trận đấu với U22 Việt Nam (ảnh: Đỗ Linh)
Đầu tiên, chính những người không ra sân trong trận giao hữu tối 23/12 mới là những cầu thủ có khả năng được đá chính cao hơn ở các giải chính thức vào năm sau.
Đơn giản ở chỗ, HLV Park Hang Seo đang ưu tiên thử người mới, và càng chưa yên tâm thì ông càng phải thử. Ngược lại, những người không ra sân ở trận đấu tại Cẩm Phả là những người đã có được sự tin tưởng, hoặc không đến mức khiến HLV Park Hang Seo phải lạ lẫm và cần phải nghiên cứu kỹ về năng lực của họ.
Lấy ví dụ để chứng minh, ông Park không xài các trung vệ Quế Ngọc Hải và Bùi Tiến Dũng trước U22 Việt Nam, dù ai cũng biết rằng họ là những trung vệ tốt nhất của đội tuyển vào lúc này, thường xuyên đá chính tại vòng loại World Cup hồi năm ngoái.
Vị HLV người Hàn Quốc cũng không sử dụng các tiền vệ Tuấn Anh, Hùng Dũng, Quang Hải, vốn là những tiền vệ có kỹ thuật tốt nhất nước hiện giờ.
Trọng Hoàng chỉ vào sân từ băng ghế dự bị, lại đá trái sở trường (ảnh: Đỗ Linh)
Còn trên hàng tiền đạo, trung phong số 1 của bóng đá Việt Nam là Nguyễn Tiến Linh, và cầu thủ nổi tiếng nhất nước Nguyễn Công Phượng không ra sân phút nào.
Thậm chí, người trấn giữ khung thành của đội tuyển Việt Nam cũng chẳng phải là Đặng Văn Lâm (đội tuyển Việt Nam không gọi Văn Lâm về nước), thủ môn gần như đương nhiên sẽ có suất bắt chính ở đội tuyển Việt Nam, nếu đội thi đấu các trận chính thức, mà ông Park dành cơ hội thử nghiệm Tấn Trường.
Và như đã nói, người duy nhất nằm trong đội hình chính thức của đội tuyển Việt Nam trong khoảng 2 - 3 năm qua, được thi đấu ở sân Cẩm Phả là Trọng Hoàng đá trái sở trường, và cũng chỉ vào sân từ băng ghế dự bị.
Chính vì thế, những người không ra sân ngày hôm nay mới là những gương mặt nhiều khả năng đứng trong đội hình chính thức của đội tuyển Việt Nam trong năm tới.
Thứ nhì, từ những thử nghiệm của ông Park, bước đầu có thể phát hiện một số gương mặt sẵn sàng đóng vai dự bị có chất lượng cho các cầu thủ vốn đã nổi danh.
Cao Văn Triền (30) có trận đấu rất năng nổ (ảnh: Đỗ Linh)
Trong khung thành, thủ môn Tấn Trường không phạm sai lầm nào lớn ở trận đấu vừa diễn ra, chơi khá an toàn trong khu cấm địa, có thể sẽ là lựa chọn dự bị cho thủ môn Đặng Văn Lâm tại chiến dịch vòng loại World Cup.
Hoặc ở hàng tiền vệ, Cao Văn Triền chơi khá ổn, lên công về thủ nhịp nhàng, là phiên bản khác của Đỗ Hùng Dũng, có thể thay chính Hùng Dũng trong trường hợp Quả bóng vàng Việt Nam năm 2019 gặp vấn đề về thể lực, hoặc bị đối thủ bắt bài.
Dĩ nhiên, cả 2 đội tuyển đều có những sai sót trong trận đấu vừa rồi, nhất là đội U22 Việt Nam dường như chưa sẵn sàng ở hàng thủ. Nhưng đá thử mà, điều quan trọng không phải là sai sót hay không sai sót, mà là sau những sai sót ở các trận đá thử, các cầu thủ sẽ tốt hơn khi đá thật.
Vả lại, hầu hết các gương mặt đá trận vừa rồi lần đầu khoác áo các đội tuyển, chơi trong một trận đấu có khán giả, nhất là với các tân binh ở đội tuyển quốc gia, nên sai số trong xử lý ở lần đầu thi thố với đẳng cấp mới là điều khó tránh khỏi!
Theo Dân Trí
https://dantri.com.vn/the-thao/thu-nghiem-thanh-cong-cua-hlv-park-hang-seo-o-doi-tuyen-viet-nam-20201223225045454.htm