11
/
174958
Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học: Bổ sung nhiều điểm mới
du-thao-quy-che-tuyen-sinh-dai-hoc-bo-sung-nhieu-diem-moi
news

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học: Bổ sung nhiều điểm mới

Thứ 7, 11/01/2025 | 09:10:00
61 lượt xem

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học được Bộ GD&ĐT đăng tải công khai, lấy ý kiến rộng rãi.

Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024. Ảnh: TG 

Trên cơ sở những ý kiến đóng góp, Ban Soạn thảo Quy chế dự kiến đề xuất lãnh đạo Bộ GD&ĐT một số điều chỉnh so với dự thảo đã công bố. 

Thêm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, trên cơ sở những ý kiến đóng góp, Ban Soạn thảo sẽ đề xuất lãnh đạo Bộ GD&ĐT điều chỉnh một số điểm so với dự thảo đã công bố. Theo đó, điều chỉnh thứ nhất là: Bỏ xét tuyển sớm (xét tuyển sớm được hiểu là tuyển sinh trước khi thí sinh biết điểm thi tốt nghiệp THPT).

Hiện, Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ GD&ĐT đã ưu việt nên dù xét tuyển sớm hay xét tuyển chung, thí sinh vẫn đặt toàn bộ nguyện vọng lên Hệ thống. Bà Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, khái niệm “sớm” ở đây là về mặt thời gian nhận hồ sơ xét tuyển. Nghĩa là, bỏ xét tuyển sớm, còn phương thức tuyển sinh của trường đại học không thay đổi, quyền lợi của thí sinh vẫn được đảm bảo. Thậm chí, không xét tuyển sớm, quyền lợi của những thí sinh không có điều kiện tham gia các kỳ thi tuyển sinh riêng còn đảm bảo hơn.

Với điều chỉnh này, có thể hiểu, Bộ GD&ĐT chỉ bỏ xét tuyển sớm, còn các phương thức xét tuyển, trường đại học vẫn sử dụng. “Ví dụ trước đây, một số trường sử dụng phương thức xét học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển sớm. Với quy định bỏ xét tuyển sớm, các trường vẫn sử dụng các phương thức này nhưng thời gian xét tuyển được lùi về thời điểm xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT”, bà Nguyễn Thu Thủy dẫn giải.

Điều chỉnh thứ hai là, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với thí sinh xét tuyển khối ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe (có cấp chứng chỉ hành nghề). Theo dự thảo, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào xét tuyển 2 khối ngành này căn cứ vào kết quả học tập 3 năm THPT. Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, Bộ GD&ĐT nhận được ý kiến của thí sinh tự do phản ánh là: Không còn cơ hội quay lại cải thiện kết quả học lực THPT để đủ điều kiện tham gia xét tuyển.

“Do đó, chúng tôi đề xuất bổ sung ngưỡng đảm bảo đầu vào từ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT để thí sinh có thể lựa chọn 1 trong 2, hoặc căn cứ vào điểm học tập THPT hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT; không ràng buộc đồng thời cả 2 điều kiện như trong dự thảo (ngoài kết quả học bạ 3 năm THPT còn điều kiện điểm sàn thi tốt nghiệp THPT)”, bà Nguyễn Thu Thủy trao đổi.

Đề cập đến điểm mới này, ThS Dương Văn Bá - Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Đào tạo đại học và sau đại học, Trường ĐH Hòa Bình (Hà Nội) bày tỏ, việc thay đổi xét tuyển bằng kết quả học tập cả 3 năm THPT sẽ đánh giá chính xác hơn, đảm bảo chất lượng đầu vào tốt hơn cho các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên.

Từ việc quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng “điểm sàn” xét tuyển theo hướng thực chất. Với một số ngành có tính chất “đặc thù”, cần bổ sung ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để tuyển được những thí sinh phù hợp.

Trường ĐH Thăng Long tư vấn tuyển sinh. Ảnh: NTCC 

Ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Ủng hộ chủ trương bỏ xét tuyển sớm từ năm 2025, TS Lê Anh Đức - Trưởng phòng Quản lý đào tạo (ĐH Kinh tế Quốc dân) phân tích, bản chất là chuyển thời điểm xét tuyển về lúc công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Như vậy, ngoài tuyển thẳng (theo quy định của Bộ GD&ĐT đối với thí sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế), các phương thức xét tuyển trong toàn hệ thống sẽ chỉ xét sau khi có kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Khi đó, các trường đại học rất thuận lợi vì đã có đầy đủ thông tin của thí sinh (điểm thi tốt nghiệp, học bạ, đối tượng và khu vực ưu tiên), tránh được những sai sót đáng tiếc về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên.

Những năm trước, Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải xét tuyển sớm đối với phương thức xét học bạ THPT. Tuy nhiên, ông Ngô Quốc Trinh - Trưởng phòng Đào tạo ủng hộ phương án bỏ xét tuyển sớm để các trường tập trung nguồn lực cho đợt xét tuyển chung.

Bỏ xét tuyển sớm để tạo sân chơi chung an toàn cho tất cả các trường, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính nêu ý kiến. Thời gian qua, xét tuyển sớm làm rối loạn các trường THPT. Khi các trường cạnh tranh xét tuyển sớm, học sinh lớp 12 sang học kỳ II sẽ không tập trung học tập vì đã biết kết quả xét tuyển đại học. “Chúng tôi không muốn vì cạnh tranh của các trường đại học mà bậc học phổ thông xáo trộn”, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng nhấn mạnh.

Cho rằng, xét tuyển sớm chỉ làm gia tăng áp lực cho học sinh, Giám đốc Học viện Tài chính phân tích, trước đây, học sinh chỉ áp lực với kỳ thi duy nhất là tốt nghiệp THPT, nay học sinh áp lực ngay từ lớp 10 để chuẩn bị cho các điều kiện xét tuyển sớm, đáp ứng yêu cầu riêng của từng trường.

Từ thực tiễn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhận thấy, với xét tuyển sớm, mỗi trường một cách làm. Khi Bộ GD&ĐT xét tuyển chung để thí sinh lựa chọn nguyện vọng vào các ngành, trường thì sinh ra thí sinh ảo. Ngoài ra, do không thể dự đoán được thí sinh ảo dẫn đến các trường có tâm lý muốn xét tuyển sớm để đủ chỉ tiêu.

Theo Thứ trưởng, khâu dự báo tỷ lệ trúng tuyển không đúng gây ra thiệt hại lớn, đồng thời không có căn cứ dẫn đến điểm chuẩn trong đợt tuyển sinh chính của một số ngành tăng vọt, đó là điểm không công bằng. Thực trạng này dẫn đến chất lượng không bảo đảm: Học sinh được 25 điểm có khả năng trúng tuyển nhưng sau đó điểm chuẩn nâng lên 26 điểm vì nhiều thí sinh đã trúng tuyển theo diện tuyển sinh sớm.

Bộ GD&ĐT đã lắng nghe ý kiến và qua thực hiện nhiều năm đã rút ra bài học: Khi điều chỉnh, khống chế tỷ lệ xét tuyển sớm, chỉ những học sinh nào thực sự có năng lực trội mới được tuyển thẳng, xét tuyển sớm; còn lại hầu hết sẽ tham gia kỳ thi chính.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, vì xét tuyển sớm nên nhiều học sinh chưa hoàn thành chương trình THPT lớp 12 đã lao vào xét tuyển đại học, dẫn đến không công bằng. Bên cạnh đó, nhiều em có tâm lý trúng tuyển sớm nên không quan tâm đến chương trình học ở THPT, đến lớp chỉ ngồi chơi hoặc không đến lớp vì biết mình đã trúng tuyển đại học. 

Theo Minh Phong/ GD&TĐ

https://giaoducthoidai.vn/du-thao-quy-che-tuyen-sinh-dai-hoc-bo-sung-nhieu-diem-moi-post715394.html

  • Từ khóa

Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải việc thi lớp 10 không 'chốt cứng' 3 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu quy định thi lớp 10 với 3 môn toán, văn và tiếng Anh từ năm lớp 6, học sinh chỉ tập trung vào 3 môn thi này, không dành...
16:49 - 10/01/2025
457 lượt xem

Ba đối tượng được dạy thêm, học thêm trong trường

Theo quy định mới về dạy thêm, học thêm, có ba đối tượng được học thêm trong nhà trường. Tuy nhiên, việc dạy thêm, học thêm những đối tượng này thuộc...
14:07 - 10/01/2025
537 lượt xem

Bangladesh: Hàng triệu trẻ em gái bỏ học

Giáo dục được coi là chìa khóa để thoát nghèo ở Bangladesh, đặc biệt đối với trẻ em gái.
11:22 - 10/01/2025
616 lượt xem

Chỉ xét tuyển vào lớp 6, liệu có thỏa đáng?

Việc tuyển sinh vào lớp 6 bằng bài khảo sát đánh giá năng lực tại một số trường chất lượng cao tại TP HCM được nhận xét là công bằng, giảm áp lực nhưng...
09:08 - 10/01/2025
645 lượt xem

Bỏ xét tuyển sớm có tác động các kỳ thi riêng?

Bộ GD-ĐT dự kiến không còn khái niệm xét tuyển sớm trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay. Điều này sẽ tác động ra sao đến việc phân bổ chỉ tiêu và cách xét...
07:28 - 10/01/2025
702 lượt xem