11
/
172258
Rèn tư duy phản biện
ren-tu-duy-phan-bien
news

Rèn tư duy phản biện

Thứ 3, 12/11/2024 | 16:41:00
1,048 lượt xem

Đối thoại học đường xuất hiện ngày càng phổ biến, không chỉ giữa học sinh và nhà trường mà còn học sinh với lãnh đạo chính quyền địa phương.

Ảnh minh họa ITN. 

Đây là hướng mở tích cực để nhà trường, thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh, chính quyền chung sức vun đắp tinh thần dân chủ và trách nhiệm giám sát xã hội, xây dựng trường học thân thiện, góp phần thực hiện tốt các quyền của trẻ em.

Các buổi đối thoại học đường cho thấy học sinh có sự quan sát kỹ lưỡng những vấn đề trong nhà trường và xã hội, thể hiện quan điểm độc lập, biết đặt câu hỏi, tranh luận, phản biện. Một số em đã không sợ thầy cô “đì” khi đưa ra góc nhìn khác về bạo lực học đường, giáo dục giới tính, phương pháp giảng dạy, thi đua khen thưởng, kỷ luật, chương trình học, thậm chí cả văn hóa ứng xử giữa thầy và trò…

Đáng quý qua những buổi đối thoại, nhiều học sinh cho biết đã có cơ hội thuận lợi để thực nghiệm, trải nghiệm tư duy phản biện, điều mà số đông các em còn hạn chế.

Tư duy phản biện, hiểu một cách đơn giản, đó là khả năng suy nghĩ và tư duy đa chiều, phản biện lại vấn đề, xem xét mọi khía cạnh để tìm ra chân lý chứ không dễ dàng chấp nhận mọi ý kiến ngay từ ban đầu. Mục đích của nền giáo dục hiện đại là hướng đến xây dựng những công dân toàn cầu có khả năng làm chủ, năng lực tư duy tốt để thích ứng và giải quyết những vấn đề mới của thời đại. Trong đó tư duy phản biện là một trong hai năng lực quan trọng nhất của người lao động trong thế kỷ 21.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM từng nhấn mạnh: “Trong thời đại ngày nay khi khối kiến thức ngày càng trở nên khổng lồ, con người có nhiều cơ hội để tiếp cận tri thức thì việc biết cân nhắc, suy xét, lựa chọn, lọc để biết, hiểu và ứng dụng trở nên quan trọng. Đó chính là tư duy phản biện và sức mạnh trong thực tiễn…”.

Đóng vai trò quan trọng nhưng trên thực tế, do yếu tố văn hóa, tư duy phản biện trong đại bộ phận học sinh còn nhiều hạn chế. Văn hóa “nửa chữ cũng là thầy” có mặt tích cực về lễ giáo nhưng cũng làm học sinh thụ động trong học tập, tâm lý “thầy cô luôn đúng” khiến năng lực tư duy phản biện chưa hình thành một cách tự giác.

Hiện, Chương trình GDPT 2018 với tính mở và mới cho phép quá trình dạy và học diễn ra linh hoạt, phát huy vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo của người dạy và học. Các môn học, hoạt động giáo dục trong nhà trường áp dụng các phương pháp tích cực hóa hoạt động của học sinh, khuyến khích tư duy phản biện.

Tuy vậy còn nhiều giáo viên đang sử dụng phương pháp dạy học truyền thụ một chiều, chưa có sự tương tác, phản biện giữa thầy và trò. Một số giáo viên thiếu kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng để giải đáp mọi thắc mắc, sẵn sàng tranh luận bình đẳng với học sinh. Thời gian lên lớp hạn chế, chương trình học nặng cũng khiến thầy cô ngại sử dụng phương pháp giáo dục phản biện.

Tư duy phản biện không thể có ngay lập tức mà cần quá trình, phải làm liên tục qua tất cả môn học và hoạt động, để dần dần thành thói quen. Vì thế, việc nhân rộng và tổ chức thường xuyên các buổi đối thoại học đường là cần thiết, không chỉ để học sinh đóng góp ý kiến xây dựng nhà trường mà còn tạo điều kiện cho các em rèn tư duy, kỹ năng phản biện.

Tuy vậy cũng không nên chạy đua theo phong trào mang tính hình thức, mà quan trọng là tổ chức như thế nào để thực sự tạo được không khí đối thoại, tự do dân chủ, học sinh nói được tiếng nói tư duy. Việc này cần tâm và tầm của lãnh đạo nhà trường.

Thực tế cho thấy thời gian qua bên cạnh nhiều buổi đối thoại được tổ chức tốt, còn không ít buổi qua loa hình thức, thậm chí có nơi dựng sẵn kịch bản, chỉ định trước đại diện học sinh phát biểu, để có hoạt động báo cáo. Những cách làm này không chỉ làm thui chột năng lực tư duy phản biện của học trò mà cũng không giúp ích gì cho việc xây dựng và phát triển nhà trường, rất cần được chấn chỉnh.

Theo Gia Khánh/ GD&TĐ

https://giaoducthoidai.vn/ren-tu-duy-phan-bien-post708189.html

  • Từ khóa

Đầu tư cơ sở vật chất để nâng chất trường nghề

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội nêu thực trạng dạy nghề còn gặp một số khó khăn, trong đó có lý do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...
09:46 - 14/11/2024
40 lượt xem

Học cách dạy bằng tiếng Anh

Dạy các môn toán, lý, hóa... bằng tiếng Anh không phải chuyện dễ dàng với hầu hết thầy cô Việt Nam.
07:08 - 14/11/2024
116 lượt xem

Hàng loạt sinh viên rơi vào "báo động đỏ"!

Các trường ĐH thực hiện xử lý với những sinh viên có kết quả học tập yếu kém, hàng ngàn sinh viên có nguy cơ thôi học ngay từ học kỳ đầu tiên.
17:42 - 13/11/2024
427 lượt xem

Du học sinh vẫn được 'săn đón' tại Trung Quốc

Sinh viên Trung Quốc du học về nước vẫn có lợi thế hơn so với sinh viên trong nước khi tìm việc làm trong lĩnh vực giáo dục đại học.
15:09 - 13/11/2024
502 lượt xem

Chỉ số thông thạo tiếng Anh: Việt Nam đứng thứ 63 trong 116 quốc gia khảo sát

Chỉ thống thông thạo tiếng Anh EPI của Việt Nam năm 2024 giảm so với năm 2023, dẫn đến sự tuột bậc trên bảng xếp hạng.
10:44 - 13/11/2024
605 lượt xem