Trên Biển Đông, những cơn bão liên tiếp nối nhau xuất hiện, nhưng khu vực Nam bộ thì ngược lại, nắng nóng tăng cường và mưa đang giảm dần.
Nắng nóng sớm dù mùa mưa kéo dài
Những ngày gần đây, thời tiết ở TP.HCM nắng nóng khó chịu. Chiều muộn hôm qua, TP.HCM có trận mưa ngắn nhưng nguyên ngày là nắng nóng, oi bức. Tương tự, trước đó, ngày 10.11, trên địa bàn TP.HCM trời nắng khá gay gắt và không khí oi bức. Đến tối, một trận mưa giông nhẹ xuất hiện ở nhiều quận huyện giúp giảm bớt sự khó chịu, nhưng cũng chỉ mang tính cục bộ. Chị Nguyễn Minh Hà (ngụ Q.7) kể chiều tối 10.11 chị có việc phải đi về hướng sân bay Tân Sơn Nhất. Đến khoảng 18 giờ 30, ở khu vực sân bay trời bất ngờ đổ mưa khá to, kéo dài khoảng 30 phút, giúp không khí mát mẻ đáng kể. "Tuy nhiên, nhà tôi ở Q.7 và nhiều khu vực khác chỉ xuất hiện mưa rào nhẹ nên nhiệt độ vào ban đêm vẫn khá cao", chị Hà nói.
TP.HCM vào giai đoạn cuối mùa mưa chuyển sang mùa nắng nóng và ô nhiễm không khí ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Tương tự, chị Lý Gia Hân (ngụ Q.10) cũng ngạc nhiên khi từ đầu tháng 11 đến nay nắng nóng gay gắt xuất hiện nhiều. Dù đang mùa mưa nhưng chục ngày qua chỉ còn vài trận mưa rào nhẹ vào chiều tối nên không đủ làm mát không khí. Thậm chí có nhiều ngày nắng nóng 33 - 34 độ C nhưng cảm nhận nhiệt lên tới 36 - 37 độ C. Vào những ngày có mưa rào nhẹ vào chiều tối thì sáng hôm sau lại thấy không khí xuất hiện màu trắng đục của bụi bẩn. "Tôi có cảm giác mùa mưa đã kết thúc và đang bước vào đầu mùa nắng. Trong khi đó dự báo thời tiết cho biết bão nối nhau vào Biển Đông, nhưng không hiểu vì sao TP.HCM và Nam bộ vẫn ít mưa và nắng nóng sớm như vậy. Những năm gần đây, vào dịp cuối năm TP.HCM không ngày nào có không khí se lạnh, không biết liệu năm nay sẽ thế nào?", chị Hân thắc mắc.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, Nam bộ đang vào giai đoạn cuối mùa mưa, rãnh áp thấp có trục qua Nam bộ suy yếu và mờ dần. Gió mùa tây nam cũng kết thúc, gió mùa đông bắc hoạt động khá ổn định với cường độ tăng dần. Chính vì vậy trên khu vực Nam bộ mưa giảm dần; một số nơi có khả năng kết thúc mùa mưa trong giai đoạn từ nay đến 20.11. Trên toàn khu vực Nam bộ, do nhiễu động của đới gió đông có khả năng gây mưa rào và giông nhẹ trong khoảng 1 - 2 ngày. Tổng lượng mưa giai đoạn này từ 30 - 80 mm, cao hơn trung bình nhiều năm. Trong 10 ngày cuối tháng 11, các đợt lạnh có cường độ mạnh tăng cường khuếch tán xuống phía nam, gặp rãnh áp thấp hoạt động mạnh trở lại sẽ gây ra một đợt mưa diện rộng trên khu vực Nam bộ. Với một số nơi mà mùa mưa đã kết thúc thì đây sẽ trở thành đợt mưa trái mùa.
Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, cho biết: Mùa mưa ở Nam bộ có thể còn kéo dài đến cuối tháng 11, muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Ngay cả tháng 12, khi Nam bộ bước vào mùa khô, vẫn có khả năng xuất hiện mưa trái mùa. Tuy nhiên, nhiều người, đặc biệt là ở các thành phố lớn, vẫn cảm nhận nắng nóng vì đó là xu hướng chung của khí hậu hiện nay. Nhiệt độ trung bình những năm gần đây luôn tăng so với cùng kỳ trung bình nhiều năm. Còn những cơn bão dồn dập trên Biển Đông hình thành từ ngoài khơi Philippines và là những cơn bão có cường độ trung bình. Khi vào Biển Đông, gặp các đợt không khí lạnh làm suy yếu ngay nên chỉ gây ảnh hưởng một số tỉnh thành khu vực miền Trung. Tuy nhiên, đây là giai đoạn thời tiết nhạy cảm nên người dân không nên chủ quan, đặc biệt là các tàu thuyền hoạt động trên biển cần theo dõi sát các diễn biến thời tiết để đề phòng bất trắc.
Nam bộ chuẩn bị bước vào kỳ triều cường mới Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết: Mực nước tại hầu hết các trạm vùng hạ lưu trên các sông miền Tây Nam bộ lên nhanh theo kỳ triều cường rằm tháng 10 âm lịch. Đến ngày 15.11, mực nước cao nhất ngày tại trạm Cần Thơ và Mỹ Thuận đạt mức xấp xỉ trên báo động 3. Đỉnh triều cường đợt này có thể xuất hiện vào ngày 16 - 17.11. Tại trạm Mỹ Thuận, mực nước cao nhất vượt báo động 3 từ 25 - 30 cm, tại trạm Cần Thơ trên báo động 3 từ 10 - 15 cm. Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường cao ở khu vực sông Tiền và sông Hậu ở cấp 2. |
TP.HCM bước vào giai đoạn ô nhiễm không khí
Không chỉ Nam bộ mà cả các tỉnh thành miền Bắc nhiệt độ vẫn ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm. Một trong những nguyên nhân là không khí lạnh từ phía bắc về chưa đáng kể. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Hoạt động của không khí lạnh trong thời kỳ từ 11.11 - 10.12 có khả năng yếu hơn so với trung bình nhiều năm. Nhiệt độ trung bình khu vực Bắc bộ và bắc Trung bộ phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1 - 1,5 độ C; các khu vực còn lại trên cả nước cao hơn từ 0,5 - 1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đối với khu vực Trung bộ, do ảnh hưởng liên tiếp của các cơn bão trên Biển Đông nên lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 30%; khu vực Tây nguyên và Nam bộ ở mức tương đương, còn Bắc bộ thấp hơn trung bình nhiều năm.
Khi Nam bộ vào thời kỳ cuối mùa mưa cũng là lúc TP.HCM bắt đầu vào giai đoạn cao điểm ô nhiễm không khí. Trong nhiều ngày gần đây, người dân thành phố ghi nhận bầu không khí màu trắng đục từ sáng sớm đến chiều tối. Vào mùa mưa, những trận mưa lớn giúp không khí tẩy sạch bụi bẩn; giai đoạn hiện nay mưa giảm nhưng độ ẩm không khí vẫn còn cao. Do đó, bụi mịn và hơi nước liên kết với nhau khiến không khí ngầu đục như sương mù kéo dài suốt cả ngày. Bên cạnh không khí lạnh tăng cường và trên tầng cao trời ít gió nên bụi mịn không khuếch tán được mà chỉ quanh quẩn trong thành phố. Thông thường nhiều năm gần đây giai đoạn không khí ô nhiễm nặng này thường bắt đầu từ tháng 11 năm trước và kéo dài đến tháng giêng năm sau. Theo ghi nhận của Thanh Niên, trên các ứng dụng theo dõi chất lượng không khí những ngày qua luôn ở mức màu cam - mức độ không tốt cho sức khỏe của nhóm người nhạy cảm. Ô nhiễm không khí do bụi mịn là một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trên thế giới hiện nay.
Chất lượng không khí nhiều nơi ở Hà Nội Ở cảnh báo cao nhất Sáng 11.11, chất lượng không khí tại nhiều nơi TP.Hà Nội ở mức cảnh báo màu tím - chất lượng không khí rất kém và cũng là mức cảnh báo cao nhất. Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN-MT), tại nhiều điểm quan trắc, chất lượng không khí rất kém như tại đường Nguyễn Văn Cừ (Q.Long Biên), đường Giải Phóng (Q.Hoàng Mai). Nhiều điểm khác trên đường Nguyễn Văn Linh (TP.Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) và đường Trần Thái Tông (TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) chất lượng không khí cũng ở mức cảnh báo cao nhất. Nhiều nơi khác ở Thanh Hóa, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, Thái Nguyên cũng có chất lượng không khí ở mức cảnh báo đỏ (cao thứ 2 sau cảnh báo tím). |
Theo Chí Nhân/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/bao-lien-tiep-tren-bien-dong-vi-sao-nam-bo-van-nang-nong-185241111194726873.htm