Làm tốt công tác xã hội hóa giúp ngành Giáo dục nhiều địa phương thay da, đổi thịt trong thời gian qua.
Thư viện thân thiện Trường Mầm non xã Thanh Yên (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) xây dựng khang trang từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: Sở GD&ĐT cung cấp
Tuy nhiên, ở một số nơi, đặc biệt vùng khó khăn, còn có những thách thức trong huy động nguồn lực này.
Nhiều thách thức
Giai đoạn 2013 - 2023, tỉnh Điện Biên huy động các nguồn lực xã hội hóa xây dựng 826 phòng học, 192 phòng công vụ cho giáo viên. Tổng kinh phí thực hiện là 585,8 tỷ đồng. Trong đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tài trợ 422 phòng học, 69 phòng công vụ cho giáo viên với kinh phí 513,7 tỷ đồng. Các tổ chức, cá nhân, câu lạc bộ, hội/nhóm tài trợ 404 phòng học, 123 phòng công vụ cho giáo viên với kinh phí 72,1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do đa số nguồn lực xã hội hóa nhỏ lẻ, dàn trải nên các công trình giáo dục được tài trợ, ủng hộ chủ yếu là nhà lắp ghép, bán kiên cố hoặc chỉ thực hiện cải tạo, sửa chữa những công trình hư hỏng xuống cấp. Kết quả kiên cố hóa từ nguồn lực xã hội hóa chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Tỉnh Điện Biên xác định mục tiêu trọng tâm trong huy động các nguồn lực đầu tư là xây dựng đủ số lượng phòng học, ở nội trú, ở bán trú kiên cố cho học sinh học tập ổn định, đáp ứng quy mô dân số.
Đồng thời, bổ sung nhà công vụ cho giáo viên yên tâm công tác; tiếp tục cải tạo, sửa chữa các công trình đã được đầu tư theo hướng kiên cố hóa đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên; từng bước bổ sung thiết bị dạy học đảm bảo danh mục, số lượng theo quy định của Bộ GD&ĐT nhằm thực hiện các mục tiêu đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục.
Để thực hiện kiên cố hóa trường lớp học, bổ sung, thay thế phòng học, nhà ở bán trú, nhà công vụ giáo viên đang thiếu, là nhà tạm, công trình xuống cấp, dự ước nhu cầu kinh phí là 2.635,3 tỷ đồng.
Chia sẻ điều này, ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho biết: Phần lớn ngân sách của tỉnh do Trung ương cấp; quá trình triển khai công tác xã hội hóa về đầu tư xây dựng và kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Ngành GD-ĐT, các địa phương và cơ sở giáo dục đã có nhiều nỗ lực trong đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên và nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm. Tuy nhiên, ngân sách đầu tư còn hạn chế, nguồn xã hội hóa nhỏ lẻ do đời sống nhân dân khó khăn.
Trên địa bàn tỉnh không có các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn; nhiều điểm trường nằm xa trung tâm xã, giao thông đi lại và điều kiện phục vụ thi công gặp nhiều khó khăn dẫn tới giá thành thực hiện công trình tăng cao hơn so với định mức… Mức độ phát triển xã hội hóa tại các cơ sở giáo dục vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh chưa cao nên hiện nay, số phòng, lớp học, nhà công vụ chưa được kiên cố còn khá lớn.
Cùng với nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, nguồn lực từ kinh phí xã hội hóa đã góp phần đầu tư kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên tại tỉnh Đắk Nông.
Thông tin từ Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông Phan Thanh Hải, năm 2013, tỉnh Đắk Nông có 4.759 phòng học các cấp từ mầm non đến THPT. Đến 2023, tỉnh có 5.460 phòng học; tỷ lệ phòng học kiên cố từ 45,2% (năm 2013) tăng lên 65% (năm 2023). Đắk Nông cũng ban hành cơ chế, chính sách, tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức, cá nhân quan tâm, đầu tư xây dựng các trường tư thục, nhà công vụ cho giáo viên. Kết quả, trong giai đoạn 2013 - 2023, toàn tỉnh có 25 cơ sở giáo dục tư thục được xây dựng với tổng số 161 phòng học, quy mô 232 lớp.
Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Hải, do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn nên việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư kiên cố hóa trường lớp, nhà công vụ giáo viên còn hạn chế. Chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư thực hiện xã hội hóa giáo dục hiện hành tại tỉnh mới thu hút sự quan tâm đầu tư tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi; chưa có chính sách phù hợp ở những vùng khó khăn, do đó, vùng này chưa thu hút được nhà đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục tư thục.
Tại Quảng Trị, trong giai đoạn 2013 - 2023, tỉnh thành lập mới 7 trường mầm non, 1 trường phổ thông liên cấp tư thục; đầu tư xây dựng mới hơn 472 phòng học, 109 phòng học bộ môn, 78 phòng công vụ cho giáo viên và 149 hạng mục công trình khác. Tính đến cuối năm 2023, tổng số phòng học trên địa bàn tỉnh đạt 5.844 phòng; trong đó có 4.643 phòng học kiên cố, đạt tỷ lệ 79,44%, tăng 15,34% số phòng học kiên cố so với năm 2013.
Mặc dù, công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị nhìn nhận: Do điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, các tổ chức, doanh nghiệp ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên nguồn kinh phí huy động từ công tác xã hội hóa giáo dục vẫn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu nên hiện nay; còn nhiều phòng học tạm, học mượn, xuống cấp chưa được thay thế.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, nhiều trường học thực hiện sáp nhập theo quyết định của UBND tỉnh. Cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập có thay đổi về quy mô, nhu cầu về phòng học; do đó, phải khảo sát, điều chỉnh danh mục đầu tư để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Ngoài ra, do biến động tăng giá của vật tư vật liệu xây dựng và hệ thống định mức, đơn giá xây dựng mới nên suất đầu tư xây dựng tăng cao, gây khó khăn trong việc lập, quản lý chi phí đầu tư của các dự án. Mặt khác, các thông tư, nghị định quy định về thiết kế phòng học có thay đổi, làm tăng diện tích xây dựng, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư.
Cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Họa Mi ở xã Đắk Nia (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) dọn dẹp, trồng cây ở sân trường. Ảnh: Báo Đắk Nông
Tăng cường chính sách thu hút xã hội hóa
Từ thực tiễn triển khai, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành và địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển GD-ĐT giai đoạn 2019 - 2025.
Trong đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, thực hiện ghi nhận đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác xã hội hóa. Bộ GD&ĐT tăng cường kêu gọi, kết nối các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị theo Kế hoạch số 29/KH-BGDĐT ngày 11/1/2021 về kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2021 - 2025.
Trước khó khăn từ thực tiễn triển khai, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông Phan Thanh Hải cho biết, trong thời gian tới, Đắk Nông tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp, chương trình, đề án đã ban hành nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện thu hút nguồn lực xã hội hóa về đầu tư xây dựng và kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên.
Tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư thực hiện xã hội hóa giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội chưa thuận lợi. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng nhằm tạo sự đồng thuận, chia sẻ, quan tâm, huy động tối đa các nguồn lực.
“Để thực hiện tốt xã hội hóa đầu tư xây dựng kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên, cần phổ biến rộng rãi, triển khai đầy đủ các văn bản chủ trương, quy định của pháp luật có liên quan do Trung ương ban hành; kịp thời ban hành hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống văn bản về chủ trương, chính sách phù hợp với quy định của pháp luật, điều kiện thực tế.
Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện để xây dựng bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với quy định và tình hình mới. Tăng cường nhận thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và nhân dân đối với nhiệm vụ này; từ đó thu hút sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ của nhân dân trong việc đồng hành với Nhà nước chăm lo cho sự nghiệp GD-ĐT”, ông Phan Thanh Hải chia sẻ.
Với Điện Biên, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Đoạt đề nghị Bộ GD&ĐT ưu tiên cho tỉnh được tiếp nhận các nguồn lực xã hội hóa do Bộ vận động, kết nối theo Kế hoạch số 29/2021/KH-BGDĐT. Cùng đó, tiếp tục thực hiện đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi cho giai đoạn 2026 - 2030… để giáo dục miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới như Điện Biên sớm vơi bớt khó khăn, cùng hội nhập và phát triển.
Theo Hiếu Nguyễn/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/thach-thuc-thu-hut-nguon-luc-kien-co-hoa-truong-lop-hoc-post706850.html