Bệnh tiểu đường loại 2 - đặc trưng bởi lượng đường trong máu cao, có thể gây ra các nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe. Các biến chứng bao gồm bệnh tim, suy thận và các vấn đề về thị lực.
Bên cạnh việc tập thể dục và dùng thuốc, thì chế độ ăn uống là cách quan trọng để kiểm soát lượng đường trong máu. Nhưng thực tế việc ăn kiêng đối với bệnh tiểu đường không hề dễ dàng, theo chuyên trang y khoa Medical Express.
Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí nghiên cứu The Conversation, đã phát hiện tin rất vui cho người bệnh tiểu đường để không cần ăn kiêng phức tạp, họ vẫn kiểm soát tốt đường huyết.
Bệnh tiểu đường loại 2 - đặc trưng bởi lượng đường trong máu cao, có thể gây ra các nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe ẢNH: PEXELS
Theo đó, tập trung vào thời điểm ăn, thay vì ăn gì hoặc ăn bao nhiêu - mang lại hiệu quả tương tự như ăn kiêng trong việc kiểm soát đường huyết.
Các nhà khoa học tại Đại học Australian Catholic và Đại học Latrope (Úc) đã tiến hành nghiên cứu trên 52 bệnh nhân tiểu đường đang phải dùng 2 loại thuốc, trong độ tuổi từ 35 đến 65.
Những người tham gia được chia thành 2 nhóm: Nhóm ăn kiêng và nhóm ăn hạn chế thời gian. Cả hai nhóm đều được tư vấn 4 buổi trong 4 tháng đầu tiên.
Đối với nhóm ăn kiêng, các buổi tư vấn tập trung vào việc thay đổi chế độ ăn uống để kiểm soát lượng đường trong máu, bao gồm cải thiện chất lượng chế độ ăn (ví dụ: ăn nhiều rau hơn và hạn chế rượu).
Riêng nhóm ăn hạn chế thời gian chỉ tập trung vào việc hạn chế giờ ăn trong 9 tiếng từ 10 giờ đến 19 giờ.
Trong 6 tháng, những người tham gia được đo chỉ số đường huyết trung bình HbA1c cứ 2 tháng một lần. Và 2 tuần một lần, họ cũng báo cáo về đổi chế độ ăn của mình (ăn gì hoặc ăn khi nào).
Kết quả thật ngoài sức tưởng tượng: Ăn hạn chế thời gian có hiệu quả như ăn kiêng, theo Medical Express.
Cụ thể, cả hai nhóm đều giảm lượng đường trong máu, với hiệu quả rõ rệt nhất là sau 2 tháng đầu tiên, thậm chí một số người còn giảm cân (5-10 kg).
Đặc biệt, nhóm ăn hạn chế thời gian đã điều chỉnh tốt và có thể tuân theo khung thời gian ăn hạn chế, một số người còn ngủ ngon hơn.
Ngược lại, nhóm ăn kiêng ít có khả năng tuân thủ việc ăn kiêng. Mặc dù cả hai phương pháp cho kết quả tương tự nhưng ăn hạn chế thời gian đơn giản hơn nhiều so với ăn kiêng.
Mặc dù cả hai phương pháp cho kết quả tương tự nhưng ăn hạn chế thời gian đơn giản hơn nhiều so với ăn kiêng ẢNH: PEXELS
Thông điệp rất đơn giản, chỉ cần tập trung vào thời điểm ăn. Điều này khiến phương pháp ăn hạn chế thời gian dễ áp dụng hơn vì chỉ cần thay đổi thời điểm mà không phải chọn loại thực phẩm để ăn.
Nhiều người bệnh tiểu đường gặp khó khăn trong việc ăn kiêng, vì vậy ăn hạn chế thời gian trở thành chiến lược thay thế hiệu quả cho việc ăn kiêng.
Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu khuyên mọi người dù ăn chế độ nào cũng nên cố gắng ưu tiên rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc và chất béo lành mạnh.
Ăn hạn chế thời gian là gì?
Ăn hạn chế thời gian là hạn chế khung giờ ăn mỗi ngày mà không cần tập trung vào những gì ăn vào. Ví dụ ăn sáng lúc 10 hoặc 11 giờ và ăn tối lúc 19 giờ, trước giờ ăn sáng và sau giờ ăn tối sẽ không ăn gì, nên có thể sẽ ăn ít hơn.
Các tác giả giải thích: Việc cho cơ thể ngưng tiêu hóa thức ăn trong một khoảng thời gian liên tục theo cách này giúp điều chỉnh việc ăn uống theo nhịp sinh học tự nhiên. Điều này có thể giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Riêng bệnh nhân tiểu đường có thể gặt hái những lợi ích đặc biệt. Họ thường có chỉ số đường huyết cao nhất vào buổi sáng. Trì hoãn bữa sáng đến 10 giờ có nghĩa là dành thời gian để hoạt động thể chất diễn ra nhằm giúp giảm lượng đường và chuẩn bị cho cơ thể bữa ăn đầu tiên.
Cần lưu ý rằng chế độ ăn hạn chế thời gian có thể không phù hợp với tất cả mọi người, nhất là người phải uống thuốc sau khi ăn. Trước khi thử áp dụng chế độ ăn uống này, tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Theo Thiên Lan/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/phat-hien-tin-rat-vui-cho-nguoi-benh-tieu-duong-185241031221130721.htm