Theo Phó Chánh án TAND tối cao, việc xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn thời gian qua vừa nghiêm khắc, vừa đảm bảo tính khoan hồng của pháp luật.
Sáng 6/1, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2020. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Báo cáo công tác năm 2019, Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang cho biết, từ ngày 1/12/2018 đến ngày 30/11/2019, đã phát hiện và xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án được dư luận xã hội quan tâm như: vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam phạm tội “Tổ chức đánh bạc”, “Đánh bạc”...; vụ án Phan Văn Anh Vũ phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; vụ án Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm phạm tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” liên quan đến Công ty cổ phần dược phẩm VN Pharma; các vụ án gian lận thi cử tại Kỳ thi trung học phổ thông năm 2018 xảy ra tại các tỉnh Sơn La, Hà Giang...
Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang. (ảnh: KT)
“Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, vừa nghiêm khắc, vừa đảm bảo tính khoan hồng, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Các tòa án đã chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp, các hình phạt bổ sung và xác định trách nhiệm bồi thường nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại, nhất là đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng” – ông Lê Hồng Quang nhấn mạnh.
Theo Phó Chánh án TANDTC, năm 2019, công tác thi hành án hình sự; miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước được các Tòa án thực hiện kịp thời, không để quá hạn luật định; việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đều có căn cứ theo quy định của pháp luật; việc xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước đảm bảo đúng quy định.
Về kết quả thực hiện thí điểm đối thoại tại tòa án, ông Lê Hồng Quang cho biết, sau khi triển khai thí điểm thành công tại Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hải Phòng, TANDTC tiếp tục mở rộng triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả đã hòa giải thành, đối thoại thành đạt tỷ lệ 78,08%.
“Số vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành đã giúp các Tòa án không phải xét xử gần 37.000 vụ việc, qua đó ước tính tiết kiệm cho ngân sách nhà nước trên 150 tỷ đồng. Kết quả thí điểm đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá là mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giải quyết hiệu quả những mâu thuân, tranh chấp phát sinh trong đời sống, xã hội, phù hợp với xu hướng giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp thay thế xét xử của nhiều quốc gia trên thế giới” – ông Lê Hồng Quang nói và nhấn mạnh trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, TANDTC đang tích cực chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án để trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2020.
Song, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Lê Hồng Quang cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót trong hoạt động của các tòa án thời gian qua như một số tòa án chưa khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật do nguyên nhân chủ quan của tòa án.
Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và giải quyết các vụ án hành chính tại các TAND cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, công tác luân chuyển, điều động cán bộ, Thẩm phán giữa các tòa án còn khó khăn, đặc biệt vẫn còn một số trường hợp cán bộ, công chức tòa án vi phạm bị xử lý kỷ luật./.
Theo VOV.VN
https://vov.vn/tin-nong/xu-an-tham-nhung-phai-vua-nghiem-khac-vua-dam-bao-tinh-khoan-hong-997449.vov