Cho đến hôm nay, chị Nguyễn Thị L, ở đường Thân Nhân Tín, TP Bắc Giang vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại do cả tin nghe theo người lạ mà mất gần 60 triệu đồng.
Trước đó, khoảng 11 giờ ngày 12/6, chị L nhận được cuộc điện thoại từ số máy lạ. Người đàn ông từ đầu dây bên kia tự xưng là cán bộ công an đang điều tra vụ việc liên quan đến việc chị có mở một tài khoản tại ngân hàng ở Hà Nội để vay với số tiền 58 triệu đồng. Đến nay đã quá hạn trả cả gốc và lãi, Công an và TAND TP Hà Nội đang chuẩn bị lập hồ sơ xử lý. Nếu trong ngày hôm đó, chị L không làm việc với cơ quan công an để chuyển trả số tiền trên thì sẽ bị niêm phong, tịch thu nhà.
Chị Nguyễn Thị L kể lại sự việc bị đối tượng xấu lừa đảo.
Nhằm tạo sự tin tưởng của bị hại, đối tượng còn đọc chính xác họ tên, ngày tháng năm sinh của chị L cùng nơi công tác và số nhà chị đang ở. Đặc biệt, đối tượng còn biết chính xác số chứng minh thư nhân dân, mức lương hiện đang hưởng của chị.
Đối tượng lừa đảo này đã yêu cầu chị Nguyễn Thị L lấy giấy bút ra để ghi hướng dẫn giải quyết vụ việc. Do đối tượng dồn chị vào “mê cung” thông tin, trong lúc sợ hãi, chị L đã chuyển trả cho đối tượng 58 triệu đồng vào tài khoản mà bọn chúng đưa ra để không bị tịch thu nhà (!?). “Tôi thấy nghi ngờ vì bản thân không mở tài khoản tại ngân hàng ở Hà Nội nên bảo để hỏi lại chồng thì đối tượng đề nghị tôi không được rời khỏi điện thoại, không nói cho ai biết”, chị L kể lại.
Sau thời gian trấn tĩnh lại, chị L mới biết mình bị lừa. Đối tượng lạ mặt trên đã tắt máy, không liên lạc được.
Theo cơ quan công an, tình trạng đối tượng xấu gọi điện đến người dân giả danh là người của cơ quan thực thi pháp luật, như công an, tòa án, viện kiểm sát nhân dân, thi hành án… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã diễn ra từ lâu, song gần đây xuất hiện ngày càng nhiều.
Thủ đoạn chung của các đối tượng này là đưa ra thông tin không đúng đến một vụ án hình sự hoặc vụ khiếu kiện nào đó mà bị hại là người liên quan, đang bị cơ quan chức năng xem xét xử lý. Để tạo lòng tin với bị hại, các đối tượng lừa đảo đưa ra một số thông tin chính xác về cá nhân của bị hại, như họ tên, địa chỉ chỗ ở… từ đó, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản của bọn chúng để không bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng theo cơ quan công an, về nguyên tắc, cơ quan chức năng không bao giờ gọi điện thoại để giải quyết vụ việc với dân. Nếu người dân liên quan đến vụ việc pháp lý, cơ quan chức năng sẽ có giấy triệu tập lên trụ sở để làm việc cụ thể. Vì vậy, khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không nghe theo người lạ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng; đồng thời quan tâm bảo mật thông tin cá nhân, như không đưa hình ảnh thẻ căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội hoặc cho người lạ biết, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Báo Bắc giamg
http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/406957/nghe-cuoc-dien-thoai-la-mat-luon-tien-trieu.html