Phần mềm thông báo lưu trú có thể giúp công an phát hiện người đó có tiền án, tiền sự hay bị truy nã nếu ở lại bệnh viện, khách sạn.
Phần mềm thông báo lưu trú tại Bệnh viện Chợ Rẫy hoặc khách sạn, nhà nghỉ... giúp công an phát hiện những người đang bị truy nã, có tiền án, tiền sự... - Ảnh: MINH HÒA
Ngày 13-6, Công an TP.HCM triển khai thực hiện phần mềm thông báo lưu trú ASM tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là hai bệnh viện đa khoa trung ương nằm trên địa bàn TP, có số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh hằng ngày rất lớn (trung bình 6.000 - 8.000 lượt mỗi ngày).
Dự kiến, Công an TP.HCM sẽ tổ chức nhân rộng triển khai phần mềm tại tất cả cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ... và cơ sở y tế trên toàn địa bàn TP.HCM, nhằm nâng cao hiệu quả công tác lưu trú và phục vụ đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện.
Phần mềm này được kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được tích hợp nhiều tiện ích khác, giúp các cơ sở y tế, cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ...) quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn đối với các dịch vụ do đơn vị mình cung cấp.
Phần mềm phục vụ người dân kê khai thông tin tự động, nhanh chóng mà không cần phải xuất trình các loại giấy tờ để xác minh nhân thân… Các cơ sở y tế và người dân có thể thông qua ứng dụng định danh điện tử VNeID để đăng nhập, sử dụng phần mềm ASM.
Đồng thời, lực lượng chức năng địa phương quản lý được những người đang lưu trú trên địa bàn khi họ thực hiện khai báo qua phần mềm.
"Ví dụ khi một người đến khám bệnh tại bệnh viện hoặc ở lại khách sạn mà có triển khai phần mềm lưu trú, thông tin người có tiền án, tiền sự, truy nã hay bị xử lý hành chính đều được truyền về để cho công an địa phương quản lý", một cán bộ công an triển khai phần mềm tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết.
Trước đó, Công an TP.HCM đã triển khai thí điểm phần mềm tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và nhiều cơ sở lưu trú khác, nhận được rất nhiều đánh giá, phản hồi rất tích cực từ các cơ sở triển khai thực hiện thí điểm.
Bên cạnh triển khai thực hiện phần mềm ASM, Công an TP.HCM cũng kết hợp tổ chức cấp định danh điện tử mức hai đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại hai bệnh viện trên. Từ đó góp phần hoàn thành chiến dịch cấp và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức hai theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thực hiện đề án 06 TP.HCM.
Theo Minh Hòa/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/phan-mem-thong-bao-luu-tru-phat-hien-duoc-nguoi-dang-bi-truy-na-20230613160321008.htm