Để xóa sổ được vấn nạn cướp giật đường phố ngoài lực lượng nồng cốt là công an ra, cần có sự hỗ của nhân dân và nhất là lực lượng xe ôm công nghệ.
Xe ôm công nghệ thường xuyên có mặt trên đường, nên có thể cung cấp thông tin cướp giật cho lực lượng cảnh sát. Ảnh: Huân Cao
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Thượng tá Nguyễn Duy Dũng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (PC02, Công an TPHCM) cho biết, Phòng PC02 đang củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng T.Đ.H. (32 tuổi, ngụ quận Tân Bình) về hành vi "Cướp giật tài sản" và mở rộng điều tra xử lý những đối tượng liên quan.
Theo thông tin điều tra, tối 19.2, H cùng đồng bọn tên Bùi Minh Tuấn (25 tuổi, ngụ quận 11) thực hiện hành vi giật túi xách của đôi nam nữ đi xe máy. Trên đường tháo chạy, đối tượng đã tông trực diện vào anh Trần Văn Trí (32 tuổi, quê tỉnh Thừa Thiên Huế), hậu quả làm đối tượng Tuấn chết ngay tại chỗ, còn nạn nhân là anh Trí tử vong sau khi đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Được biết, đối tượng H và đồng bọn Tuấn có nhiều tiền án tiền sự, riêng đối tượng H vừa mới ra tù vào cuối tháng 1 thì giữa tháng 2 đã đi cướp và gây ra hậu quả kinh hoàng gây bức xúc dư luận.
TPHCM xảy ra nhiều vụ cướp giật trên đường phố gây bức xúc trong dân. Ảnh: CÁCC
Điều đáng nói, vụ cướp trên là một trong hàng trăm vụ cướp, giật trên đường phố xảy trên địa bàn TPHCM trong thời gian qua. Mặc dù lực lượng công an triển khai nhiều đợt ra quân trấn áp bọn tội phạm này, bắt giữ nhiều đối tượng, nhưng vấn nạn cướp giật vẫn chưa bị xóa sổ.
Theo Thượng tá Nguyễn Duy Dũng, chỉ trong vòng 1 tuần gần đây (từ ngày 15-21.2), lực lượng đặc nhiệm săn bắt cướp giật đường phố (Đội 3, PC02) đã triệt phá 7 vụ cướp giật trên đường phố, bắt giữ nhiều đối tượng liên quan.
"Số lượng người trẻ thất nghiệp nhiều, số lượng người quay về quê hương cũng ít, đa phần là sống tạm bợ ở TPHCM. Những người này có áp lực về cuộc sống như tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt phí và những nhu cầu khác. Mặt khác, còn một số lượng thanh niên làm việc theo thời vụ, nên việc quản lý gần như bị bỏ trống, do họ không nằm trong cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp nào. Những đối tượng như vậy, khi có áp lực về kinh tế thì dễ phát sinh vấn đề xảy ra tội phạm cướp giật, trộm cắp theo kiểu "bần cùng sinh đạo tặc." - lãnh đạo PC02 phân tích 1 trong những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn cướp giật ở TPHCM.
Để xóa sổ vấn nạn cướp giật cần nhiều giải pháp, trong đó có sự hỗ trợ quan trọng của lực lượng xe ôm công nghệ. Ảnh: Huân Cao
Theo Thượng tá Nguyễn Duy Dũng, để xóa sổ được vấn nạn cướp giật đường phố, không chỉ lực lượng công an mà cần sự vào cuộc cả một hệ thống chính trị. Trong đó, có các tổ chức đoàn thể - xã hội trong việc kết nối tạo công ăn việc làm cho những đối tượng thất nghiệp hay lao động thời vụ. Đồng thời, áp dụng công nghệ camera an ninh truy tìm tội phạm qua hình ảnh, cũng như rất cần sự hỗ trợ của toàn thể quần chúng nhân dân nhất là đội ngũ xe ôm công nghệ.
"Bên cạnh việc đấu tranh trực tiếp loại tội phạm này, thì công tác phòng ngừa để ngăn chặn kịp thời là yếu tố quan trọng. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải và nhất là đội ngũ xe ôm công nghệ. Nếu họ hợp tác nhiệt tình thì sẽ có được một mặt trận, thế trận an ninh nhân dân trên mặt đường, mỗi tài xế xe ôm công nghệ là một chiến sĩ trong vấn đề đấu tranh, khi phát hiện được đối tượng khả nghi thì gọi về đường dây nóng" - lãnh đạo PC02 nói.
Một trong những tên cướp bị lực lượng PC02 bắt giữ. Ảnh: CACC
Lãnh đạo Phòng PC02 chia sẻ thêm thông tin, trước đây đối tượng cướp giật chủ yếu là băng nhóm có tổ chức, nhưng nay lại thêm nhiều cá nhân tự phát khác, thậm chí cả đối tượng là nữ giới.
"Hiện nay đối tượng cướp giật, ngoài các băng nhóm có tổ chức còn xuất những nhóm cá nhân và đi riêng lẻ một mình, thậm chí nữ cũng đi cướp. Có những đối tượng đi cướp giật nhưng ăn mặc sang trọng, đi 1 mình và có những đối tượng là xe ôm công nghệ làm người đi đường khó nhận ra" - lãnh đạo Phòng PC02 cho biết.
Theo Huân Cao/Lao động
https://laodong.vn/phap-luat/triet-pha-nan-cuop-giat-duong-pho-can-su-ho-tro-cua-quan-chung-cong-nghe-884264.ldo