Bắt nộp phí trước rồi cắt đứt liên lạc là chiêu lừa phổ biến của những kẻ môi giới xin việc làm thêm cho du học sinh ở Hàn Quốc.
Du học sinh Việt Nam khi mới sang Hàn Quốc, do vốn tiếng chưa tốt nên gặp khó khăn trong tìm việc làm thêm, thường phải nhờ cậy các bên môi giới trên mạng. Nhiều người, trong đó có Toàn, sinh viên năm cuối ngành Cơ khí, Đại học Dongyang Mirae (Hàn Quốc), bị kẻ môi giới lừa đảo.
Chàng trai 26 tuổi, hiện đã là sinh viên năm cuối, kể lúc mới sang thấy một người Việt đăng tin tuyển nhân viên cho quán ăn. Người này trước đó đăng tin tuyển dụng cho một số công việc, được nhiều phản hội tích cực nên Toàn tin tưởng và liên hệ.
Sau khi yêu cầu Toàn chuyển khoản trước 150.000 won (gần 3 triệu đồng), người môi giới hẹn dẫn đến chỗ làm nhưng sau đó trì hoãn. Ít hôm sau, anh ta khóa Facebook, chặn mọi phương tiện liên lạc với Toàn. Vì ngại rắc rối, Toàn không báo cảnh sát.
"Kẻ lừa đảo đầu tiên sẽ giới thiệu công việc tử tế cho du học sinh. Nhưng sau khi lấy được lòng tin trên mạng thì chúng lập kế hoạch lừa một mẻ lớn rồi biến mất. Lần đấy không chỉ mình mà hơn chục bạn khác dính bẫy!", Toàn kể.
Là sinh viên năm cuối Cao đẳng Ajou Motor, Đinh Thảo (24 tuổi) cho biết nhiều người Việt hay lợi dụng du học sinh mới sang, đang lơ ngơ tìm việc làm rồi lừa tiền. Họ dịch trên báo những vị trí tuyển dụng rồi đăng tin, thu phí giới thiệu 2-4 triệu đồng tiền Việt, sau đó cho địa chỉ và sinh viên phải tự tìm chỗ làm, tự trả tiền xe. Tuy nhiên, khi đến nơi, sinh viên mới biết vị trí đó đã có người rồi.
Du học sinh làm thêm công việc nông tại Hàn. Ảnh: Thế Hiển
Nhiều người Việt đứng ra giới thiệu công việc làm nông như: hái dâu tây, hái đào... (những việc này chính phủ cấm du học sinh không được làm). "Họ đưa ứng viên đến chỗ làm việc tồi tàn, lương thấp. Một là ứng viên chấp nhận đi về và mất luôn tiền môi giới. Hai là nếu không đủ tiền mua vé về, ứng viên phải ở lại làm việc", Nguyễn Thế Hiển ở Đại học Tongmyong chia sẻ.
Theo luật Hàn Quốc, du học sinh có thể làm những công việc đơn giản ở quán ăn, quán cafe, siêu thị; việc liên quan đến chuyên ngành học; làm phiên dịch, gia sư; đại sứ trường học; trợ giảng, phục vụ trong phòng nghiên cứu của giáo sư và làm partime các công việc ở văn phòng. Tuy nhiên, những công việc này yêu cầu du học sinh phải có vốn tiếng thật tốt.
Ngoài ra, muốn đi làm thêm du học sinh phải đăng ký với văn phòng xuất nhập cảnh và đáp ứng đủ một số điều kiện như: Du học sinh hệ đại học chỉ được đi làm sau khi học hết một học kỳ (6 tháng) và giờ làm thêm chỉ 20 giờ/tuần, các ngày lễ, kỳ nghỉ được làm toàn thời gian.
Đối với trường hợp du học nghề, du học sinh có thể đi làm sau một tháng, giờ làm thêm không được trùng với giờ học. Thông thường du học sinh có thể tìm việc làm thêm thông qua một số trang web hoặc đến trực tiếp nơi tuyển dụng.
Chia sẻ về kinh nghiệm tránh bẫy lừa đảo môi giới, Đinh Thảo cho rằng khi tìm việc làm thêm phải tìm hiểu trung tâm thật kỹ để tránh bị lừa và mất phí môi giới, nếu phí quá cao thì nên cảnh giác. Du học sinh mới sang Hàn nên chủ động liên lạc với những anh chị sang trước để biết thêm kinh nghiệm, không nên tự tìm kiếm thông tin trên mạng.
Thế Hiển thì khuyến cáo trong 6 tháng đầu du học sinh nên chăm chỉ học tiếng, khi tiếng tốt tìm việc sẽ không vất vả và tránh được khâu môi giới trung gian. "Các bạn cần cập nhật thường xuyên tin tức trên các trang du học ở Hàn để biết nhiều hơn. Khi lên mạng, gặp nick ảo cò mồi thì phải tránh tuyệt đối!", Hiển nói.
Theo Thanh Hương/VnExpress