Thí sinh có nguyện vọng điều chỉnh đăng lý xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sẽ thực hiện điều chỉnh kể từ hôm nay (22.7). Chọn ngành theo sở thích, năng lực, không nên “bỏ tất cả trứng vào một giỏ” là điều các thí sinh cần đặc biệt lưu ý.
Thí sinh, phụ huynh được các trường đại học, cao đẳng tư vấn chuyên sâu hơn về mức điểm chuẩn, cơ hội trúng tuyển. Ảnh: Huyên Nguyễn
10 ngày để điều chỉnh nguyện vọng
Từ hôm nay (22.7), thí sinh có nhu cầu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên sẽ theo hai hình thức trực tuyến hoặc bằng phiếu đăng ký xét tuyển.
Thời gian điều chỉnh trực tuyến là từ ngày 22.7 đến trước 17h ngày 29.7. Thí sinh đăng nhập vào địa chỉ http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn với tài khoản đã được cấp rồi thực hiện theo hướng dẫn.
Từ ngày 22.7 đến 17h ngày 31.7, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng bằng phương thức phiếu đăng ký xét tuyển.
Thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần trong đợt điều chỉnh và chỉ được sử dụng 1 trong 2 phương thức.
Riêng với các thí sinh phúc khảo bài thi/môn thi sẽ điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả phúc khảo thi THPT quốc gia.
Chiến thuật điều chỉnh nguyện vọng thông minh
Đưa ra lời khuyên điều chỉnh nguyện vọng cho thí sinh, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, các thí sinh nên so sánh với mức điểm chuẩn của các năm 2018, 2017, sau đó nên chọn và đăng ký từ 6 - 9 nguyện vọng. Các nguyện vọng nên được chia theo 3 nhóm bậc thang: nhóm cao – trung – thấp.
Nhóm cao là các ngành lấy điểm đầu vào cao hơn điểm thi của chúng ta khoảng 2 điểm trở lên. Nhóm tầm trung là các ngành từng lấy điểm chuẩn sấp sỉ điểm của mình trong khoảng cộng trừ 1 điểm. Và cuối cùng, nhóm thấp là các mã ngành có điểm chuẩn thấp hơn điểm của mình tối đa 3 điểm.
PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: HN
Ngoài ra, nên đăng kí song song 2 trường có cùng mã ngành với nhau, đừng nên “bỏ tất cả trứng vào một giỏ” mà tuột mất cơ hội. Với chiến thuật đăng ký thông minh như vậy, chúng ta sẽ chắc chắn nắm trong tay 1 suất vào trường đại học như mong muốn ngay từ nguyện vọng 1, PGS Triệu chia sẻ.
Nhấn mạnh tới chọn ngành, TS Hoàng Gia Thư – Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch, Trường Đại học Hà Nội bày tỏ: Để xác định ngành phù hợp với mình là điều quan trọng nhất. Nếu chúng ta chọn ngành không phù hợp thì mất thời gian đào tạo 3-4 năm rồi không được làm đúng nghề yêu thích.
Ngay cả trong quá trình học, nếu không yêu thích thì khó mà đam mê, học tốt được. Câu trả lời chung là xác định mong muốn, nhu cầu, nguyện vọng phù hợp là gì, từ đó xác định nghề phù hợp sẽ chọn được ngành, trường phù hợp, TS Thư trao đổi.
TS Hoàng Gia Thư – Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh và Du lịch, Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: HN
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) cho biết: Sau lần đăng ký ban đầu, các em đã khoanh vùng được những ngành học, trường học mà mình yêu thích. Đồng thời, các em đã đăng ký môn thi phù hợp với tổ hợp xét tuyển của các ngành, các trường đó.
Ở thời điểm này, các em cần tìm hiểu thêm thông tin của các trường cung cấp để sâu hơn và sát với nguyện vọng của các em hơn.
Thậm chí, đã có trường có thể cung cấp cho thí sinh dự kiến khoảng điểm trúng tuyển đối với từng ngành, nhóm ngành để các em có đầy đủ thông tin trước khi thay đổi nguyện vọng. Từ đó, giúp cho việc thay đổi nguyện vọng của các em thành công và hiệu quả hơn.
Bà Phụng nhấn mạnh, thí sinh có thể thay đổi số lượng nguyện vọng, thứ tự nguyện vọng, tổ hợp xét tuyển hay ngành học mà các em đăng ký xét tuyển.
Theo Huyên Nguyễn/Lao động