Việc kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh là phải biết vận dụng những kiến thức linh hoạt vào trong cuộc sống, chứ không phải là các bài tập khó.
Được sự cho phép của Bộ GD-ĐT, từ năm học 2019-2020, đối với các trường THCS được UBND TP Hà Nội công nhận là trường chất lượng cao, việc tuyển sinh vào lớp 6 không theo tuyến và số học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực.
Từ năm học 2019-2020, các trường THCS ở Hà Nội được công nhận là trường chất lượng cao, việc tuyển sinh vào lớp 6 sẽ theo phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực (ảnh minh họa)
Với việc bỏ lệnh “cấm thi” vào lớp 6 được nhiều phụ huynh và chuyên gia ủng hộ, bởi có thể giảm được tiêu cực trong việc “mua giải thưởng” khi chỉ xét bằng học bạ cấp THCS.
Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, nhiều trường chưa công bố phương án tuyển sinh khiến phụ huynh thấp thỏm chờ đợi. Họ cũng lo lắng không biết việc kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh sẽ như thế nào để con có thể trúng tuyển vào trường học mong đợi.
Để làm rõ hơn về vấn đề tuyển sinh vào lớp 6 đối với những trường được công nhận chất lượng cao, phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Trung học (Bộ GD-ĐT).
Phụ huynh không nên quá lo lắng
PV: Thưa ông, đến thời điểm này, nhiều phụ huynh đang lo lắng vì không biết phương thức tuyển sinh vào lớp 6 của các trường THCS chất lượng cao như thế nào. Ông có ý kiến gì với những lo lắng trên?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Các trường THCS có số lượng hồ sơ nộp vào trường lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã có Thông tư 05 sửa đổi Thông tư số 11. Theo đó, các trường có thể lựa chọn phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực. Sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ công bố phương thức tuyển sinh.
Đến nay, chưa hết năm học 2018-2019 nên nhiều trường chưa công bố phương thức tuyển sinh vào lớp 6. Trong phương án tuyển sinh của các trường cũng phải đủ thời gian để phụ huynh có thể đăng ký nguyện vọng cho con em mình.
Vì thế, các bậc phụ huynh cứ yên tâm và nên có sự theo dõi sát việc công bố phương án tuyển sinh vào lớp 6 để có sự đăng ký cho con một cách kịp thời.
Việc đánh giá năng lực không phải là kiểm tra kiến thức quá khó
PV: Nhiều phụ huynh không biết là việc kiểm tra, đánh giá năng lực như thế nào nên đã cho con đi ôn luyện từ rất sớm hay tìm kiếm thầy cô giáo giỏi ở các nơi. Ông có thể thông tin rõ hơn về những bài kiểm tra, đánh giá năng lực sẽ yêu cầu học sinh như thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Việc kiểm tra đánh giá năng lực của học sinh có thể ở trên giấy. Tuy nhiên, bài kiểm tra này khác với bài thi ở trên lớp học là không yêu cầu học sinh phải nhớ hay học thuộc lòng kiến thức một cách máy móc mà chỉ cần kiến thức phổ thông ở cấp Tiểu học.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Trung học (Bộ GD-ĐT)
Bài đánh giá năng lực sẽ đưa ra các tình huống, thông tin xung quanh môn học để học sinh có thể giải quyết chúng trong cuộc sống. Việc sử dụng kiến thức để đánh giá năng lực của học sinh sẽ thấp hơn kiến thức mà em đang học ở lớp cao nhất ở bậc Tiểu học. Ví dụ như học sinh đang học lớp 5 thì bài thi chỉ kiểm tra kiến thức của các em ở lớp 3 và 4. Các em có thể vận dụng kiến thức mình đã học để giải quyết những vấn đề gần gũi với mình trong cuộc sống.
Ngoài việc kiểm tra năng lực của học sinh như trên thì nhiều trường kiểm tra học sinh theo hướng để các em trình bày, thể hiện bản thân. Ví dụ như có trường tổ chức 1 ngày để học sinh trải nghiệm ở một nơi nào đó và giao cho các em một số yêu cầu phải làm.
Sau một thời gian, học sinh phải trình bày trước ban giám khảo về nhận biết, sản phẩm của mình về yêu cầu được giao. Căn cứ vào sự quan sát và sản phẩm của học sinh trình bày hay làm được, nhà trường sẽ đánh giá, nhận xét và cho điểm năng lực của các em.
Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên cho con đi luyện thi và ôn tập những bài rất khó mà việc kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh là biết vận dụng những kiến thức được vận dụng linh hoạt trong cuộc sống.
PV: Còn những trường THCS kiểm tra năng lực của học sinh bằng Ngoại ngữ thì sẽ như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Việc kiểm tra năng lực Ngoại ngữ của thí sinh chính là đánh giá khả năng nghe nói, đọc hiểu, viết một đoạn luận về một chủ đề nào đó của các em.
Nếu đánh giá năng lực ở trên giấy thì cũng có tỷ lệ kiểm tra khả năng nghe nói Ngoại ngữ của học sinh.
Xã hội, phụ huynh sẽ giám sát việc tuyển sinh
PV: Thưa ông, hiện nay, nhiều phụ huynh lo ngại ở nhiều trường THCS , việc xét tuyển kết hợp với kiểm tra đánh giá học sinh cấp Tiểu học có hàng nghìn điểm 10 sẽ khó có thể chọn được học sinh giỏi thực sự. Ông nghĩ sao về điều này và ngành Giáo dục có giải pháp gì hướng dẫn các trường chọn đúng học sinh?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Hiện nay, các trường Tiểu học không chấm điểm học sinh cấp Tiểu học theo Thông tư 22. Việc cho điểm một số môn chỉ diễn ra ở kỳ thi học kỳ I và II. Tuy nhiên, việc một số trường có hồ sơ xét tuyển lớn hơn chỉ tiêu nhận được hàng nghìn điểm 10 trong học bạ của học sinh cũng là điều dễ hiểu vì nhiều học sinh có điểm số học kỳ của 5 năm cấp Tiểu học rất tốt.
Vì vậy, ngoài việc xét tuyển dựa trên học bạ, các trường phải đưa ra phương án kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Tuy nhiên, để chọn ra thí sinh đủ tiêu chuẩn vào trường thì ban giám hiệu, các thầy cô giáo phải có sự đánh giá công tâm, chính xác. Bên cạnh đó, việc xã hội, các phụ huynh tham gia vào công giám sát quá trình đánh giá năng lực học sinh của nhà trường cũng rất quan trọng để ngăn chặn tiêu cực có thể xảy ra, giúp các trường chọn đúng học sinh vào trường.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Những năm học trước, do bị cấm tuyển sinh bằng thi tuyển, các trường THCS được đánh giá chất lượng cao gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh, buộc phải xét tuyển dựa trên các tiêu chí đánh giá dựa vào hồ sơ, học bạ, thậm chí dùng đến tiêu chí phụ là các giải phưởng. Tuy nhiên, thực hiện tuyển sinh theo phương thức này không được phụ huynh và chuyên gia ủng hộ, bởi từ đó có thể nảy sinh tiêu cực trong việc “mua giải”... Vì vậy, sau nhiều năm tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển hồ sơ, năm học 2019-2020, một số trường chất lượng cao ở Hà Nội có số lượng học sinh đăng ký đầu vào cao hơn chỉ tiêu sẽ tuyển sinh theo phương thức kết hợp xét tuyển và kiểm tra, đánh giá năng lực. |
Theo Bích Lan/VOV.VN