Trước mỗi mùa tuyển sinh, nhiều trường đại học tung ra loạt chính sách học bổng với số tiền khủng. Học bổng rất đa dạng nhưng người học nên cẩn trọng vì để duy trì không hề đơn giản, thậm chí đã xảy ra những rắc rối kiện tụng giữa người nhận và bên cấp.
Chuyển trường 2 năm vẫn bị kiện đòi lại học bổng
Năm 2017, các tòa án quận tại TP.HCM đã đình chỉ vụ án Trường ĐH Tân Tạo kiện sinh viên đòi học bổng, do người đứng đơn kiện không phải là đại diện hợp pháp của trường. Tuy nhiên, sang năm 2018, Công ty cổ phần đầu tư Tân Đức (thuộc Tập đoàn Tân Tạo) đứng ra kiện những sinh viên này ở tòa án một số quận tại TP.HCM.
Trước đây, phụ huynh và sinh viên từng đến toà ở TP.HCM để thực hiện các thủ tục liên quan trong vụ kiện đòi lại học bổng của công ty Cổ phần đầu tư Tân Đức
Đầu tháng 4/2019, các tòa án này chuyển hồ sơ về Tòa án nhân dân huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang (nơi các sinh viên này đang tạm trú học ĐH) để giải quyết vụ kiện của công ty cổ phần đầu tư Tân Đức. Trong số này có trường hợp bị kiện đòi lại học bổng nhưng cũng có sinh viên bị kiện đòi học bổng, bồi hoàn học bổng và lãi suất. Ngay thời điểm đó, sinh viên vừa học vừa nhiều lần đến tòa theo triệu tập để hòa giải, cung cấp chứng cứ.
Ngọn nguồn vụ việc xảy ra vào năm 2016, nhiều sinh viên và phụ huynh bất bình trước việc trường Tân Tạo bất ngờ tăng mạnh học phí, học phí học lại, thi lại cũng như thay đổi chính sách học bổng liên tục. Họ đã phản đối, gửi đơn đề nghị giữ lại mức học phí như cam kết ban đầu. Kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT yêu cầu trường hoàn trả hồ sơ bản gốc và tạo điều kiện cho sinh viên chuyển trường.
Hơn 80 trong số khoảng 100 sinh viên ngành y đã chuyển sang trường khác. Trường không trả hồ sơ gốc (bằng tốt nghiệp THPT, học bạ) cho 28 sinh viên và yêu cầu sinh viên phải hoàn trả học bổng đã cấp - dao động từ vài chục đến hơn 300 triệu đồng/sinh viên. Phụ huynh, sinh viên không đồng ý nên trường khởi kiện ra tòa.
Một số phụ huynh cho biết lúc đầu trường đến trường THPT tuyển sinh, hứa hẹn cấp học bổng nhưng không hề nhắc đến nghĩa vụ bồi thường học bổng hay lộ trình tăng học phí. Đến lúc vào học, trường liên tục thay đổi điểm bình quân để duy trì học bổng từ 3.4 điểm lên 3.6 và sau đó lên mức 3.8/4.0 điểm, khiến không có sinh viên nào đạt được. Không có học bổng, trường lại tăng học phí cao khiến gia đình không thể kham nổi. Dù đã chuyển trường nhưng hai năm qua sinh viên phải vừa học vừa hầu tòa, trong khi giấy tờ gốc trường vẫn chưa chịu trả.
Học bổng bao la nhưng phải xem kỹ điều kiện
Năm 2019, nhiều trường ĐH tiếp tục tung ra các học bổng từ 25% đến 100% học phí, với số tiền từ vài triệu đến gần 1 tỉ đồng. Học phí càng cao, số tiền học bổng càng lớn. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý điều kiện duy trì, chính sách bồi thường học bổng cũng như có kế hoạch tài chính khi không duy trì được khoản hỗ trợ này.
Với các trường đại học công lập, mức điểm trung bình để duy trì học bổng 100% phần lớn chỉ ở mức khá. Trong khi đó, với các trường ĐH ngoài công lập, sinh viên phải đạt điểm giỏi, thậm chí xuất sắc mới duy trì được học bổng.
Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho rằng, trường công lập có định mức phần trăm kinh phí học bổng, hiện tại tầm 8% doanh thu học phí, nên hằng năm căn cứ vào nguồn để tuyển chọn sinh viên cấp học bổng. Tuy nhiên, một số trường có thêm học bổng tuyển sinh, kiểu như khuyến mãi hoặc giảm giá. Chính vì vậy, mức này khó duy trì các năm tiếp theo. Trường tư thường không giới hạn suất học bổng, chỉ cần đạt điểm là được nên cũng khó duy trì. Bởi với cách xét theo điểm định trước thì kinh phí có thể bị đội lên và để cân đối thì những năm sau buộc phải thay đổi.
Theo ông Sơn, việc không tìm hiểu kỹ chính sách duy trì học bổng dẫn đến mất học bổng những năm sau lỗi vẫn thuộc về người học. Nhưng cũng khó trách, vì thí sinh khó lòng hiểu hết khi thông tin quảng bá chỉ ghi cấp học bổng và hứa sẽ xét tiếp nếu đạt kết quả tốt, còn tốt mức nào thì tùy thuộc vào kinh phí những năm sau.
Theo Ths Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường đại học Kinh tế - tài chính TP.HCM cho biết nhà trường có nhiều chính sách học bổng cho sinh viên, nhưng không ràng buộc việc bồi thường nếu sinh viên không tiếp tục học ở trường.
Tuy nhiên do mức học phí trường khá cao và học bổng thường bằng học phí nên nhà trường luôn tư vấn kỹ về điều kiện duy trì học bổng để sinh viên chọn học bổng nào có lợi nhất.
Đối với học bổng dựa trên kết quả học tập, trường luôn cảnh báo sinh viên tính toán phương án tài chính trong trường hợp không duy trì được học bổng để tránh gián đoạn việc học.
“Trung bình mỗi năm có khoảng 30-40% sinh viên bị rơi khỏi học bổng do kết quả học thấp hơn điều kiện. Do đó, trường luôn có bộ phận học vụ đưa cảnh báo cho sinh viên cuối mỗi học kỳ. Điều này là cần thiết để sinh viên phải nỗ lực học hơn để duy trì học bổng cũng như đỡ bị sốc nếu mình không còn được học bổng”, ông Nguyên chia sẻ.
Bên cạnh điều kiện duy trì học bổng, nhiều trường còn đưa ra chính sách bồi thường học bổng để ràng buộc sinh viên. Chính sách học bổng của Trường đại học Hoa Sen quy định sinh viên nhận học bổng tài năng thôi học hoặc bị buộc thôi học phải bồi hoàn toàn bộ số học bổng đã nhận. Trường ĐH Duy Tân thì quy định, sinh viên nếu bỏ học hoặc chuyển trường trong năm 1 hoặc đầu năm 2 phải bồi thường học phí năm đầu tiên cho trường.
Hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập ở TP.HCM cho rằng việc đặt ra điều kiện duy trì học bổng là cần thiết. “Điều kiện đó để sinh viên phải cố gắng trong học tập, không tạo tâm lý ỷ lại họ sẽ được cấp học bổng dù không nỗ lực.
Tuy nhiên, cần phải công bố rõ ngay từ đầu để thí sinh và phụ huynh cần phải cân nhắc thiệt hơn trước khi lựa chọn nhận học bổng có ràng buộc bồi thường nếu ngưng học”, vị này nói.
Theo Lan Phương/Dân trí