Bộ GD&ĐT đang rà soát và đề xuất chỉnh sửa trong Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo đó, các yêu cầu về nghiệp vụ sư phạm đối với giảng viên (trong đó có giáo sư, phó giáo sư) sẽ không quy định trong Luật mà sẽ đưa vào các qui định ở các văn bản áp dụng đối với các trường hợp cụ thể.
Đó là khẳng định của ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) với báo chí ngày 12/5.
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT).
Trả lời tại sao lại có quy định yêu cầu giảng viên cao cấp (GS,PGS) vẫn phải đi học để lấy chứng chỉ sư phạm theo quy định? Ông Hoàng Đức Minh cho biết, theo quy định tại Điều 77 Luật Giáo dục năm 2005, các giảng viên giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Việc quy định như vậy là vì hầu hết họ là sinh viên khá, giỏi được giữ lại trường, chưa có kỹ năng về nghiệp vụ sư phạm - không như giáo viên mầm non, phổ thông được đào tạo là nghề sư phạm).
Trong thực tế triển khai, vì những nguyên nhân khác nhau mà có giảng viên (trong đó có giáo sư, phó giáo sư) chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Việc quy định giáo sư phải có chứng chỉ sư phạm phải chăng đã bộc lộ bất cập của quy định này?
Luật Giáo dục được ban hành năm 2005. Sau 14 năm thực hiện Luật, đến thời điểm hiện nay, quy định về nghiệp vụ sư phạm đối với giảng viên đã có những bất cập nảy sinh, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Tuy nhiên, vì nội dung này quy định trong Luật nên không tự bỏ ngay được mà phải đợi đến khi sửa Luật.
Vậy Luật Giáo dục (sửa đổi) đang được Quốc hội thông qua tới đây sẽ khắc phục gì cho quy định hiện hành về yêu cầu nghiệp vụ sư phạm với giảng viên?
Bộ GD&ĐT đang rà soát và đề xuất chỉnh sửa trong Luật Giáo dục (sửa đổi) tới đây. Theo đó, các yêu cầu về nghiệp vụ sư phạm đối với giảng viên sẽ không quy định trong Luật mà sẽ đưa vào các qui định ở các văn bản áp dụng đối với các trường hợp cụ thể.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Theo Hồng Hạnh/Dân trí (ghi)