“Làm mẹ bất đắc dĩ” khi đang ở độ tuổi cắp sách đến trường, “áo trắng đánh ghen”, học sinh lớp 8 có thai vì bị thầy giáo xâm hại…. Những sự việc đau lòng liên tục xảy ra. Theo các chuyên gia, có nguyên nhân của việc học sinh đang bị thiếu những kỹ năng, kiến thức về giới tính cần thiết để bảo vệ mình.
Việc trẻ có đủ kiến thức về giới tính sẽ giúp trẻ biết cách bảo vệ mình. Ảnh minh họa: T.L
Yêu sớm + thiếu kiến thức = Hậu quả
Những ngày qua, thông tin nam sinh lớp 10 ở Phú Thọ làm 4 bạn gái có thai gây xôn xao dư luận cả nước. Tin đồn này đã được kết luận là không đúng sự thật, nhưng việc có một nữ sinh có thai ở tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường là có thật.
Lãnh đạo Công an xã Sơn Vi (huyện Lâm Thao, Phú Thọ) đã xác nhận với Lao Động, trên địa bàn xã có một nữ sinh đang theo học lớp 10 phải tạm nghỉ học để sinh con. Điều đáng nói, tại trường, nữ sinh là học sinh chăm ngoan, học giỏi môn tiếng Anh.
“Chúng tôi rất tiếc khi em nghỉ học” - lãnh đạo Trường THPT L.S.C (Lâm Thao) bày tỏ khi một học sinh giỏi của trường nghỉ học đột ngột, nhất là rơi vào hoàn cảnh “làm mẹ bất đắc dĩ” khi chưa đến tuổi 15. Đặc biệt, khi học sinh yêu sớm và có thai, giáo viên, nhà trường đều không hay biết, cho đến khi mọi việc... "ở sự đã rồi”.
Nữ sinh có thai ngoài ý muốn, rơi vào cảnh “bà mẹ tuổi teen” khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nữ sinh bị thầy giáo xâm hại trong thời gian dài ở Lào Cai… những câu chuyện đau lòng vẫn hiện hữu đâu đó. Nhiều em phải dang dở ước mơ, không tìm được tiếng nói chung với cha mẹ, với người yêu nên có những lựa chọn tiêu cực.
Lúng túng giáo dục giới tính
Cách đây chưa lâu, TS Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) từng công bố những con số khiến nhiều phụ huynh giật mình: Đến hết lớp 9, khoảng 10% học sinh từng quan hệ tình dục, hết lớp 12 thì con số này là 39%. 10% học sinh THPT báo cáo từng quan hệ với từ 3 người trở lên.
TS Trần Thành Nam: Học sinh có thai ngoài ý muốn, bị xâm hại... có trách nhiệm của người lớn khi một thời gian dài đã bỏ quên, hoặc né tránh việc giáo dục giới tính trong gia đình và nhà trường.
TS Nam kể, trong lần đi làm khảo tại một số trường phổ thông ở nội thành Hà Nội, ông rất ngạc nhiên khi nghe các bạn nữ sinh về những biện pháp tránh thai mà mình thường sử dụng, như uống nước chanh, quan hệ đứng, hay vệ sinh vùng kín ngay sau khi quan hệ bằng chanh.
Nó rất phản khoa học, nhưng lại được các em truyền tai nhau sử dụng. Điều này là do các bạn trẻ thiếu kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản. Ngoài ra, do gia đình và nhà trường vẫn có tâm lý coi giáo dục là vấn đề nhạy cảm. Và hậu quả là trẻ yêu không đúng cách, bị xâm hại mà không biết cách bảo vệ mình.
Trước những vấn đề này, ông Bùi Văn Linh- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GDĐT) cho biết, thời gian tới Bộ sẽ quyết liệt chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh việc đổi mới, đưa nhiều hơn nội dung giáo dục kỹ năng sống, giới tính vào trong nhà trường. Lồng ghép việc giáo dục kỹ năng sống trong các tiết sinh hoạt, chào cờ hằng tuần, tăng cường hoạt động trải nghiệm, định hướng giáo dục toàn diện cho học sinh.
"Bộ cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để thẩm định, biên soạn các bộ tài liệu, bộ nhận diện phòng chống bạo lực học đường, phòng chống xâm hại, sức khỏe sinh sản, tuyên truyền xuống các cơ sở giáo dục"- ông Linh cho biết.
Thực tế hiện nay, không ít phụ huynh lúng túng không biết giáo dục giới tính cho con em mình thế nào. Bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em đưa ra lời khuyên: Ngay ở độ tuổi mầm non, gia đình và nhà trường cần trang bị cho trẻ những kiến thức về giới tính như không cho người lạ động chạm vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể.
Học sinh lớp 2, lớp 3 cần được biết về dậy thì, cơ thể phát triển ra sao. Khi con lên lớp 4, lớp 5, trẻ cần được giáo dục về tình dục, như quan hệ tình dục khi còn là trẻ em thì hậu quả sẽ ra sao, dạy trẻ biết cách phòng tránh thai an toàn.
Theo Đặng Chung/Lao động