Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2019. Thời điểm này, các địa phương đã cơ bản chuẩn bị xong các điều kiện tổ chức kỳ thi. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT các địa phương, quy trình năm nay chặt chẽ, nếu người đứng đầu làm nghiêm, khó có thể xảy ra gian lận.
Thi THPT quốc gia 2019: Vẫn lo chấm thi tự luận
Kỳ thi THPT Quốc gia 2019: Vẫn canh cánh nỗi lo gian lận
Kỳ thi THPT quốc gia 2019 được cho là có nhiều điều chỉnh kỹ thuật để ngăn chặn tối đa gian lận thi cử
Gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi
Sở GD&ĐT Nghệ An thông tin, kỳ thi THPT quốc gia 2019, toàn tỉnh có 32.400 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có tới hơn 13.000 thí sinh chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp (chiếm 41%). Đây là tỉ lệ học sinh đăng ký không xét tuyển ĐH, Học viện cao nhất từ trước đến nay.
Tỉnh Bắc Giang năm nay có 19,6 nghìn thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có tới 41% thí sinh đăng ký thi chỉ nhằm mục đích xét tốt nghiệp. Ông Trần Tuấn Nam, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang cho biết, toàn tỉnh năm nay có 36 điểm thi. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi và cả những giải pháp nhằm ngăn chặn tiêu cực, gian lận trong kỳ thi đang được đơn vị phối hợp với các ban, ngành liên quan chuẩn bị.
Trong khi đó, tỉnh Thái Bình năm nay có khoảng 19,1 nghìn thí sinh đăng ký dự thi, nhưng tỉ lệ thi để xét tốt nghiệp chỉ chiếm 27,5%. Thời điểm này, UBND tỉnh chỉ đạo các ban ngành, phối hợp Sở GD&ĐT rà soát, chuẩn bị các phòng thi, điểm thi, hệ thống máy tính, máy quét cũng như lắp camera các phòng chứa bài thi, đề thi.
Theo số liệu báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương, năm nay địa phương có hơn 19 nghìn thí sinh đăng ký dự thi, tương đương năm 2018. Đến thời điểm này, địa phương cũng đã cơ bản chuẩn bị hết các đầu việc như: khảo sát cơ sở vật chất, phối hợp với trường ĐH, các lực lượng, chuẩn bị điểm thi…
Khó gian lận nếu người đứng đầu làm nghiêm túc
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh đã lên kế hoạch triển khai chi tiết và thời điểm này đang gấp rút triển khai các công đoạn. Quy chế thi năm nay có 5 điểm mới so với năm trước, trong đó công tác đảm bảo an toàn, phòng chống gian lận trong thi cử được siết chặt. Năm nay, việc sắp xếp, bố trí thí sinh trong các phòng thi sẽ không có sự phân biệt thí sinh các trường THPT, học sinh trung tâm giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do. Tất cả thí sinh đăng ký dự thi sẽ thi cùng nhau ở một điểm thi, đánh số báo danh theo thứ tự ABC.
Cũng theo ông Thành, năm nay dù Bộ GD&ĐT giao việc chấm thi trắc nghiệm cho trường ĐH thì Sở GD&ĐT vẫn phải chịu trách nhiệm về việc chấm thi tự luận. Do đó, địa phương sẽ đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ để theo dõi việc bảo quản đề thi, bài thi cũng như quá trình chấm thi. Đối với việc tổ chức chấm môn thi tự luận, Sở GD&ĐT Nghệ An sẽ tổ chức chấm thi theo phương thức 2 vòng độc lập, trong đó giáo viên tham gia chấm thi sẽ phải ăn ở tập trung trong suốt khoảng thời gian đó.
Bà Nguyễn Thị Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương chia sẻ, năm 2019 là năm thứ 4 địa phương chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia. Vì thế, cơ bản đã có kinh nghiệm trong khâu chuẩn bị. Tuy nhiên, bà Tiến cũng cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia rất quan trọng, những người đứng đầu kỳ thi luôn nêu cao tinh thần nghiêm túc, không bỏ sót, lơ là bất kỳ công đoạn chuẩn bị nào.
Trả lời câu hỏi, từ sự cố gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang…, liệu việc chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức thi, những người đứng đầu có áp lực nặng nề hay không? Bà Tiến cho rằng, với quy định như hiện nay, nếu người đứng đầu làm nghiêm sẽ không bất kỳ một ai có thể qua mặt được. Bà Tiến phân tích, phòng thí sinh làm bài thi không có camera nhưng ở đó mỗi thí sinh một mã đề khác nhau, rất khó để có người ngoài vào làm bài thay học sinh.
Hơn nữa, trong phòng thi thí sinh sẽ giám sát lẫn nhau. Khi bài thi được nộp về phòng lưu trữ, từ đây tất cả các phòng đều được lắp đặt camera giám sát. Để lấy bài thi, phải có đủ tất cả các lực lượng như: an ninh, thanh tra, khảo thí… “Vì vậy, chỉ có thể can thiệp được vào bài thi một khi tất cả các lực lượng này bắt tay nhau. Còn cá nhân đơn lẻ có ý đồ gian lận cũng không thể thực hiện. Tuy nhiên, khi tất cả các lực lượng bắt tay nhau mà người đứng đầu giám sát chặt chẽ, cũng khó có thể qua mắt được”, bà Tiến khẳng định.
Theo bà Tiến, điều quan trọng nhất là việc lựa chọn con người để giao việc. Cán bộ phải giỏi chuyên môn nhưng cũng phải có phẩm chất tốt. Công tác tập huấn, người đứng đầu phải luôn quán triệt việc tổ chức thi là rất hệ trọng, phải làm cẩn thận, cảnh báo trước hậu quả nếu làm gian dối.
Một lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá cũng chung quan điểm khi cho rằng, ở đâu đó, để xảy ra gian lận chắc chắn có sự buông lỏng của người chịu trách nhiệm chủ trì. Bởi vì, theo quy chế hiện nay, tất cả các khâu được quy định rất chặt chẽ đến mức “một con ruồi cũng khó bay qua”. Nếu người chủ trì, cụ thể là giám đốc Sở, quán triệt và theo dõi sát sao các công đoạn, rất khó để những người có ý đồ can thiệp vào bài thi có thể thực hiện được.
“Chỉ có thể can thiệp được vào bài thi một khi tất cả các lực lượng này bắt tay nhau. Còn cá nhân đơn lẻ có ý đồ gian lận cũng không thể thực hiện. Tuy nhiên, khi tất cả các lực lượng bắt tay nhau mà người đứng đầu giám sát chặt chẽ, cũng khó có thể qua mắt được”.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Tiến
Theo Nguyễn Hà/Tiền phong