Đây là khẳng định của Vụ công chức – viên chức, Bộ Nội vụ khi nói về trường hợp 256 giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn, Hà Nội có nguy cơ mất việc khi phải tham gia kỳ thi tuyển tới đây.
Lãnh đạo Vụ công chức – viên chức trao đổi với PV
Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Nội vụ chiều 9/5, PV đặt câu hỏi quan điểm của bộ liên quan đến vụ hơn 200 giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn có nguy cơ mất việc?
Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Tư Long, Vụ phó Vụ công chức – viên chức cho biết, việc phân cấp tuyển dụng đối với viên chức được quy định rất rõ thẩm quyền này thuộc về địa phương.
Ông Long nhấn mạnh, Hà Nội hoàn toàn có thể lựa chọn tổ chức thi hay xét tuyển, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng đầu vào, nếu không đáp ứng được yêu cầu thì cần phải xem xét.
“Nếu tăng cơ hội cho người này thì sẽ giảm cơ hội cho người khác, nên phải tiếp cận từ nhiều phía; vừa đảm bảo quyền, lợi ích của chính giáo viên, nhưng cũng đảm bảo cơ hội tiếp cận việc làm cho đội ngũ cán bộ trẻ”, ông Long nói.
Hình ảnh giáo viên huyện Sóc Sơn khi trao đổi với PV Tiền Phong
Trước đó trao đổi với PV, 256 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn khẳng định, họ vẫn nộp hồ sơ theo đúng quy định để không ảnh hưởng tới trường nhưng sẽ kiên quyết không tham dự kì thi.
“Thà ra khỏi ngành nhưng chúng tôi sẽ không thi. Bởi việc bắt chúng tôi thi thay vì xét tuyển là quá bất công. Việc không xét tuyển cho chúng tôi theo Nghị định 29 mà bắt chúng tôi thi theo Nghị định 161 là sai sót của chính quyền. Không thể bắt chúng tôi hứng chịu cái sai sót đó”, đại diện nhóm giáo viên này nhấn mạnh.
Các giáo viên cho rằng, sở dĩ họ kiên quyết không thi là bởi kỳ thi này là một sự phủ nhận công sức của họ suốt bao nhiêu năm qua. Có những người sắp về hưu, gắn bó gần 30 năm trong nghề nay lại bắt họ thi tuyển cùng với những người mới ra trường thì vừa không hợp tình cũng không hợp lý.
Theo Luân Dũng/Tiền phong