Có người từng ví von thành tích cũng như tấm huy chương, mặt trước bóng bẩy, hào nhoáng; còn mặt sau thì xù xì, thô kệch.
Mùa thi cử đang về, lại phải nghĩ về mặt trái của tấm huy chương.
Mấy ai đứng ngoài cuộc?
Từ gia đình, có phải đang có nhiều cha mẹ dặn dò con phải cố gắng đạt thành tích, vượt kết quả năm trước, giành danh hiệu cao, vào trường chuyên này, lớp chọn nọ... Có cha mẹ nào can đảm đứng bên lề cuộc đua thành tích để bảo con "hoàn thành bài thi là được", "danh hiệu gì cũng không quan trọng bằng chính con"?
Các con đang bị cân đo đong đếm bằng cặp mắt đầy tị nạnh của cha mẹ.
Có phải nhà trường cũng đang gò học sinh vào khuôn "tăng tốc học", "tập trung thi"? Những chỉ tiêu đăng ký đầu năm đang được rà soát, đối chiếu. Hơn chục bộ đề cương cho các môn học được phát ra đồng loạt. Học sinh nghỉ lễ phải ôm một đống bài tập và đề thi thử... Có giáo viên nào dám khác biệt, dũng cảm đứng ngoài cuộc đua điểm số để khuyên trò "học bớt lại", "điểm số không phải là tất cả"?
Khi cả xã hội khư khư lấy điểm số để đánh giá năng lực của một cá nhân, lấy bằng cấp để đo lường sự thành công của mỗi con người thì căn bệnh thành tích với những hệ lụy đáng gờm vẫn tồn tại trong từng gia đình, mỗi nhà trường.
Thành tích đang làm khổ bọn trẻ quá đỗi!
"Cái dại - con mang": tiếc quá!
Nhiều con em của chúng ta đang trực tiếp chứng kiến sự không trung thực trong môi trường giáo dục. Bạn nào quanh con thường xuyên vắng học quá 45 buổi quy định, bạn nào học yếu đến mức không giải nổi bài toán đúng, viết trọn vẹn bài văn chuẩn..., có lẽ không ai tường tận bằng các con. Vậy mà các bạn vẫn lên lớp đều đều, hoàn thành chương trình ào ào.
Ai dám bảo trong lòng các con không lung lay một chút niềm tin, không sóng sánh một chút nỗ lực?
Muôn nẻo mê mẩn thành tích là muôn kiểu tạo áp lực cho con trẻ. Nhiều người cố biện minh "vì con", "tốt cho con", "yêu thương con mới vậy", nhưng có biết đâu rằng chúng ta chuộng thành tích, chạy thành tích đã vô tình gieo "quả đắng" lên cuộc đời con trẻ.
Xin điểm ư? Bố mẹ đang dạy con cái nói dối, dối một cách trắng trợn. Đứa trẻ có lòng tự trọng còn vương lại nỗi hổ thẹn, mặc cảm vì "điểm đi xin". Nhưng sẽ có đứa trẻ bất chấp tất cả để thênh thang bước trên con đường cha mẹ rải sẵn hoa hồng. Rồi chẳng may vấp ngã, cha mẹ lại tiếp tục dang tay ôm con, che chắn cho con suốt đời ư?
Chạy điểm và gian dối thi cử ư? Khi vụ việc bị lộ, có những đứa trẻ bị "đưa ra ánh sáng", bị tẩy chay, bị cộng đồng lên tiếng đòi "đuổi học". Vết thương lòng ấy đau hơn dao cắt, đã cứa một vết hằn trong cuộc đời thanh xuân của con. Tôi thấy tiếc cho những bạn trẻ trót rơi vào cảnh "cái dại, con mang", "sai một li, đi chệch hàng dặm" như thế...
Sắp tới đây, khi mùa thi vừa kết thúc thì cũng là mùa khoe thành tích của con cái nở rộ. Các trang mạng lại ngập tràn hình ảnh lung linh của giấy khen, danh hiệu. Đâu đó sẽ có những đứa trẻ cười toe toét, đâu đó lại có đứa trẻ khóc thầm vì "thua con nhà người ta" và đâu đó lại có đứa trẻ lòng vương chút tự ti vì thành tích này ảo...
Mong rằng mỗi thành tích con trẻ đạt, dù ít dù nhiều, dù cao dù thấp cũng sẽ được cha mẹ trân trọng. Đừng cứ mải bị lớp áo hào nhoáng của mặt trước tấm huy chương làm cho mê muội, điên đảo, cuống cuồng "chạy"!
Và xin đừng vô tình hay cố ý đánh rơi ánh nhìn về những tâm hồn con trẻ... trống rỗng kỷ niệm và đầy vết xước - mặt sau tấm huy chương!
Sao lại tự mâu thuẫn? Mải mê chạy theo thành tích, danh hiệu, điểm số, giải thưởng, con trẻ giờ trở thành một thế hệ "gà công nghiệp", thiếu hụt trầm trọng những kỹ năng cơ bản nhất để sinh tồn, tự lập. Và cha mẹ lại quay cuồng tìm lớp học, khóa trải nghiệm nấu ăn, rửa chén, quét nhà, gấp chăn mền... Tiền bỏ ra cha mẹ chẳng tiếc, thời gian đưa đón cha mẹ chẳng màng, chỉ cần con trẻ biết làm những việc đơn giản nhất, cơ bản nhất từ trong những lớp học ấy đã đủ khiến bậc sinh thành rưng rưng. Rồi chúng ta lại trăn trở: Sao bọn trẻ giờ vô tâm thế? Sao các con ích kỷ, chẳng biết san sẻ việc nhà? Sao con tôi, cháu tôi gặp khách đến nhà cứ như người vô hồn không biết thưa gửi?... Muôn câu hỏi "vì sao?" ấy là hệ quả từ những cuộc đua thành tích thường ngày: "Con cứ học đi, việc nhà đã có người lo!", "Đậu vào trường đó sẽ thưởng lớn!", "Chỗ học thêm này tốt, thầy giỏi, học phí đắt, xin xỏ mãi mới được nhận, cố mà học!"... Thành tích và kỹ năng, học từ sách vở và học từ cuộc sống... sao mà mâu thuẫn thế! |
Ngọc Hùng (Huế)
Theo Tuổi trẻ Online