Các chuyên gia giáo dục, giảng viên các trường đại học (ĐH), giáo viên THPT đã đề ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế tiêu cực sau khi những gian lận thi cử tại Hòa Bình trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa có kết luận điều tra.
Thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2018. Ảnh minh họa
Xử lý nghiêm minh sai phạm
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo (GDĐT) TPHCM, cho hay: "Theo tôi, cần xử lý nghiêm minh theo pháp luật đối với người trực tiếp sai phạm và những người có trách nhiệm liên quan, người đứng sau lưng tác động (tránh bỏ lọt tội, sót người). Có biện pháp hữu hiệu để khắc phục những hạn chế, thiếu sót vừa qua trong các khâu coi thi, bảo quản bài thi, chấm thi, xử lý kết quả thi song song với việc tăng cường trang bị cơ sở vật chất, các thiết bị cần thiết.
Đồng thời, cần coi trọng việc bố trí "người tốt" vào các khâu trọng yếu và tập huấn, bồi dưỡng về cả nhận thức lẫn nghiệp vụ cho những người làm công tác thi. Tổ chức và thực hiện tốt công tác thanh tra, giám sát ở tất cả các khâu của kỳ thi vào các thời điểm trước, trong, sau kỳ thi".
Ông Ngai bày tỏ hy vọng kỳ thi năm 2019 không lặp lại những sai sót, những tiêu cực đã xảy ra như trong kỳ thi năm 2018. "Thật ra, theo tôi, Bộ GDĐT cũng chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 sắp tới khá chu đáo. Vấn đề còn lại là sự đồng lòng, sự quyết tâm của những người có trách nhiệm; vấn đề bố trí nhân sự vào các khâu quan trọng và tổ chức thực hiện sao cho có hiệu quả nhất".
Giám sát chặt để không có cơ hội cho tiêu cực
Ông Nguyễn Viết Đăng Du - Tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) - cho rằng, cần tăng cường giám sát để không có cơ hội thực hiện tiêu cực. "Yếu tố con người rất quan trọng, tuyệt đối không chủ quan và tăng cường sự giám sát, đưa ra hoạt động phòng ngừa tiêu cực để cho con người không có cơ hội thực hiện tiêu cực" - ông Đăng Du nói.
Tiếp đó, ông Đăng Du đề xuất cần bổ sung các quy định vào luật là các trường hợp gian lận thi cử sẽ bị huỷ kết quả thi, kết quả học, văn bằng, cấm thi 5 năm hoặc vĩnh viễn tùy mức độ.
Đồng thời, các biện pháp nghiệp vụ như: Đổi giám thị, tăng cường an ninh phòng chấm, giám khảo quét bài thi là người từ tỉnh khác đến, lập trung tâm chấm thi liên tỉnh cần được thực hiện nghiêm túc, chặc chẽ.
TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - chia sẻ: " Bộ GDĐT biết rõ nguyên nhân do đâu và đưa ra những hoạt động phòng ngừa hợp lý, tập huấn, khuyến cáo lựa chọn con người, đặc biệt giao trọng trách chấm trắc nghiệm cho các trường đại học hoặc trung tâm khảo thí lớn, có năng lực đảm nhiệm là hết sức hợp lý".
Th.s Nguyễn Văn Toàn - Trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TPHCM - đề xuất giao quyền tự chủ cho các trường ĐH.
"Theo tôi, tiêu cực chủ yếu 2 nguyên nhân: Quy trình (phần mềm, qui định) và con người. Giờ là lúc nên bàn lại, đơn vị nào cần kết quả thi cử trung thực và thực chất, các tỉnh, học sinh hay chính các trường ĐH. Ai cần thì nên để đơn vị đó tổ chức" - Th.s Nguyễn Văn Toàn cho hay.
Theo Anh Nhàn/Lao động