Trước Tết gần 4 tuần, các thương hiệu bánh kẹo, thực phẩm, bia... phối hợp với nhà bán lẻ liên tục khuyến mại để thúc đẩy sức mua
Tết Nguyên đán 2025 đã cận kề nhưng không khí mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại vẫn chưa sôi động. Người tiêu dùng vẫn còn thắt chặt chi tiêu, buộc các doanh nghiệp (DN) phải liên tục tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá để kích cầu.
Bia Tết đua giảm giá
Ảm đạm nhất là các mặt hàng bia Tết. Nhân viên trực gian hàng bia tại một số siêu thị ở TP HCM cho biết đã bày bán bia Tết cả tháng nay nhưng khách hỏi mua rất ít. Do đó, cứ vài ngày, hệ thống bán lẻ và cả nhãn hàng phải điều chỉnh giá một lần theo hướng giảm để thu hút khách hàng.
Như đầu tuần này, các siêu thị trên địa bàn TP HCM vừa có một đợt giảm giá mới với các mặt hàng Tết như bia, nước ngọt và cả bánh kẹo Tết. Không chỉ vậy, khách mua bia còn được tham gia các chương trình tặng quà, trúng thưởng... do nhãn hàng tổ chức.
Khảo sát giá tại một số siêu thị cho thấy hầu hết loại bia đều được giảm giá như Heineken giảm 15.000 đồng còn 429.000 đồng/thùng, bia Tiger giảm 9.000 đồng còn 269.000 đồng/thùng, bia Sài Gòn giảm 10.000 đồng còn 253.000 đồng/thùng.
Bia Tết ê hề tại một siêu thị ở TP HCMẢnh: THANH NHÂN
Tại Hà Nội, sức mua bia Tết ở các cửa hàng tạp hóa, siêu thị thời gian này cũng khá trầm lắng. Ghi nhận ở siêu thị, biển hiệu giảm giá bia Tết xuất hiện ngày càng nhiều, như mua 5 lon tặng 1 lon, một thùng tặng 5 lon hoặc giảm giá từ 5%-10%... nhưng vẫn khó thu hút khách hàng.
Nguyên nhân là do thời điểm này nhiều người vẫn chưa nhận được lương - thưởng Tết, đặc biệt nhu cầu sử dụng bia Tết cũng giảm đáng kể do quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe. Tuy vậy, người bán ở đường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) mời chào khách "bia Tết nên mua luôn thời điểm này, nếu không gần Tết, nhu cầu cao sẽ đẩy giá tăng" (?!).
Chị Thảo Anh, chủ cửa hàng tạp hóa ở phố Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay chỉ nhập bia Tết số lượng ít, khoảng 50 chục thùng của một số thương hiệu bán chạy. "Hiện, khách nào mua nhiều chỉ mua 1 thùng hoặc chỉ mua vài lon nên tôi không dám trữ hàng nhiều. Về giá thì tôi giảm trực tiếp vào sản phẩm để cạnh tranh với siêu thị" - chị nói.
Về giá cả, theo ghi nhận, giá bia Tết năm nay không có nhiều biến động, bình quân từ 300.000-450.000 đồng/thùng bia 24 lon/tùy thương hiệu. Một số hãng có tăng giá so với năm 2024 nhưng không quá nhiều, chỉ từ 5.000-30.000 đồng/thùng để bù đắp một phần chi phí tăng.
Tại các cửa hàng tiện ích, giá bia Tết đang cao hơn so với siêu thị. Chẳng hạn, bia Heineken được bán với giá 446.000 đồng mỗi thùng, cao hơn siêu thị 15.000 đồng, trong khi bia Sài Gòn có giá 255.000 đồng mỗi thùng, cao hơn siêu thị 2.000 đồng. Tại các tiệm tạp hóa, giá bia còn cao hơn, như bia Tiger lên tới 336.000 đồng mỗi thùng và bia Heineken đạt 455.000 đồng, cao hơn giá siêu thị 26.000 đồng.
Chị Hậu, một chủ tiệm tạp hóa tại TP Thủ Đức, TP HCM, cho biết năm ngoái chị nhập hơn 50 thùng bia các loại nhưng trong dịp Tết chỉ bán được chưa tới 20 thùng. Năm nay chị chỉ dám nhập khoảng 10 thùng để bán Tết. "Tôi chỉ lấy ít bia để có đầy đủ mặt hàng, khách nào chịu giá này thì bán, còn không cũng không sao" - chị Hậu nói.
Phải có khuyến mại
Ngoài bia Tết, các mặt hàng nước ngọt cũng đang giảm giá từ 30.000 - 60.000 đồng/thùng. Tương tự, bánh kẹo các loại cũng giảm giá để thu hút người mua sắm Tết sớm, như bánh hộp Merry giảm 44.000 đồng/hộp 333 gr, bánh quy Oxford 420 gr giảm 30.000 đồng/hộp, bánh quy Cosy giảm 15.000 đồng/hộp 330 gr, bánh quy Danisa giảm 22.000 đồng/hộp, bánh quy Lu giảm 63.000 đồng còn 189.000 đồng/hộp 708 gr. Đặc biệt, giỏ quà Tết bày bán trong siêu thị đang giảm giá từ vài chục ngàn đồng cho đến hơn 100.000 đồng/giỏ tùy giá trị.
Đại diện một hệ thống siêu thị lớn cho biết sức mua các mặt hàng bánh kẹo đang tăng tốt so với tuần trước. Tuy nhiên, được mua nhiều nhất là các loại bánh kẹo, mứt dạng xá (bán cân ký). Để thúc đẩy sức mua, nhiều nhãn hàng đã phối hợp với nhà bán lẻ giảm giá đến 15%-30%. Trong đó, một số thương hiệu lớn ngành bánh như Mondelez Kinh Đô, Orion, Bibica… đã đồng ý tham gia cuộc đua giảm giá. Chẳng hạn, Mondelez Kinh Đô giảm đến 30.000 đồng cho bánh quy truyền thống (còn 241.000 đồng/hộp), bánh quy Cosy giảm từ 170.000 đồng còn 165.000 đồng/hộp…
Đại diện Saigon Co.op cho biết năm nay người tiêu dùng có xu hướng mua sắm Tết sớm hơn, đặc biệt là các sản phẩm có hạn sử dụng dài như đồ khô, bánh kẹo và các loại hạt. Để đáp ứng nhu cầu này, nhà phân phối đã triển khai các chương trình khuyến mại sớm, phù hợp với từng giai đoạn mua sắm, nhằm giúp khách hàng cảm thấy mua sắm có lợi nhất. Đồng thời, cách làm này còn góp phần tránh tình trạng quá tải vào những ngày cận Tết.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM, cho biết hầu hết DN bánh kẹo, trứng thịt, gạo... chuẩn bị lượng hàng Tết tăng 10% - 15% so với cùng kỳ năm trước. Dự đoán thị trường sẽ khó đột phá nên từ đầu, nhiều DN chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ ổn định giá, riêng DN kinh doanh hàng tươi sống như thịt, trứng... trong chương trình bình ổn thị trường của TP HCM còn giảm giá sâu vào 2 ngày cận Tết để hỗ trợ người tiêu dùng.
Khó loại trừ khả năng nâng giá lên để khuyến mại Trước sự "lên ngôi" của hàng khuyến mại và thói quen chọn mua hàng giảm giá của người tiêu dùng, một số chuyên gia bán lẻ lo ngại sẽ dẫn đến phản ứng ngược, DN có thể nâng giá cao hơn giá thực rồi áp dụng khuyến mại để bán hàng. Cuối cùng, người tiêu dùng tưởng mua được hàng giá rẻ nhưng lại mua đúng giá thực. "Mới đây, hàng loạt nhà cung cấp đã đề nghị tăng giá 3%-5%, thậm chí 10% cũng là một biểu hiện của việc tăng giá để bù đắp chi phí, trong đó có chi phí khuyến mại" - một chuyên gia bán lẻ phân tích. |
Theo Thanh Nhân - Nguyễn Hải/NLĐO
https://nld.com.vn/banh-keo-bia-kho-tranh-mot-mua-tet-am-dam-196250107205357233.htm