Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục tách khâu biên soạn nội dung với in ấn, phát hành sách giáo khoa.
Chiều 28/2, tại cuộc họp với các đơn vị khối giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo theo sát quá trình sơ kết năm năm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP.
Về thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, ông Đam nêu rõ, Bộ Giáo dục chỉ đạo tập trung biên soạn một bộ sách giáo khoa chính thống theo đúng nghị quyết Quốc hội giao. Khâu biên soạn nội dung phải tách bạch với in ấn, phát hành.
Phó Thủ tướng lưu ý, bên cạnh nội dung kiến thức trong chương trình, sách giáo khoa mới phải có nội dung dạy đạo đức, làm người cho học sinh từ lời ăn, tiếng nói, câu chào đến hát quốc qua, tập thể dục, giữ vệ sinh chung...
Trong quá trình chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia, Bộ Giáo dục cần chuẩn bị đề thi mẫu tốt, đặt hàng chuyên gia về mọi tình huống có thể xảy ra. "Từ kinh nghiệm của các trường nghề, các trường đại học cần tiến tới phương án tuyển sinh nhiều lần trong năm", ông Đam nói.
Bộ Giáo dục được giao dự báo nhu cầu giáo viên trong những năm tới, kết hợp với thống kê sinh viên các địa phương đang học sư phạm để "giải quyết căn bản câu chuyện biên chế giáo viên".
"Tới đây, không chỉ học liệu, bài giảng điện tử mà toàn bộ nội dung các chương trình, hoạt động giáo dục tại trường học cần đưa lên Hệ tri thức Việt số hoá để cộng đồng cùng khai thác, sử dụng, giám sát", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Tại cuộc họp, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Nguyễn Thanh Long cho rằng, Bộ Giáo dục cần đẩy nhanh tiến độ biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới, bởi ông "lo về chương trình một thì lo về sách giáo khoa gấp mười".
Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị phải kiểm tra chặt chẽ quy trình biên soạn các bộ sách giáo khoa theo chương trình mới. Bên cạnh đó, cần có cuộc cách mạng về phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thì mới triển khai hiệu quả chương trình, sách giáo khoa mới.
Theo Viết Tuân/VnExpress