UBND TPHCM vừa đồng ý thông qua đề án "Chương trình sữa học đường", theo đó, chương trình được triển khai thực hiện trong năm học 2018 - 2019. Làm thế nào để đề án này triển khai đạt hiệu quả và tránh được thất thoát, lãng phí là bài toán khó.
Chương trình sữa học đường cần công khai, minh bạch.
Nhà nước, phụ huynh và doanh nghiệp cùng đóng góp
Theo đề án, tổng kinh phí dự toán gần 836,6 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 260 tỉ đồng, cha mẹ học sinh đóng góp hơn 400 tỉ đồng và doanh nghiệp cung cấp sữa đóng góp hơn 175 tỉ đồng.
Đơn giá một hộp sữa dung tích 180ml được tạm tính là 7.018 đồng/hộp với hai loại sữa tươi tiệt trùng không đường hoặc có đường. Đơn vị cung cấp sữa sẽ được lựa chọn theo hình thức đấu thầu công khai.
Thời gian thụ hưởng là từ học kỳ 2 năm học 2018-2019 với trẻ em mẫu giáo và học sinh lớp 1 trên địa bàn 10 quận huyện gồm: 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh. Năm 2019-2020 triển khai cả năm học đối với trẻ em mẫu giáo, học sinh lớp 1 toàn thành phố.
UBND TPHCM đặt mục tiêu 90% trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học các trường tham gia đề án được uống sữa theo "Chương trình sữa học đường".
Đấu thầu công khai, minh bạch và có sự giám sát chặt
Nhiều người đề xuất, khi triển khai chương trình “Sữa học đường” cần có sự giám sát chặt, tránh xảy ra thất thoát và tiêu cực.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, việc khảo sát để triển khai đề án được Sở thực hiện kỹ lưỡng với sự phối hợp của của các sở, ngành liên quan.
"Ngành giáo dục đã tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh về đề án này. Trong đó, phát ra hơn 260.000 phiếu, thu về hơn 230.000 phiếu, nhận được 84% sự đồng thuận cho trẻ uống sữa tại trường."- lãnh đạo Sở GDĐT TPHCM nói.
Ông Tăng Hữu Phong - đại biểu HĐND TPHCM cho rằng bản thân ông đồng thuận với mục tiêu của đề án, vì đề án sữa học đường mang đậm tính nhân văn, cần thiết để nâng cao tầm vóc trẻ em.
"Để đề án hoàn thành thì cần có sự tính toán cụ thể với những điều kiện thực thi hiệu quả. Tránh gây gánh nặng, ảnh hưởng đến một bộ phận phụ huynh có kinh tế khó khăn. Đồng thời, khi triển khai đề án cũng cần chú ý đến nhu cầu về dưỡng chất của từng học sinh, từng nhóm tuổi là khác nhau" - ông Phong nói.
Chia sẻ với PV Báo Lao Động, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên gia giáo dục cho rằng, cách thức thực hiện đề án mới là điều quan trọng.
“Cần làm rõ và minh bạch mọi khoản chi tiêu qua từng giai đoạn của đề án cho phụ huynh rõ. Đảm bảo tất cả những khoản đóng góp của phụ huynh và doanh nghiệp đều được công khai và rõ ràng. Tránh lợi dụng đề án này, để làm lợi riêng cho một nhóm người nào đó" - ông Hùng nói.
Được biết, hiện UBND TPHCM rất quan tâm đến đề án "Sữa học đường" và đã thành lập Ban chỉ đạo của đề án với sự tham gia của các sở, ngành liên quan. UBND TPHCM quán triệt các thành viên Ban chỉ đạo, cần triển khai đề án với tính giám sát chặt chẽ, minh bạch và công khai.
Theo Huân Cao/Lao động