Khi không biết thế nào là phạm luật, độ tuổi nào phải chịu trách nhiệm hình sự, nhiều em “hồn nhiên” phạm lỗi...
Không hiểu luật, thiếu kỹ năng, kiến thức là hai nguyên nhân chính đã và đang dẫn tới tình trạng nhiều học sinh đứng trước nguy cơ bị bạo lực học đường, xâm hại tình dục trong giai đoạn hiện nay. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ phạm tội ở trẻ vị thành niên. Khi không biết thế nào làm phạm luật, độ tuổi nào phải chịu trách nhiệm hình sự, nhiều em “hồn nhiên” phạm lỗi, không hiểu rằng hành vi đó có thể sẽ hủy hoại tương lai của mình.
Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2018, cả nước xảy ra trên 1.500 vụ xâm hại trẻ em. Trong đó có hơn 1.200 vụ án xâm hại tình dục, chiếm tới 82% với trên 1.100 trẻ em bi xâm hại. Giao cấu, hiếp dâm, dâm ô, bạo hành là 4 hành vi phạm tội xảy ra nhiều nhất. Cũng trong năm qua, có hơn 2.000 vụ bạo lực học đường xảy ra. Đây là con số ám ảnh nhiều người.
Bạo lực học đường do học sinh đánh nhau đang có xu hướng gia tăng (Ảnh: minh họa- Infonet)
Sự xuất hiện và phát triển tràn lan, khó kiểm soát của mạng xã hội đang làm cho tình trạng bạo lực học đường, bạo hành biến tướng phức tạp. Bị dồn vào đường cùng, không chịu được áp lực tinh thần, nhiều học sinh là nạn nhân trong các vụ bạo lực học đường, xâm hại tình dục rơi vào trạng thái trầm cảm, rối loạn tâm thần, thậm chí tìm đến cái chết. Không ít học sinh cho rằng, việc hơn phân nửa số vụ bạo lực xảy ra trong trường học khiến các em cảm thấy lo sợ, bất an.
Một học sinh tâm sự: “Khi đọc những tin tức như vậy, em thấy rất sợ và luôn suy nghĩ rằng có thể những chuyện như vậy sẽ xảy ra với mình”.
Một học sinh khác chia sẻ: “Em cảm thấy rất tội nghiệp cho những bạn trong clip đó vì các bạn không dám đứng lên bảo vệ chính mình, chỉ biết chịu đựng thôi”.
“Em cũng thấy rất thương các bạn và đặt câu hỏi mình sẽ làm thế nào nếu trong trường hợp đó”, một học sinh khác nói.
Tại chương trình tư vấn pháp luật cho học sinh trung học phổ thông tại TP HCM mới đây, bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bao lực học đường nhưng phổ biến nhất vẫn là sự hạn chế trong nhận thức về pháp luật, về quyền trẻ em ở học sinh và cả cộng đồng. Điều này thể hiện rõ khi tại chương trình rất nhiều học sinh không hình dung được thế nào là xâm hại và bị xâm hại, khi nào gọi là bạo lực học đường và đâu là cách để các em bảo vệ bản thân…
Theo ông Nguyễn Văn Tính, Phó trưởng phòng Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP HCM, có một thực tế đáng buồn là mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về 2 vấn đề nổi cộm là xâm hại tình dục trẻ em và bạo lực học đường thời gian qua được tổ chức rộng khắp, thường xuyên nhưng kết quả thu về không như mong đợi.
Lý do chính nằm ở chỗ đa phần các đơn vị tập trung vào số lượng chứ không tuyên truyền sâu dẫn đến sự mơ hồ trong nhận thức pháp luật và yếu kém trong kỹ năng phòng vệ của phần lớn học sinh. Thiếu thông tin, chưa được hướng dẫn cặn kẽ, nhiều học sinh vô tình trở thành tội phạm hoặc tòng phạm trong các vụ án hình sự vài năm trở lại đây. Điều đau lòng là ngay cả khi đứng trước tòa, nhiều em vẫn chưa hiểu tại sao mình bị kết tội.
Ông Nguyễn Văn Tính trăn trở: “Trong Bộ luật Hình sự quy định người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Còn đủ 16 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự với mọi tội. Tuy nhiên, khi chúng tôi đi xuống tư vấn tại các trường trung học phổ thông thì nhận thấy hiện nay nhiều học sinh vẫn cho rằng khi các em 18 tuổi vi phạm hình sự mới bị ở tù. Và không ít phụ huynh cũng nghĩ thế nên ảnh hưởng rất lớn cho việc này. Điều này khiến không ít học sinh vi phạm mà chẳng hề hay biết”.
Trong khi đó, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM cho rằng, bên cạnh việc xem xét nâng cao các mức xử phạt hình sự thì công tác tư vấn pháp luật, tuyên truyền cần thực tế hơn thay vì cứ chung chung như thời gian qua.
“Nhà trường cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh. Các trường cũng phải có cách bảo vệ học sinh tốt hơn và hướng dẫn các em thêm nhiều kỹ năng sống, bình đẳng giới… Học sinh cần có kỹ năng, phương pháp để tự bảo vệ mình và biết sống lành mạnh, không để bạn bè rủ rê, lôi kéo”, Luật sư Ngọc Nữ nói.
Theo nhiều chuyên gia tâm lý, cùng với sự hỗ trợ, tư vấn, định hướng từ nhà trường và gia đình, mỗi học sinh phải tự bổ sung kiến thức pháp luật, trang bị kỹ năng để hạn chế những rủi ro cho bản thân. Khi hiểu rõ luật và quyền trẻ em, khi được trang bị đầy đủ kỹ năng phòng vệ và xử lý tình huống, mỗi học sinh sẽ biết cách bảo vệ mình trước những hành vi bạo lực, xâm hại luôn rình rập ngoài xã hội./.
Theo Mỹ Dung/VOV