Muốn nâng cao chất lượng đội ngũ giáo sư, trước hết phải “nâng chuẩn” hội đồng giáo sư. Không thể có chuyện giáo sư “dỏm”, không đạt chuẩn quốc tế ngồi chấm ứng viên giáo sư đạt chuẩn quốc tế.
Trong năm 2019 sẽ siết chặt việc bầu chọn thành viên hội đồng giáo sư ngành, liên ngành. (Ảnh minh họa).
Đây là ý kiến của các chuyên gia về thông tin Thường trực Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công bố mục tiêu trong năm 2019 sẽ nhanh chóng kiện toàn tổ chức, bộ máy của hội đồng Giáo sư cơ sở, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo sư trong tương lai.
Bầu chọn thành viên Hội đồng giáo sư qua online
Trong năm 2018, dư luận từng có nhiều tranh cãi quanh chuyện số lượng người được công nhận đạt chuẩn giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) bỗng tăng đột biến (hơn 60%) so với các năm trước. Kéo theo đó là những lo ngại về chất lượng đội ngũ GS - những người vẫn được ví là giới tinh hoa của đất nước.
Đầu năm 2019, để khắc phục những bất cập, tồn tại trong công tác xét chọn, công nhận chức danh GS, Thường trực Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã họp phiên thứ nhất và đưa ra giải pháp: Cần áp dụng phần mềm bầu chọn thành viên online của các Hội đồng GS ngành, liên ngành.
Việc này cần được thực hiện công khai, minh bạch, để chọn được những người uy tín nhất, đủ phẩm chất và năng lực ngồi vào ghế hội đồng, chấm và xét chọn các ứng cử viên GS trong tương lai.
Theo GS-TS khoa học Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, việc Thường trực Hội đồng Giáo sư Nhà nước đưa ra hướng nâng cao chất lượng hội đồng GS các cấp là hết sức cần thiết. Đây là việc cần làm ngay, bởi chất lượng hội đồng GS quyết định đội ngũ GS.
GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
“Những người được bầu vào hội đồng giáo sư ngành, liên ngành cần phải là người có uy tín trong giới khoa học, có nhiều công trình, bài báo được công bố quốc tế. Tức là phải đạt chuẩn quốc tế, chứ không thể có chuyện người không có công bố quốc tế, không có công trình khoa học nào cũng được phong GS hay bầu chọn vào ghế hội đồng”- GS Phạm Tất Dong chia sẻ.
Theo ông, chỉ khi những người ngồi trong hội đồng chức danh GS ngành, liên ngành, hội đồng nhà nước “đạt chuẩn” thì mới khiến người khác “tâm phục khẩu phục”.
PGS lại xem xét, thẩm định ứng viên GS
Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Châu - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, ở Việt Nam thời gian qua có một loạt hiện tượng nghịch lý về việc công nhận đạt chuẩn chức danh PGS, GS.
Chẳng hạn, nhiều PGS, GS nhưng ít sản phẩm khoa học. Ở các nước, mỗi năm PGS, GS thường có trung bình 10 công bố/sáng chế thì ở Việt Nam không phải GS nào cũng có công bố trên các tạp chí khoa học uy tín, chưa nói đến các sáng chế khoa học ứng dụng vào thực tế.
Từng ngồi trong ghế hội đồng chức danh, GS Phạm Tất Dong nêu thêm một nghịch lý khác trong việc xét công nhận chức danh GS hiện nay: Có GS không đạt chuẩn quốc tế, không có kinh nghiệm nghiên cứu và công bố quốc tế lại đi thẩm định cho ứng viên đạt chuẩn quốc tế. Điều này chẳng khác GS “dỏm” ngồi chấm ứng viên GS thật.
“Một quy định hết sức ngược đời vẫn đang tồn tại từ nhiều năm nay là ở hội đồng chức danh GS liên ngành có cả thành viên PGS lại được xem xét, thẩm định ứng viên GS. Rồi GS ngành xã hội học chấm ngành tâm lý, người có chuyên môn kinh tế lại chấm xã hội học… Ngành này chấm cho ngành kia, thử hỏi có chính xác được không?"- GS Phạm Tất Dong băn khoăn.
Bên cạnh việc cải tiến bộ máy hội đồng GS theo hướng bầu chọn online, GS Dong cho rằng cần khắc phục ngay việc để người của ngành nọ chấm cho ngành kia. Việc này còn tồn tại sẽ dễ bỏ sót người tài, trong khi lại để lọt người chưa xứng đáng.
Theo Bích Hà/Lao động