Chỉ còn một ngày nữa, nhiều loại tài khoản liên quan đến ngân hàng nếu chưa được xác thực sẽ bị ngừng dịch vụ.
Tài khoản ngân hàng, ví điện tử, chứng khoán... đều phải xác thực
Kể từ ngày mai (1.1.2025), những tài khoản ngân hàng, ví điện tử và chứng khoán nếu chưa được xác thực sinh trắc học (xác thực bằng khuôn mặt) sẽ bị ngừng giao dịch online. Có nghĩa là nếu khách hàng chuyển khoản qua các ứng dụng (app) ngân hàng điện tử trên điện thoại di động với số tiền bất kỳ cũng bắt buộc phải sử dụng xác thực khuôn mặt. Bên cạnh đó, nếu khách hàng chưa xác thực sinh trắc học cũng sẽ không thể liên kết, giao dịch thanh toán trực tuyến từ ví điện tử với tài khoản ngân hàng; không thể nộp, rút tiền giữa ví điện tử và tài khoản ngân hàng; không thể thực hiện thanh toán chạm qua các ví như Apple Pay, Samsung Pay, Google Pay, Garmin Pay…
Tương tự, đối với thẻ tín dụng, nếu chưa xác thực sinh trắc học thì khách hàng sẽ bị ngừng giao dịch thanh toán thẻ trực tuyến, giao dịch rút tiền bằng mã QR tại các máy ATM và các giao dịch thẻ bằng phương thức điện tử khác. Riêng việc khách hàng sử dụng thẻ vật lý để rút tiền tại máy ATM và giao dịch tại máy POS vẫn được chấp nhận.
Nếu không xác thực sinh trắc học, từ ngày 1.1.2025 khách hàng sẽ không thể chuyển tiền online ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Việc xác thực sinh trắc học cũng được áp dụng đồng loạt cho các ví điện tử. Trước đó, các ví có nhiều người sử dụng như MoMo, Payoo, Zalopay… đã nhắc khách hàng thực hiện xác thực sinh trắc học. Mới nhất, MoMo đã hợp tác Bộ Công an giúp người dùng xác thực sinh trắc học ngay trên ứng dụng VNeID mà không cần căn cước công dân gắn chip hay điện thoại có NFC. MoMo là ứng dụng tài chính đầu tiên Bộ Công an hợp tác, triển khai xác thực điện tử qua kết nối với ứng dụng VNeID. Đại diện Zalopay cũng cho biết từ ngày 1.1.2025, khách hàng nếu chưa thực hiện xác thực sinh trắc học vẫn có thể dễ dàng tự cập nhật trên điện thoại theo các hướng dẫn chi tiết trong ứng dụng. Đồng thời, để nâng cao trải nghiệm và hỗ trợ người dùng, Zalopay sẽ sớm tích hợp phương thức xác thực qua VNeID.
Tương tự, khách hàng của 3 nhà mạng Viettel, VNPT VinaPhone và MobiFone đang có tài khoản Mobile Money cũng phải xác thực sinh trắc học. Viettel thông tin đến khách hàng nếu không thực hiện sẽ không thể thanh toán cước viễn thông, mua data, SIM số, internet... qua tài khoản ngân hàng và các ví điện tử; không được hưởng các chiết khấu hấp dẫn trên My Viettel và bị gián đoạn dịch vụ thanh toán tự động định kỳ.
Trước đó, quy định xác thực sinh trắc học cũng áp dụng đối với tài khoản chứng khoán kể từ ngày 1.10. Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á, dù công ty đã gửi email nhắc đến từng khách hàng nhưng hiện tại vẫn còn nhiều tài khoản chưa thực hiện, chủ yếu là những tài khoản không sử dụng nhưng vẫn còn số dư cổ phiếu. Theo quy định, bước sang năm mới 2025, các tài khoản chưa xác thực sẽ không thể giao dịch online. Khách hàng phải hoàn thành xác thực xong thì dịch vụ online sẽ mở trở lại. Ông Tuấn nhấn mạnh: Hiện nay việc xác thực sinh trắc học được cập nhật ngay trên app giao dịch chứng khoán cũng như ngân hàng và khách hàng có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Trường hợp khách hàng không thể cập nhật được thì liên hệ với công ty để được hỗ trợ ngay.
Việc xác thực tài khoản mạng xã hội giúp giảm thiểu tình trạng tài khoản ẩn danh, hạn chế việc tung tin giả, thông tin xấu độc, đồng thời tăng cường trách nhiệm pháp lý của người dùng. Đồng thời, quy định này góp phần quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh trực tuyến, đặc biệt là các hoạt động livestream bán hàng, đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu |
Xác thực tài khoản mạng xã hội
Không chỉ các tài khoản ngân hàng, ví điện tử… bắt buộc phải xác thực sinh trắc học, cả tài khoản mạng xã hội cũng phải xác thực. Theo Nghị định 147/2024 của Chính phủ, kể từ ngày 25.12.2024, những tài khoản đã được xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Trường hợp người dùng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân. Đồng thời trong thời gian 90 ngày kể từ ngày 25.12, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đang cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới tại VN cũng như đơn vị đang cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước phải thực hiện yêu cầu xác thực tài khoản đang hoạt động theo quy định. Cụ thể, người dùng phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại tại VN hoặc số định danh cá nhân (quy định trước đây người dùng mạng xã hội có thể lựa chọn xác thực bằng địa chỉ email hoặc số điện thoại khi đăng ký hoặc thay đổi thông tin). Ngoài ra, quy định nhấn mạnh chỉ áp dụng với dịch vụ có lượng truy cập lớn trên 100.000 mỗi tháng hoặc có sử dụng dịch vụ lưu trữ dữ liệu tại VN.
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu nhận định việc xác thực tài khoản mạng xã hội giúp giảm thiểu tình trạng tài khoản ẩn danh, hạn chế việc tung tin giả, thông tin xấu độc, đồng thời tăng cường trách nhiệm pháp lý của người dùng. Đồng thời, quy định này góp phần quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh trực tuyến, đặc biệt là các hoạt động livestream bán hàng, đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Từ đó tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm của người dùng trên mạng xã hội; hạn chế các hành vi lừa đảo, phát tán thông tin sai lệch cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Tuy nhiên điểm yếu là có thể gây phiền hà cho người dùng trong quá trình xác thực. Đồng thời, có nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân nếu quy trình bảo mật không được đảm bảo bởi các nền tảng online.
Đặc biệt, ông Ngô Minh Hiếu nhấn mạnh, tương tự như việc xác thực sinh trắc học tài khoản ngân hàng, quy định sẽ giúp làm giảm khả năng lừa đảo do chiếm đoạt thông tin. So với các phương pháp xác thực truyền thống (mật khẩu, OTP), sinh trắc học khó bị giả mạo hơn và gắn liền với danh tính thật của người dùng. Bên cạnh đó, việc xác thực sinh trắc học còn giúp ngăn ngừa lừa đảo. Tuy nhiên, vẫn có thể tồn tại các lỗ hổng tiềm ẩn mà đối tượng tội phạm có thể lợi dụng. Thực tế, nhiều nạn nhân của các vụ lừa đảo đã chủ động chuyển tiền dựa trên thông tin sai lệch họ nhận được mà không qua xác minh. Trường hợp này sinh trắc khuôn mặt không có tác dụng.
Hay trường hợp điện thoại nhiễm mã độc, kẻ xấu có thể điều khiển từ xa và thu lại video các thao tác trên máy cũng như hình ảnh, video khuôn mặt nạn nhân và sau đó dùng để thực hiện hành vi rút tiền từ tài khoản của nạn nhân bằng chính khuôn mặt của họ... Vì vậy, quan trọng nhất là người dân phải nâng cao cảnh giác để tránh bị kẻ gian lợi dụng lừa đảo.
Giấy tờ tùy thân hết hạn không sử dụng được tài khoản, thẻ ngân hàng, ví điện tử Theo quy định, kể từ ngày 1.1.2025, khách hàng sẽ không thể sử dụng được tài khoản ngân hàng, thẻ thanh toán, thẻ ghi nợ và ví điện tử nếu giấy tờ tùy thân, giấy xác nhận cư trú hết hạn hoặc chưa cập nhật chứng minh nhân dân, căn cước công dân không gắn chip thành căn cước công dân gắn chip. Tất cả các loại tài khoản, thẻ ngân hàng đều bị ngừng giao dịch gồm giao dịch online, ATM và giao dịch tại quầy. Khi đó khách hàng bắt buộc phải đến ngân hàng để cập nhật thì các giao dịch mới được mở lại. |
Theo Mai Phương/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/tai-khoan-bi-ngung-dich-vu-neu-chua-xac-thuc-sinh-trac-hoc-185241230212237233.htm