Mức phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ được nâng cao nhất đến 20 triệu đồng. Nhiều người băn khoăn trường hợp đèn 'bất thình lình chuyển màu' thì tài xế có được miễn trừ, làm gì để chứng minh?
Kể từ hôm nay 1.1, Nghị định 168/2024 chính thức có hiệu lực thi hành, quy định việc nâng mức phạt tiền hàng loạt hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong số này có lỗi vượt đèn đỏ.
Theo đó, đối với ô tô, hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt 18 - 20 triệu đồng (mức phạt trước đây theo Nghị định 100/2019 là 4 - 6 triệu đồng) và bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe.
Đối với xe máy, hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt 4 - 6 triệu đồng (mức phạt trước đây theo Nghị định 100/2019 là 800.000 đồng - 1 triệu đồng) và bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe.
Một tình huống đèn tín hiệu giao thông có đèn đỏ và đèn xanh cùng phát sáng. ẢNH: T.N
Mức phạt tiền theo nghị định mới cao hơn nghị định cũ rất nhiều. Điều này một mặt tạo sự răn đe, từ đó nâng cao ý thức người tham gia giao thông, mặt khác cũng khiến một số người còn băn khoăn.
Băn khoăn là bởi thời gian qua xảy ra các tình huống đèn giao thông bị lỗi: đếm hết giây mà đèn đỏ vẫn không chuyển màu, "bất thình lình" chuyển màu từ xanh sang đỏ (hoặc vàng), đèn đỏ hiển thị 999 giây…
Dù chỉ là thiểu số, nhưng câu chuyện trên đang nhận được rất nhiều sự quan tâm. Nếu rơi vào tình huống như vậy, tài xế có được miễn trừ hành vi không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, làm thế nào để chứng minh mình không có lỗi?
Đại diện Cục CSGT (C08, Bộ Công an) cho biết, phần lớn nút giao thông hiện nay đã được trang bị hệ thống camera giám sát. Cạnh đó, nếu cho rằng bị lập biên bản xử phạt không thỏa đáng, người dân có quyền khiếu nại, thậm chí khởi kiện ra tòa án hành chính. Nhận được khiếu nại, lực lượng CSGT chắc chắn sẽ có sự đối chiếu, xem xét các yếu tố liên quan.
Riêng với tín hiệu đèn vàng, tài xế phải dừng trước vạch khi đèn chuyển tới pha màu vàng. "Trường hợp đã đi qua vạch dừng thì vẫn được phép đi tiếp", đại diện C08 thông tin.
Cũng có thắc mắc rằng, tài xế vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên hoặc xe cấp cứu thì có bị phạt hay không? Đại diện C08 khẳng định là không. Bởi lẽ, luật Xử lý vi phạm hành chính quy định không xử phạt đối với trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết.
Không có lỗi thì không nên xử phạt
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Kết nối, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, nói ông cũng như nhiều người thấy mức phạt tiền tại nghị định mới là khá cao. Tuy vậy, nghị định đã ban hành và có hiệu lực, do đó người dân có trách nhiệm tuân thủ, chấp hành.
Trước lo ngại về tình huống đèn tín hiệu giao thông bị lỗi, luật sư Hùng bày tỏ đồng tình với giải thích của đại diện C08. Bởi lẽ, trường hợp này người tham gia giao thông không có lỗi, nguyên nhân là do hệ thống đèn tín hiệu trục trặc. "Không có lỗi thì không thể quy trách nhiệm và xử phạt tài xế được", luật sư nói.
Vẫn theo luật sư, điều 3 luật Xử lý vi phạm hành chính nêu rõ: người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính; cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
Như vậy, nếu xử phạt hành vi vượt đèn đỏ, cơ quan chức năng có trách nhiệm chứng minh lỗi của người vi phạm. Về phía người vi phạm, nếu cho rằng mình không có lỗi (đèn tín hiệu giao thông trục trặc chẳng hạn) thì có thể chứng minh bằng hình ảnh, video, dữ liệu trích xuất từ camera hành trình, hoặc đề nghị CSGT đối chiếu, kiểm tra dữ liệu hệ thống camera giám sát…
Để đảm bảo tính khách quan, luật sư Hùng kiến nghị các đơn vị chức năng cần phối hợp, rà soát, khắc phục những bất cập về hạ tầng giao thông (chất lượng các tuyến đường, biển báo, vạch kẻ đường, đèn tín hiệu...), để người dân "yên tâm chấp hành".
"Bỏ đếm giây đèn tín hiệu" chỉ là thí điểm ở diện hẹp Cũng liên quan đến hành vi vượt đèn đỏ, đang xuất hiện thông tin về việc "bỏ đếm giây đèn tín hiệu giao thông". Đại diện C08 cho hay, đây chỉ là đề xuất và thí điểm ở diện hẹp, với một vài nút giao tại TP.HCM. Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ 1.1.2025) quy định đèn giao thông có 3 màu vàng, xanh và đỏ; đồng thời đèn tín hiệu vẫn có loại có đồng hồ đếm giây. |
Theo Tuyến Phan/Thanh niên
https://thanhnien.vn/vuot-den-do-phat-20-trieu-den-bat-thinh-linh-chuyen-mau-thi-xu-ly-the-nao-185250101031509319.htm