Đổi mới thành công hay không bắt đầu từ đội ngũ giáo viên. Nhưng chỉ đội ngũ giáo viên bắt nhịp đổi mới thôi là chưa đủ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú. Ảnh: HUYÊN NGUYỄN
Hiệu trưởng, cán bộ quản lý cấp phòng, cấp sở, cấp bộ phải thay đổi, kịp thời nắm bắt những vấn đề từ thực tiễn để có những chỉ đạo, điều hành sao cho phù hợp, sát với mong muốn của giáo viên, cơ sở giáo dục. “Chúng ta cùng thay đổi” - đó là thông điệp được Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh trong các chuyến công tác, các hội nghị tổng kết cuối năm 2018.
Giáo viên còn ngại đổi mới
Cuối năm 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác đã tham dự nhiều cuộc hội thảo, toạ đàm về áp lực giáo viên hiện nay, tổ chức nhiều hoạt động lắng nghe những khó khăn, trăn trở của giáo viên các tỉnh thành.
Trăn trở về những khó khăn trong đổi mới, ông Bùi Văn Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Văn Yên, Yên Bái) - bày tỏ nhiều đơn vị lo ngại phải đối mặt khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới về đội ngũ, kinh phí, cơ sở vật chất, thay đổi tư duy giáo dục… Trong đó, khó khăn lớn nhất là đội ngũ có thể đáp ứng được yêu cầu về đổi mới, khi một bộ phận giáo viên còn hạn chế về năng lực, ngại đổi mới và tư duy khi đổi mới sẽ kéo theo vấn đề liên quan đến đội ngũ như thừa thiếu cục bộ hay thay đổi về cơ cấu.
Chia sẻ với bộ trưởng về gánh nặng sổ sách gây áp lực với giáo viên, cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt - giáo viên dạy tiếng Anh, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Văn Yên, Yên Bái mong muốn, bộ trưởng “hãy có cách” để giáo viên không còn phải tốn nhiều thời gian cho sổ sách mà dành thời gian đó cho hoạt động chuyên môn.
Là người có 16 năm gắn bó với nghiệp giáo viên mầm non, cô giáo Nguyễn Tuấn Anh - giáo viên Trường Mầm non Hương Sen, TP.Yên Bái - trăn trở quy định về sáng kiến kinh nghiệm là một trong những điều kiện bắt buộc để giáo viên mầm non thi giáo viên giỏi các cấp. Trong khi đó, thi giáo viên giỏi đối với giáo viên mầm non luôn có phần làm đồ dùng, đồ chơi nên hai nội dung này đã trùng lắp nhau. Vì vậy, cô mong bộ và các cấp có thẩm quyền điều chỉnh.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nhạ cho hay, thời gian qua, Bộ GDĐT đã rà soát, cắt giảm nhiều nội dung mang tính chất hành chính nhằm giảm bớt áp lực sổ sách, giấy tờ cho giáo viên. Tuy nhiên, qua thực tế, vẫn còn nhiều thủ tục có thể giảm bớt được, vì vậy, thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục rà soát và kiên quyết cắt giảm những thủ tục không cần thiết. “Quan điểm của bộ, thi đua là tốt nhưng thi đua phải tạo động lực cho các thầy cô chứ không phải thi đua là gánh nặng” - Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
“Chúng ta cùng thay đổi”
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết gần đây, dư luận bàn nhiều về áp lực của giáo viên và ông cũng rất trăn trở về việc này. Phần lớn thầy cô đều tâm huyết, yêu nghề nhưng trước tiên họ cũng phải có công việc, thu nhập ổn định. Bộ trưởng cũng khẳng định không để người thầy cảm thấy cô đơn trước áp lực của nghề nghiệp. Tuy vậy, giáo viên cũng không thể vì áp lực mà đi ngược chuẩn mực.
Theo bộ trưởng, đổi mới thành công hay không bắt đầu từ đội ngũ giáo viên. Nhưng chỉ đội ngũ giáo viên bắt nhịp đổi mới thôi là chưa đủ, hiệu trưởng - những người có vai trò dẫn dắt các trường học, dẫn dắt giáo viên phải thay đổi để trở thành những nhà quản lý, quản trị trường học giỏi; cán bộ quản lý cấp phòng, cấp sở, cấp bộ phải thay đổi, kịp thời nắm bắt những vấn đề từ thực tiễn để có những chỉ đạo, điều hành sao cho phù hợp, sát với mong muốn của giáo viên, cơ sở giáo dục.
“Không chỉ thầy cô thay đổi, mà cả cán bộ quản lý thay đổi, các hiệu trưởng, thậm chí hệ thống quản lý giáo dục từ Bộ GDĐT cũng phải thay đổi. Tôi là người đứng đầu, chính tôi cũng đang phải thay đổi. Nếu thầy cô thay đổi mà các thầy hiệu trưởng, các cán bộ quản lý giáo dục ở phòng, sở, bộ không thay đổi đồng hành kịp thì sự nghiệp đổi mới của chúng ta rất khó khăn” - Bộ trưởng cho hay.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng chú trọng việc dạy người trong nhà trường. Trong bối cảnh hiện nay, học sinh có thể học chữ qua internet, học ở nhiều nơi nhưng giáo dục tình thương, tình yêu cho trẻ, rèn về đạo đức, lối sống, kính trên nhường dưới thì không có máy móc nào thay thế được thầy cô. Muốn vậy, các thầy cô phải là tấm gương. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc giáo viên phải thực hiện tốt tính dân chủ trong trường học, dám nói lên được những bất cập, tiêu cực trong hội đồng sư phạm và quản lý nhà trường. Ngay cả với học sinh, giáo viên cũng cần thay đổi phương pháp giáo dục theo hướng tăng tính dân chủ và sự tôn trọng đối với học sinh.
TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý học ứng dụng, Trưởng khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá cao việc nhiều giáo viên hiện nay đang nỗ lực thay đổi bản thân, chú tâm xây dựng những tiết học hạnh phúc. Giáo viên cần phải tạo ra một bầu không khí có giá trị trong lớp học để cho mọi người vui vẻ, hợp tác, yêu thương nhau nhiều hơn. Đây là điều không hề phải thay đổi nhiều vì khi học trên giảng đường, giáo viên đã học nghiệp vụ sư phạm, quan trọng nhất là đánh thức lại sự cảm nhận niềm hạnh phúc, niềm vui từ ánh mắt học trò, đốt lên, nuôi dưỡng tình yêu nghề. Mọi áp lực chỉ là khách quan, chủ động là chúng ta làm chủ hoàn toàn một tiết học tốt. Sáng tạo một tiết học theo ý mình, là động lực và chìa khoá cho sự thay đổi.
Cô giáo Lê Thị Nếp - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bắc Sơn (Hưng Hà, Thái Bình) là người đã nỗ lực thay đổi bản thân và tư duy giáo dục cũ. Từ nhỏ cô giáo Nếp đã bị “xơi đòn rất nhiều”, vẫn luôn nghĩ đó là hướng đi đúng nên đã mang cách giáo dục đó áp dụng với học sinh của mình. Vì thế có những tiết học của cô căng như dây đàn. Tự nhìn nhận và tìm chuyên gia để khắc phục điểm yếu của bản thân, cô Nếp kiên trì học thêm về kỹ năng sống, giá trị sống, biết hoá giải cơn tức giận, quan tâm tới suy nghĩ của học trò, xoá bỏ khoảng cách trước mặt học trò. “Tôi không đặt gánh nặng thành tích và đặt mọi ưu phiền ngoài cửa lớp. Trân trọng bước tiến của các em mỗi ngày dù là rất nhỏ. Tôi ấn tượng khi nghe học sinh nhận xét về mình là cô cười xinh hơn hay con không thích bị cô giáo phạt” - cô Nếp chia sẻ.
Thầy giáo Nguyễn Thanh An - môn Địa lý, Trường THPT Giao Thuỷ C (Giao Thuỷ, Nam Định) cũng đã và đang nỗ lực thay đổi mình sau 16 năm làm nghề. Những thay đổi ở đây không quá lớn lao nhưng hiệu quả đem lại thì vô cùng tích cực. Điều quan trọng là không phải giáo viên nào cũng nhận ra chính áp lực của bản thân và tìm ra cách giải toả. Sự thân thiện với học sinh, lắng nghe và chia sẻ với các em, không đặt nặng vấn đề thành tích sẽ giúp thầy cô gần gũi với học sinh hơn, tạo những tiết học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc.
Theo Huyên Nguyễn/Lao động