Với sự giúp đỡ của nhiều mạnh thường quân, em Trần Thế Phương, chàng trai nghèo giàu nghị lực trong bài viết “Cậu học trò thiếu cha, vắng mẹ đỗ ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng không có tiền nhập học” đã chính thức trở thành tân sinh viên của ngôi trường mà em mơ ước.
Bạn đọc báo Dân trí trợ giúp “cậu học trò thiếu cha, vắng mẹ” kịp nhập học
Cậu học trò thiếu cha, vắng mẹ đỗ ĐH Bách khoa HN nhưng không có tiền nhập học
Chiều ngày 21/8, anh Hưng, cậu ruột, người dẫn cháu Phương ra Hà Nội nhập học vui mừng thông tin: Với sự giúp đỡ, động viên của đông đảo các nhà hảo tâm trên khắp cả nước, sáng 21/8, hai cậu cháu đã có mặt tại Hà Nội để kịp nhập học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội theo giấy báo trúng tuyển.
Anh Hưng cho biết, tình cảm của mọi người dành cho người cháu ruột của mình khi có mặt tại Hà Nội là rất lớn.
“Khi cậu cháu có mặt tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì rất nhiều các bác, các anh chị gọi điện sẻ chia động viên trước đó đã có mặt tại cổng trường để đón và hỗ trợ Phương nhập học. Thậm chí vì quá thương Phương mà các anh chị còn giành nhau đóng học phí cho cháu. Em thực sự rất cảm động trước tình cảm của mọi người dành cho Phương” - anh Hưng thông tin.
Nhờ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, em Trần Thế Phương (áo kẻ) đã có mặt và làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Sau khi nhập học vào khoa Kỹ thuật điện, Phương đã được cán bộ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tận tình hướng dẫn, giúp đỡ nhận phòng tại kí túc xá của trường.
Việc trở thành tân sinh viên của Phương như một giấc mơ đối với em, bởi mới chỉ cách đó ít ngày Phương đã tính xếp lại giấy báo trúng tuyển để đi làm thuê vừa kiếm sống, vừa giúp bà ngoại già cả của mình.
Trong niềm vui mới, Phương không quên lời hứa với người bà thân thương, với thầy cô, bạn bè, đông đảo các mạnh thường quân đã sẻ chia với em là sẽ nỗ lực hết mình trong học tập.
Nhiều người đã tìm đến khu kí túc xá của Phương để động viên, giúp đỡ em
“So với nhiều bạn, cháu thật may mắn khi nhận được quá nhiều niềm yêu thương, sự sẻ chia của các bác, các cô chú, các anh chị trên khắp cả nước. Cháu xin hứa sẽ nỗ lực hết mình, cháu sẽ cố gắng vừa học vừa làm thêm để tu rèn bản thân, học tập thật tốt để không phụ tấm lòng của tất cả mọi người” - em Phương bày tỏ.
Trước đó, như Dân trí đã thông tin, em Trần Thế Phương (SN 2000, thôn Ngụ Quế, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) sinh ra không biết bố mình là ai. Mẹ em, người phụ nữ lỡ thì, sau khi sinh em được 18 tháng, đã bỏ em ở lại quê nhà ra Bắc làm thuê và lập gia đình ở Thái Nguyên, từ đó đến nay không về.
Phương lớn lên từ sự đùm bọc nuôi dạy của bà ngoại và người cậu ruột. Từ lớp 2 lớp 3, Phương đã phải phụ giúp cậu, bà chăn bò. Những năm kế tiếp, để có thể nuôi sống mình và bà ngoại, một buổi đến trường, buổi còn lại Phương vừa đi chăn bò cho gia đình cậu và đánh bắt cáy ven sông.
Để kịp giờ đến lớp học, khoảng 4h sáng em phải thức dậy để gom ống cáy đặt từ chiều hôm trước. Hôm nào được nhiều thì đủ để nuôi sống bà ngoại và em trong ngày, hôm nào không có cáy, thì hai bà cháu sống nhờ vào gia đình người cậu cũng cảnh nghèo khó, túng thiếu đủ bề.
Để có tiền ăn học, giúp bà ngoại già yếu hằng ngày Phương phải đi thả túm bắt lươn, bắt cáy
Cũng vì cuộc sống quá khó khăn nên nhìn vào góc học tập của em, ai cũng phải rơi nước mắt. Căn phòng nhỏ, nói đúng hơn là cái gác xép rộng chừng 6 mét vuông, nóng bức, chật chội, ở giữa được kê chiếc bàn nhựa, chiếc ghế ngồi học của em được làm bằng khuôn đóng gạch đã hỏng.
Khó khăn vất vả, thiếu thốn đủ bề, thế nhưng chưa bao giờ Phương nản chí trong việc học tập, càng ngày em học tập càng tiến bộ. Suốt 9 năm học cấp 1 và 2, em đều đạt học sinh tiến tiến. 3 năm học tại Trường THPT Cẩm Bình, em đều đạt học sinh giỏi của trường. Ở quê nhà Phương luôn được các ông bố, bà mẹ lấy làm tấm gương để răn dạy con mình. Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Phương đạt 21 điểm khối A, đậu vào khoa Kỹ thuật điện - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Khi biết hoàn cảnh của em không có tiền để vào đại học, rất nhiều bạn đọc ở xa, thông qua tài khoản cá nhân đã sẻ chia, gửi tiền hỗ trợ giúp em Phương có thêm kinh phí nhập học. Nhiều nhà hảo tâm, trong đó có một nhóm nhà hảo tâm đến từ Quảng Ninh, Đà Nẵng đã tìm đến tận nhà thăm, động viên, sẻ chia với Phương
Theo Văn Dũng/Dân trí