Được mệnh danh là gia đình “nghèo” nhất xã, nhưng lại rạng danh bởi sự hiếu học của con cái. Năm cậu con trai của vợ chồng ông Hồ Sỹ Trân (Hồng Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đều lần lượt đậu vào các trường lực lượng vũ trang.
Tấm ảnh chụp chung của các thành viên trong gia đình ông Trân vào Tết 2017 (Ảnh NVCC)
Bán thóc "non" làm lộ phí thi đại học
Hồng Lộc là xã nghèo của huyện Lộc Hà, người dân nơi đây chủ yếu là thuần nông. Cũng không ai ngờ rằng một gia đình đông con, nghèo nhất xã như hộ ông Hồ Sỹ Trân đến lúc này lại là tấm gương trong xã về con cái học hành, đỗ đạt.
Khó khăn là vậy, bươn chải trăm nghề trên đời, nào ruộng vườn, buôn bán hàng rong, đi làm thuê, với ông miễn là có tiền đem về nuôi con. Dù xuất thân từ nông dân, cái thời mà người dân trong vùng chỉ ước đến đủ cái ăn, cái mặc thì ông đã nghĩ đến việc “thoát nghèo”, đầu tư cho con học hành, thoát khỏi cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Vợ chồng ông đồng cam, chịu khổ, nhờ vậy 4 cậu con trai cứ lần lượt đậu vào Học viện Cảnh sát Nhân dân rồi ra trường công tác trong ngành. Mới đây, niềm vui trọn vẹn với gia đình khi cậu út tiếp bước các anh trúng tuyển vào Trường Sỹ quan Chính trị. Người con út Hồ Sỹ Tâm (SN 1998) vừa đậu Trường Sỹ quan Chính trị với số điểm 27,5 khối C.
Vợ chồng ông Trân kể về sự vất vả nuôi 5 đứa con ăn học thành tài
Ông Trân cho hay, “Gia đình ông vốn nghèo khó nhất xã, tất cả 7 miệng ăn đều trông vào mấy sào ruộng và những vất vả ngược xuôi buôn hàng xáo của vợ chồng. Năm 2000, gia tài quý nhất của cả nhà chỉ có mỗi chiếc xe đạp cũ nát, vậy nên để nuôi được 4 đứa con khôn lớn là việc không phải dễ dàng nhưng ông quyết tâm không để chuyện học hành của con xao nhãng”.
“Bù lại cả mấy đứa nhỏ đều chăm ngoan, học giỏi, luôn được thầy yêu, bạn mến. Đó là động lực cho vợ chồng tôi cố gắng làm việc chỉ mong con cái một ngày học hành nên người” – ông nói.
Những năm học cấp 3, cậu con cả Hồ Sỹ Tích cùng chiếc xe đạp cà tàng rảo khắp thôn, xóm bán kem, kiếm thêm thu nhập phụ giúp bố mẹ. “Có những ngày mải bán kem chậm giờ lên lớp, rồi những lần tấp xe kem trước cổng trường để vào học với anh nhớ như in” – anh Tích nhớ lại.
Anh Tích kể, “Thời đó, năm 2005 tôi không biết đến Học viện Cảnh sát Nhân dân nhiều, chỉ nghe bạn bè bảo, ai đậu được vào trường đó thì đi học không phải nộp học phí, ra trường có việc làm. Chỉ nghĩ, bố mẹ không phải đóng tiền học là tôi đăng ký thi và không ngờ đậu”.
“Năm thằng Tích đi thi cả gia đình còn 2,8 tạ lúa đành bán 1,4 tạ lúa non để có chi phí cho con đi thi, cũng vì thấy bố mẹ khó khăn như vậy mà các đứa em sau này lần lượt noi gương anh để không mang gánh nặng thêm cho bố mẹ” - ông Trân kể.
Cậu con nuôi cũng đậu luôn cảnh sát
Khi ông Trân đọc tên 5 cậu con trai, trong đó một cậu mang họ Trần, chúng tôi có chút hoài nghi nên hỏi, ông cười bảo, “Biết vậy tôi đổi họ luôn cho thằng Huần đỡ phải trả lời nhiều người”.
Ông Trân kể, “Vào năm 2010 thấy trong xóm có thằng bé Trần Văn Huần học giỏi nhưng buộc phải nghỉ học vì gia đình khó khăn. Tôi vừa thương, vừa tiếc nên về bàn với vợ nhận thằng nhỏ làm con nuôi. Từ đó, Huần nó về ăn, ở trong gia đình tôi như con trong nhà, chúng tôi nuôi cháu ăn học đến khi tốt nghiệp đại học”.
“Hồi đó nhiều người trong làng cho rằng vợ chồng tôi dở hơi, đến lo cho 4 đứa con chưa nổi lại xách thêm một thằng nữa về nhà. Dù ai có nói gì thì chúng tôi đều im lặng cho qua, và rồi Huần đã không phụ lòng gia đình, cháu đã xuất sắc tiếp bước các anh” - vợ ông Trân nói.
Đến bây giờ dù con cái tuy đã thành đạt nhưng vợ chồng ông Trân vẫn không ngừng lao động
Hiện tại cậu con nuôi của ông Trân đã ra trường và có việc làm ở Sơn La. Hễ có thời gian là Huần lại về thăm gia đình.
Nói về bí quyết nuôi dạy con, ông Trân chia sẻ: “Khó khăn nhưng không bao giờ ngừng cố gắng thì niềm vui nhất định sẽ đến. Vất vả hôm nay nhưng thảnh thơi mai sau. Bây giờ các con dù thành đạt nhưng tôi vẫn thường xuyên răn dạy phải sống làm sao cho xã hội này luôn tốt đẹp”.
Theo Trương Hoa/GD&TĐ