Nhiều năm gần đây, khi các trường đại học công bố điểm sàn mức 12 - 13, thậm chí có trường lấy 9 điểm/3 môn thi, nhiều ý kiến lo ngại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ đìu hiu, đối diện nguy cơ giải thể vì tâm lý sính bằng cấp. Tuy nhiên, trái với xu thế đổ xô học đại học những năm trước, kỳ tuyển sinh 2018 chứng kiến sự nhộn nhịp, sôi động của các trường nghề.
Nguyễn Văn Hưng (bên phải) - một trong 2 học viên Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội được Công ty Samsung lựa chọn sang Hàn Quốc thực tập công nghệ mới.Ảnh: HẢI NGUYỄN
Trường nghề tăng chỉ tiêu tuyển sinh
Năm học 2018, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội tăng chỉ tiêu tuyển sinh từ 1.200 lên 1.500. Trong đó, hệ cao đẳng chính quy tăng chỉ tiêu từ 900 năm 2017 lên 1.200 năm 2018; hệ trung cấp là 300. “Chúng tôi chắc chắn đạt chỉ tiêu tuyển sinh. Thời điểm này, khi các trường đại học chưa công bố xong điểm xét tuyển, chúng tôi đã có xấp xỉ 500 hồ sơ đăng ký nhập học. Như các năm trước, các trường cao đẳng phải chờ đại học công bố điểm, tuyển sinh xong mới bắt đầu “cuộc đua” tuyển sinh, nay gần như nhà trường tuyển sinh song song với các trường đại học” - ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội - nói.
Trong thời điểm thi đại học “trượt khó hơn đỗ”, TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội - cho rằng với tình hình hiện nay, nhiều trường nghề giải thể đến nơi, nhưng cũng có những cơ sở làm rất tốt công tác tuyển sinh. Sau khi các trường đại học tuyển sinh, dư địa còn lại chỉ khoảng 300.000 học sinh, với 1.974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay, chia trung bình một trường sẽ có 177 em. Điều đáng nói là, nếu 1 trường tuyển nhiều hơn thì trường kia sẽ giải thể.
Tại Hà Nội, Cao đẳng Cơ điện Hà Nội và Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội được xem là những “ngôi sao” trong nhóm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bí quyết để thu hút đông đảo học sinh theo học nghề, trong đó không hiếm những em thi THPT quốc gia đạt 23 - 24 điểm, theo lãnh đạo các nhà trường, là những cam kết chắc chắn và rõ ràng về cơ hội nghề nghiệp và mức thu nhập sau khi tốt nghiệp.
Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT lựa chọn học nghề thay vì học đại học. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Cam kết 100% học viên có việc làm
Nhận định về sự “nhộn nhịp” đáng mừng trong tuyển sinh học nghề năm 2018, ông Ngọc cho rằng nhận thức của học sinh, phụ huynh và xã hội đã có những thay đổi cụ thể sau nhiều nỗ lực truyền thông và sự cố gắng của cơ quan chức năng, trong đó có Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. “Chưa năm nào tuyển sinh tốt như năm nay, các trường đại học chưa nhập học nhưng chúng tôi đã tuyển sinh gần 50% chỉ tiêu” - ông Ngọc cho hay.
Nhiều năm nay, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cam kết 100% sinh viên sau khi ra trường 6 tháng có việc làm, tính từ thời điểm sinh viên hoàn thành khóa học. Cụ thể, sinh viên được làm đúng ngành nghề đã học, làm việc tại Hà Nội và các khu công nghiệp của các tỉnh lân cận Hà Nội; lương khởi điểm chương trình đại trà tối thiểu là 5 triệu đồng/người/tháng; lớp chất lượng cao tối thiểu từ 7 triệu đồng/người/tháng. Nếu sinh viên không có việc làm do nhà trường thì nhà trường sẽ hoàn trả 100% học phí, việc này thể hiện bằng cam kết giữa nhà trường và học sinh hoặc phụ huynh học sinh.
Trong khi đó, ông Phạm Xuân Khánh cho hay, tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, những năm trước nhà trường cam kết tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm là 96%, từ năm 2018 cam kết 100% sinh viên có việc làm sau 6 tháng.
Tuyển sinh học nghề 6 tháng đầu năm bằng 142% so với cùng kỳ 2017 Tại Hội nghị tổng kết công tác 6 tháng đầu năm 2018 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp mới được tổ chức, lãnh đạo tổng cục này cho hay, ước thực hiện tuyển sinh 6 tháng đầu năm lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đạt 1.058 nghìn người, bằng 142% so với cùng kỳ năm 2017. Sinh viên không có việc làm, nhà trường đào tạo tiếp Theo ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội - việc cam kết sinh viên tốt nghiệp có việc làm và thu nhập tối thiểu được nhà trường thực hiện từ năm 2012, điều kiện áp dụng rất đơn giản: Sinh viên hoàn thành tất cả chương trình giáo dục, đào tạo của nhà trường. Trong khi đó, ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội - đưa ra các con số để minh chứng sự cạnh tranh khốc liệt của các trường nghề với khối đại học và giữa các trường nghề với nhau: Mỗi mùa có khoảng 925.961 em thi tốt nghiệp THPT, tỉ lệ đỗ là 97,57%. Trong 900.000 em thi đỗ đó, có 455.174 em trong chỉ tiêu đại học, và nếu các trường này tuyển thêm 10% dự phòng nữa thì sẽ chiếm hơn 500.000 em. Số còn lại là 400.000 thì một phần dành cho đi bộ đội, lao động tự do, hoặc không làm gì, sang năm thi tiếp. “Trong khi đó, với con số khoảng 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hiện nay thì dễ dàng nhận thấy, cứ 5 cử nhân đại học thì 2,1 em thất nghiệp. Như vậy, chúng ta đang bị sai lệch về cơ cấu trình độ” - ông Khánh nói. Cùng với cam kết việc làm sau đào tạo, các nhà trường công bố đủ thông tin sinh viên ra trường làm ở đâu, mức lương như thế nào?... “Với những em không có việc làm thì nhà trường sẽ đào tạo tiếp để đáp ứng đúng yêu cầu của doanh nghiệp” - ông Khánh nhấn mạnh. QUỲNH CHI |
Theo Lê Phương/Báo Lao động