Sau bê bối thi cử tại một số địa phương, đã có trường ĐH tỏ ra nghi ngại về kết quả thi THPT quốc gia, mong muốn được rà soát các thí sinh trúng tuyển.
Thời gian qua, cả xã hội không khỏi bàng hoàng khi những bài thi THPT quốc gia tại Hà Giang được nâng hàng chục điểm. Nhiều bài thi tại các địa phương khác cũng bị chỉnh sửa, gian lận. Dư luận cho rằng, những bài thi được “phù phép” mức điểm trên mây để nhằm có được tấm vé vào các trường top đầu như công an, y dược, hay những trường có mức điểm đầu vào cao ngất ngưởng.
Mới đây, Học viện An ninh lên tiếng mong muốn được rà soát lại toàn bộ thí sinh đã trúng tuyển sau khi nhận thấy số lượng các thí sinh điểm cao chủ yếu tập trung tại các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La – nơi vừa bị phát hiện ra nhiều sai phạm trong chấm thi THPT quốc gia 2018.
Học viện An ninh là trường đầu tiên lên tiếng mong muốn rà soát lại thí sinh đã trúng tuyển. (Ảnh minh họa)
Các trường ĐH tốp trên dù không sàng lọc lại một lần nữa, nhưng cũng đã chuẩn bị sẵn những phương án để ứng phó, lọc những sinh viên “chất lượng ảo” ra khỏi trường.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, trường không lo ngại về những sai phạm điểm thi tại các địa phương sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào. Do tỷ lệ các thí sinh tại các địa phương này dự thi vào trường tương đối thấp, chỉ tính riêng Hà Nội đã chiếm tới 28% thí sinh trúng tuyển vào ĐH Bách Khoa Hà Nội.
“Tôi cho rằng, những thí sinh gian lận điểm thi sẽ có động cơ vào những trường khối quân đội, công an. Chưa nói đến chất lượng, nhưng rõ ràng đây là những trường không chỉ tuyển sinh mà còn tuyển dụng. Khi vào trường thí sinh được đảm bảo đầu ra, có ngay vị trí việc làm sau khi ra trường đồng thời được miễn hoàn toàn học phí. Đây thực sự là điều hấp dẫn với nhiều thí sinh”, ông Điền phân tích.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Phong Điền cũng cho rằng, cơ chế sàng lọc của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội vô cùng khốc liệt, những thí sinh không thực sự giỏi sẽ nhanh chóng bị sàng lọc. “Nếu không có thực lực thì không dại gì gian lận để vào các trường đào thải mạnh như Bách Khoa. Những học sinh yếu kém nếu có may mắn đỗ được vào trường thì chắc chắn cũng sẽ gặp khó khăn trong việc học tập và bị đào thải. Mỗi năm trường chúng tôi vẫn buộc thôi học khoảng 600-700 sinh viên do học lực kém”.
Nói thêm về việc tổ chức sàng lọc lại các thí sinh, ông Điền cho rằng, cần nhìn nhận một cách công bằng, nếu có tổ chức đánh giá, nên đánh giá lại toàn bộ các thí sinh trong trường chứ không chỉ riêng các tân sinh viên đến từ các địa phương vừa xảy ra tiêu cực.
TS Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương cho hay, đến nay trường chưa có bất cứ kế hoạch nào về việc rà soát, đánh giá lại năng lực đầu vào của các thí sinh. Tuy nhiên, do đặc thù đào tạo về kinh tế kinh doanh và ngôn ngữ, nên tất cả các thí sinh trúng tuyển vào trường đều phải tham gia kỳ thi đánh giá năng lực Ngoại ngữ trước khi vào học, ngay cả những thí sinh đã có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
“Việc này để chúng tôi rà soát và phân nhóm phù hợp cho các em trong quá trình học tập. Qua đó cũng giúp xác định mức độ đầu vào của sinh viên để sau này so sánh với đầu ra”, TS Hương cho biết.
TS Phạm Thu Hương cũng giả sử, trường hợp những thí sinh vì tiêu cực mà may mắn trúng tuyển vào trường cũng sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề. “Những bạn có đủ năng lực sẽ cảm thấy chương trình học không quá khó, nhưng nếu bạn không có đủ năng lực thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình học tập. Trong một môi trường giáo dục nghiêm túc, nếu bạn không có năng lực thì không thể hoàn thành chuẩn đầu ra của trường cũng như bị đuối với những bạn học khác”.
Do đó, đại diện ĐH Ngoại thương cho rằng, không cần thiết phải tổ chức đánh giá lại toàn bộ thí sinh đã trúng tuyển. Bà Hương cũng cho rằng, việc các bậc phụ huynh tìm cách để con em có được “một suất” trong các trường “xịn” không phù hợp với năng lực của con em mình trước hết không tốt cho chính các sinh viên này.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: “Trường hiện đang gấp rút thông báo tới các thí sinh trúng tuyển và chuẩn bị cho các em làm thủ tục nhập học, chứ chưa thống kê xem có bao nhiêu thí sinh đạt điểm cao thuộc các địa phương nào. Trường cũng không có kế hoạch tổ chức thi đánh giá năng lực đầu vào hay rà soát lại chất lượng thí sinh từ kỳ thi THPT quốc gia 2018. Chúng tôi không lo ngại về vấn đề này. Xét trên diện rộng, trường ĐH Kinh tế Quốc dân vẫn tin tưởng vào chất lượng của kỳ thi, những cá nhân cá biệt, nếu có gian lận sẽ bị loại trừ trong quá trình học”.
PGS.TS Bùi Đức Triệu cho biết, ngay từ thời kỳ thi 3 chung, khi trường tự chủ động tổ chức thi vẫn phát hiện những gian lận, mỗi năm đuổi học hàng chục sinh viên do thuê người thi hộ đại học.
“Trong quá trình đào tạo, chúng tôi nhận thấy, nhiều sinh viên điểm đầu vào khá cao, nhưng lực học lại rất kém, chúng tôi đã cho rà soát lại thì phát hiện có hiện tượng gian lận, thuê người thi hộ. Ngay cả khi đã nhập học, trường vẫn kiên quyết xứ lý, đình chỉ học vĩnh viễn những trường hợp này”, ông Triệu cho biết.
Trong bối cảnh thực hiện thi THPT quốc gia, PGS.TS Bùi Đức Triệu cho biết, theo thống kê của trường, điểm thi đầu vào của thí sinh khá ổn định, không có dấu hiệu bất thường. Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc không đáng kể.
Đồng quan điểm với đại diện nhiều trường ĐH lớn khác, ông Triệu cho rằng, ngay cả khi có thí sinh may mắn trót lọt được vào trường nhưng không có năng lực thực sự cũng khó có thể theo kịp chương trình đào tạo. “Mỗi năm chúng tôi cho thôi học từ 500-700 sinh viên, chủ yếu thuộc nhóm bỏ học, học lực kém, học lực quá yếu. Nếu không có đủ năng lực, thì các em khó lòng trụ lại trường ngay cả khi đã trúng tuyển”, PGS.TS Bùi Đức Triệu cho biết./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN