So với năm 2017, năm nay, chỉ có một số trường đại học phải sử dụng tiêu chí phụ để xét thí sinh trúng tuyển do có nhiều thí sinh bằng điểm nhau.
Từ chiều 5/8, các trường đại học trên cả nước tiếp tục công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 và hoàn tất trước 17h chiều 6/8.
Thống kê điểm từ các trường cho thấy, điểm chuẩn năm nay của các trường thấp hơn năm ngoái từ 1 đến 4 điểm. Đáng chú ý, điểm chuẩn của nhóm trường đào tạo y, dược giảm mạnh, có trường giảm gần 9 điểm so với năm ngoái.
Điểm trúng tuyển của các trường y, dược giảm mạnh
Sau khi Bộ GD-ĐT kết thúc đợt chạy dữ liệu lọc ảo cho các trường đại học vào 17h chiều 5/8, các trường đại học trên cả nước đã lần lượt công bố điểm thi.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018
Theo đó, điểm chuẩn trúng tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia của các trường năm nay đều giảm, với mức giảm trung bình từ 1-4 điểm so với năm 2017, trong đó điểm trúng tuyển giảm mạnh nhất là các trường thuộc khối y, dược và nhóm ngành kinh tế. Cụ thể, điểm trúng tuyển vào Học viện Quân y theo khối A00 giảm đến 8,95 điểm so với năm ngoái, xuống còn 20,05 điểm đối với thí sinh nam miền Bắc; giảm đến 6,65 điểm so với năm ngoái đối với thí sinh nam miền Nam.
Trường Đại học Y Hà Nội điểm trúng tuyển ngành Y đa khoa giảm 4,5 điểm so với năm ngoái, còn 24,75 điểm. Các trường top đầu thuộc khối kinh tế ở khu vực miền Bắc như Đại học Ngoại thương, Kinh tế quốc dân... điểm trúng tuyển cũng giảm từ 2 đến 3 điểm so với năm ngoái.
Ở nhóm các trường top giữa và top dưới mức điểm trúng tuyển khá ổn định, từ 14 đến 22 điểm tùy theo ngành. Tuy nhiên, mức điểm trúng tuyển giữa các ngành trong một trường vẫn có sự chênh lệch lớn, dao động từ 2 đến 7 điểm.
Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: “Trường Đại học Văn hóa Hà Nội năm nay mức điểm cũng khá ổn định, các mức điểm vẫn lệch nhau giữa các ngành, nhưng không lệch nhiều so với toàn hệ thống.
Có những ngành cao nhất thì lên tới 24,75, nhưng có những ngành chỉ 16, 17 điểm thôi. Có sự lệch nhau do trường đào tạo nhiều ngành. Có ngành chỉ giảm so với năm ngoái 1-2 điểm, nhưng đấy là một số ngành truyền thống, một số ngành nhu cầu xã hội tốt như khối ngành du lịch thì điểm vẫn tốt, dao động từ 22-24 điểm”.
Chỉ có một số trường phải sử dụng tiêu chí phụ
So với năm 2017, năm nay, chỉ có một số trường phải sử dụng tiêu chí phụ để xét thí sinh trúng tuyển do có nhiều thí sinh bằng điểm nhau, như: Học viện Cảnh sát nhân dân, Đại học Y Hà Nội, Đại học Giao thông vận tải...
Lý do là điểm của thí sinh không được làm tròn mà giữ nguyên tới các điểm lẻ, nên có nhiều mức điểm xét tuyển khác nhau và để tránh xảy ra tình trạng thí sinh điểm cao thì trượt còn thí sinh điểm thấp hơn thì trúng tuyển do tiêu chí phụ.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội cho biết: “Năm nay, trường Ngoại thương không phải dùng đến tiêu chí phụ. Sau khi chạy kết quả xét tuyển qua một số lần đầu kết quả ổn định thì chúng tôi đã xác định được mức điểm trúng tuyển của thí sinh đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường và sau đó nhà trường quyết định với mức điểm như vậy.
Số lượng thí sinh nhà trường tuyển sinh sẽ đảm bảo chỉ tiêu đặt ra vì vậy nhà trường không đặt tiêu chí phụ. Với cách tính điểm như năm nay thì cũng thuận lợi cho các trường trong việc xét tuyển thí sinh vì điểm chi tiết hơn điểm năm 2017, không làm tròn”.
Với mức điểm trúng tuyển mà các trường đã công bố, dự kiến tỷ lệ thí sinh trúng tuyển đều đạt từ 100% chỉ tiêu tuyển sinh trở lên. Tuy nhiên, điều các trường lo lắng hiện nay là dù chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất nhưng vẫn sẽ có thí sinh trúng tuyển ảo do không đến nhập học vì nhiều lý do.
Theo ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, với những trường top đầu thì tỷ lệ ảo sẽ ít, nhưng những trường top dưới và top giữa, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển ảo sẽ nhiều hơn, đặc biệt là những trường xét tuyển từ nguyện vọng thứ 8, thứ 9 trở đi.
“Với Bách khoa Hà Nội, chúng tôi tuyển được 100,05%. Năm ngoái, tỷ lệ ảo của Bách khoa Hà Nội vào khoảng 4% do các cháu trúng tuyển mà không nhập học có nhiều lý do. Năm nay chắc tình trạng đó vẫn xảy ra và nếu như vậy thì Bách khoa Hà Nội có thể tuyển vừa đủ.
Lý do nhà trường còn 90 em nữa đã nhập học dạng tuyển thẳng. Đại học Bách khoa Hà Nội kỳ vọng số nhập học khoảng 98, 99%. Năm ngoái, nhiều trường có lượng thí sinh ảo lớn hơn, có những trường ảo đến gần 20%. Bộ và các trường đang cố gắng làm để tỷ lệ ảo thấp, còn thực sự tỷ lệ ảo thì luôn luôn có”, ông Trần Văn Tớp nói.
Từ ngày mai (7/8) đến hết 17h ngày 12/8, các trường đại học sẽ làm thủ tục tiếp nhận phiếu điểm của thí sinh trúng tuyển đợt 1. Sau đó, các trường tuyển sinh chưa đủ chỉ tiêu sẽ thông báo xét tuyển bổ sung./.
Theo Minh Hường/VOV1