Tại Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 ngày 2/8 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin cho biết đến thời điểm này, chương trình các môn học đã được Hội đồng quốc gia thẩm định lần 2 và đang tiếp tục hoàn thiện để ban hành trong tháng 8/2018.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Sau khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được thông qua, dự thảo chương trình các môn học đã được biên soạn, đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo (moet.gov.vn) từ ngày 19/1/2018 để xin ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, các chương trình môn học cũng đã được tổ chức thực nghiệm tại 48 trường phổ thông thuộc 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện 6 vùng kinh tế-xã hội trên phạm vi cả nước.
[Đẩy mạnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông]
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 về đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; rà soát, điều chỉnh kế hoạch tổng thể thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo các Nghị quyết của Quốc hội.
Trong quá trình chuẩn bị chương trình, sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các địa phương thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá và quản lý quá trình giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, từ đó tạo thuận lợi cho học sinh và giáo viên khi chuyển sang thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Bộ cũng chỉ đạo tăng cường giáo dục đạo đức, văn hóa ứng xử trong trường học, chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục sửa đổi, bổ sung nội dung về quy tắc ứng xử trong trường học…
Song song với việc hoàn thiện chương trình tổng thể, chương trình các môn học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã tích cực chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong năm học 2017-2018, các địa phương tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025.” Các tỉnh chú trọng tăng cường tiếng Việt chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1. Một số tỉnh thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo về xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số, tiêu biểu như các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Hòa Bình...
Để thực hiện đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, năm học vừa qua, các cơ sở giáo mầm non đã tăng cường áp dụng đa dạng các hình thức và phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm” phù hợp với điều kiện thực tế của trường, lớp và khả năng của trẻ. Các cơ sở giáo dục mầm non cũng chú trọng xây dựng môi trường giáo dục nhằm tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, trải nghiệm và sáng tạo theo phương châm “học mà chơi, chơi mà học” phù hợp với lứa tuổi.
Các đơn vị chức năng có liên quan đã biên soạn và hoàn thiện tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục mầm non sau chỉnh sửa, bổ sung nhằm hỗ trợ cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non khắc phục những hạn chế, khó khăn trong quản lý và thực hiện chương trình giáo dục mầm non./.
Theo Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)