Một điểm mới cần lưu ý khi tham gia xét tuyển năm nay là khi đã xác nhận nhập học bằng phương thức khác, TS sẽ bị xóa tên khỏi phần mềm xét tuyển bằng kết quả thi.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 ẢNH: NGỌC DƯƠNG.
Năm nay theo quy chế tuyển sinh, Bộ GD-ĐT cho phép các trường được thực hiện xét tuyển nhiều đợt và bằng nhiều phương thức khác nhau. Trên cơ sở này, TS được quyền tham gia xét tuyển vào các trường, đồng thời bằng nhiều phương thức: xét tuyển học bạ, xét kết quả thi, ưu tiên xét tuyển, bài thi năng lực…Dù có thể trúng tuyển bằng nhiều phương thức nhưng TS chỉ được chọn quyền xác nhận nhập học tại một ngành của một trường để tránh tình trạng TS ảo do cùng lúc trúng tuyển bằng nhiều phương thức.Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, đại diện Bộ GD-ĐT cũng khẳng định: “Tất cả TS trúng tuyển bằng phương thức khác, đã xác nhận nhập học, trường đều phải cập nhật lên hệ thống và không còn tên trong cơ sở dữ liệu để xét tuyển bằng kết quả thi”.
Vì vậy, ngay ở thời điểm hiện tại, quy định này đang khiến TS sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển khó đưa ra quyết định. Bởi dù thời gian điều chỉnh NV bằng kết quả thi kết thúc vào ngày 28.7 và đến 6.8 mới công bố kết quả trúng tuyển nhưng các trường xét tuyển bằng học bạ THPT đã yêu cầu TS trúng tuyển xác nhận nhập học ngay trong cuối tháng này.
Một phụ huynh tại TP.HCM tỏ ra rất lo lắng khi con mình đã nhận được giấy báo trúng tuyển bằng phương thức học bạ vào 2 trường ĐH nhưng trường yêu cầu chậm nhất ngày 28.7 phải làm thủ tục nhập học và đóng học phí, lệ phí. Trường ghi rõ, sau thời gian này, TS trúng tuyển sẽ bị hủy kết quả nếu không làm thủ tục nhập học.Về vấn đề này, cán bộ tuyển sinh một trường ĐH khuyên: “TS cần cân nhắc kỹ về khả năng trúng tuyển ở phương thức xét kết quả thi THPT quốc gia trước khi quyết định việc nhập học. Nếu cơ hội ở đợt xét kết quả thi cao, TS có thể chờ đợi bằng cách ghi thêm ngành đã trúng tuyển bằng học bạ vào phiếu điều chỉnh để an toàn”.
Theo Hà Ánh/Thanh niên