Đoàn Thị Điểm, Lomonoxop thi đánh giá năng lực để chọn học sinh; trường Nguyễn Siêu kiểm tra tiếng Anh và tuyển sinh qua ngày trải nghiệm ở trường.
Hà Nội cho phép 'kiểm tra năng lực' học sinh khi tuyển sinh lớp 6
Năm học 2018-2019, 5 trường ngoài công lập của Hà Nội được phép tuyển sinh lớp 6 bằng kết hợp xét tuyển với kiểm tra đánh giá năng lực học sinh. Đến ngày 26/4, nhiều trường trong đó đã công bố phương án tuyển sinh được duyệt.
THCS Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm) tuyển 750 học sinh lớp 6. Phương thức tuyển sinh là kết hợp xét tuyển kết quả học tập cuối năm các lớp cấp tiểu học và kiểm tra đánh giá năng lực (chi tiết phương án). Trong đó, bài kiểm tra được nhân hệ số 2, xét tuyển là hệ số 1.
Học sinh phải làm một trong hai hai bài kiểm tra, gồm tổ hợp Khoa học - Toán và tổ hợp tiếng Việt - tiếng Anh (tiếng Pháp) - Lịch sử - Địa lý, hình thức trắc nghiệm kết hợp tự luận.
"Ngoài Toán, tiếng Việt và tiếng Anh chú trọng đánh giá kiến thức, nội dung khác sẽ được ra với mức độ nhẹ nhàng nhằm đo đếm chỉ số thông minh (IQ), năng lực cảm xúc (EQ) của thí sinh. Riêng 2 câu hỏi cuối, đề sẽ khó hơn, nhằm phân loại học sinh vào lớp học tăng cường", Hiệu trưởng Đặng Quốc Thống nói.
Hiệu trưởng trường THCS Đoàn Thị Điểm nhấn mạnh, phụ huynh không nên ép con học quá sức, học sinh không cần học thêm hay luyện thi, để làm bài đánh giá năng lực.
Thời gian kiểm tra đánh giá năng lực của trường Đoàn Thị Điểm là sáng 30/6. Từ 9/7, trường sẽ công bố danh sách trúng tuyển và xếp lớp.
THCS Lomonoxop tuyển 250 học sinh lớp 6 bằng cách kết hợp xét tuyển học bạ tiểu học và kiểm tra đánh giá năng lực 2 bài tổ hợp Khoa học tự nhiên - Toán và Khoa học xã hội - tiếng Việt - tiếng Anh (chi tiết).
"Mỗi bài 60 phút, điểm bài kiểm tra theo thang 10. Nội dung kiểm tra đánh giá năng lực thuộc phạm vi chương trình tiểu học hiện hành, chủ yếu ở lớp 5. Hình thức là trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận, đảm bảo yêu cầu 4 cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao", thông báo nêu.
Công thức tính điểm xét tuyển vào lớp 6 của trường THCS Lomonoxop là:
Điểm xét tuyển = Điểm tiểu học + 2 x (Điểm năng lực tự nhiên + Điểm năng lực xã hội) + Điểm khuyến khích |
Năm nay, trường Lomonoxop tuyển thẳng 4 đối tượng học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6. Trong đó có học sinh hệ tiểu học của trường Lomonoxop đạt điểm tiểu học từ 18 trở lên và học sinh trường ngoài đạt điểm tiểu học từ 19,6 trở lên. Các học sinh được tuyển thẳng vẫn phải tham dự kiểm tra đánh giá năng lực vào ngày 29/6 để xếp lớp.
Trường THCS Nguyễn Siêu năm học 2018-2019 tuyển 240 học sinh lớp 6. 70% trong số đó đã được chọn, là học sinh hệ tiểu học của trường chuyển lên. THCS Nguyễn Siêu do đó chỉ tuyển bổ sung khoảng 72 học sinh từ trường bên ngoài.
Học sinh sẽ được trải nghiệm một ngày học tập tại trường THCS Nguyễn Siêu để được tuyển sinh vào trường. Ảnh: N.S.
Điểm đặc biệt trong phương án tuyển sinh của THCS Nguyễn Siêu là không tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực học sinh như các cơ sở giáo dục tư thục khác. Trường tuyển sinh dựa vào khả năng tiếng Anh và năng lực phẩm chất của trẻ được đánh giá qua ngày trải nghiệm thực tế tại nhà trường.
"Sau 5 năm thực hiện chương trình tiếng Anh Cambridge, trình độ ngoại ngữ của học sinh Nguyễn Siêu rất tốt. Để tuyển học sinh có trình độ ngoại ngữ đồng đều như thế, chúng tôi đặt ra yêu cầu thí sinh dự tuyển phải có chứng nhận tiếng Anh Cambridge English Flyers. Nếu chưa có, các em phải tham gia kiểm tra năng lực tại Trung tâm khảo thí tiếng Anh quốc tế Cambridge ủy quyền cho nhà trường hoặc làm bài thi tương đương", Hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Thúy nói.
Trong ngày hội trải nghiệm tại THCS Nguyễn Siêu, học sinh sẽ được tham gia nhiều hoạt động học tập kiến thức, văn nghệ, thể thao... Qua đó, giáo viên sẽ quan sát và đánh giá chỉ số năng lực về thái độ, kỹ năng và kiến thức của trẻ rồi chọn ra những em phù hợp với môi trường của trường.
Chỉ tuyển 72 học sinh nhưng sau 4 ngày thông báo tuyển sinh, trường Nguyễn Siêu phải đóng cửa hệ thống đăng ký online vì số lượng đã gấp 4 lần chỉ tiêu.
Trong phương án tuyển sinh vào lớp 6 của trường Lương Thế Vinh đang chờ UBND quận Cầu Giấy phê duyệt. Dự kiến, học sinh phải hoàn thành chương trình tiểu học với 3 năm học lực giỏi (từ lớp 1 đến lớp 3), riêng năm lớp 4-5 bài kiểm tra định kỳ cuối năm môn tiếng Việt và Toán đạt từ 9 điểm trở lên. Hạnh kiểm học sinh lớp 1-3 yêu cầu "thực hiện đầy đủ 4 nhiệm vụ của học sinh tiểu học". Riêng lớp 4-5 phần đánh giá năng lực và phẩm chất phải đạt.
Hình thức tuyển sinh của trường THCS Lương Thế Vinh là kết hợp xét tuyển dựa vào học bạ 5 năm tiểu học và kiểm tra 2 bài đánh giá năng lực: Toán - Khoa học tự nhiên, tiếng Việt - tiếng Anh - Lịch sử - Địa lý. Trong đó, trừ môn tiếng Việt đề ra theo hình thức tự luận, các môn còn lại là trắc nghiệm khách quan.
Điểm xét tuyển vào trường là tổng của điểm học bạ, điểm kiểm tra năng lực (nhân hệ số 2) và điểm ưu tiên.
Năm học 2018-2019, trường Lương Thế Vinh tuyển 560 học sinh vào lớp 6.
Năm 2015, Hà Nội cấm các trường thi tuyển sinh vào lớp 6 mà áp dụng phương án duy nhất là xét tuyển bằng học bạ tiểu học. Nhiều trường có số lượng đăng ký vượt quá chỉ tiêu như THCS Nguyễn Siêu, Đoàn Thị Điểm, Lương Thế Vinh, Nguyễn Tất Thành, Cầu Giấy... phải đề ra nhiều tiêu chí phụ để chọn học sinh do quá nhiều em cùng đạt học lực giỏi. Một cuộc đua chạy giải thưởng để được cộng điểm vào lớp 6 đã diễn ra khiến dư luận bức xúc. Mùa tuyển sinh năm 2018-2019, Hà Nội "cởi trói" cho 16 trường có số lượng đăng ký cao hơn chỉ tiêu và không tuyển theo tuyến, được tuyển sinh bằng xét tuyển kết hợp kiểm tra đánh giá năng lực. Các trường này gồm: THCS Cầu Giấy; hệ THCS của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam; Nguyễn Tất Thành; THCS Nam Từ Liêm; THCS Chu Văn An (Thanh Trì); THCS Ngô Sỹ Liên (Chương Mỹ); THCS Nguyễn Huy Tưởng (Đông Anh), THCS Đô Thị Việt Hưng (Long Biên), THCS Trưng Vương (Mê Linh), THCS Sơn Tây, THCS Thanh Xuân. 5 trường ngoài công lập cũng được áp dụng phương thức tuyển sinh trên gồm: Marie Curie; Nguyễn Siêu; Đoàn Thị Điểm; Lương Thế Vinh; Lomonoxop. |
Theo Quỳnh Trang/VnExpress