Trên thực tế, nhiều trung tâm GDNN - GDTX chỉ thực hiện nhiệm vụ về GDTX và liên kết dạy nghề, không phát huy được chức năng trong hoạt động GDNN...
Một buổi học của học viên Trung tâm GDNN - GDTX Quận 4 (TPHCM). Ảnh: NTCC
Các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện đầu vào bằng sàng lọc tuyển sinh, tự bồi dưỡng giáo viên,… để xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cơ sở chỉ thực hiện nhiệm vụ về GDTX và liên kết dạy nghề, không phát huy được chức năng trong hoạt động GDNN.
Tuyển sinh vẫn khó khăn
Tại Trung tâm GDNN - GDTX Quận 4 (TPHCM), dù được trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất và giáo viên giảng dạy, tuy nhiên tuyển sinh vẫn khó khăn. Ông Nguyễn Minh Kha - Giám đốc Trung tâm cho biết, từ sau dịch Covid-19 đến nay, công tác tuyển sinh học viên học nghề rất “chậm”, giảm 80% so với trước kia.
Trong khi đó, cơ sở vật chất của đơn vị đảm bảo để dạy nghề cho 150 học viên, nhưng hiện nay chỉ có khoảng 30 em theo học. Nếu như trước đây, trung tâm tuyển sinh mỗi năm 2 - 3 đợt thì những năm gần đây tuyển sinh quanh năm nhưng ít người đến nộp hồ sơ.
Chia sẻ về nguyên nhân tình trạng trên, ông Kha cho biết: “Do sau dịch Covid-19, kinh tế khó khăn nên nhiều người phải lo mưu sinh trước rồi mới tính chuyện học nghề. Mặt khác, theo khảo sát những học viên đến học nghề ở trung tâm, đối với ngành Thẩm mỹ, trước đây học xong mới ra làm nghề. Còn hiện nay người nào yêu thích nghề này thường đến các trung tâm thẩm mỹ làm thuê, một thời gian có tiền mới tính vấn đề học lấy bằng cấp”.
Tại Trung tâm GDNN - GDTX Quận 12 (TPHCM), bà Phạm Thị Hoàn - Phó Giám đốc cho hay, nhờ TPHCM làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng sau tốt nghiệp THCS giúp phụ huynh và học sinh hiểu đúng nên công tác tuyển sinh cho ngành học GDTX diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, với công tác tuyển sinh học viên để đào tạo nghề ngắn hạn gặp phải nhiều khó khăn.
Có những năm, trung tâm thông báo chiêu sinh nhưng không thể mở lớp vì số lượng đăng ký ít hoặc có những ngành không nhận được hồ sơ nào. “Hiện tuyển sinh sơ cấp nghề vẫn khó khăn. Bởi, khi người học đã xác định học nghề ngắn hạn, họ sẽ đến các trường Trung cấp đăng ký theo học luôn”, bà Hoàn cho hay.
Tương tự, tại Thanh Hóa, dù được lãnh đạo tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, thế nhưng, hiện nay, nhiều trung GDNN - GDTX trên địa bàn rơi vào cảnh “đìu hiu” vì thiếu vắng học viên.
Đơn cử như Trung tâm GDNN - GDTX huyện Quảng Xương, dù được cấp phép đào tạo 5 mã nghề, nhưng kể từ khi sáp nhập năm 2017 đến nay, trung tâm chỉ mở được 36 lớp sơ cấp nghề, trong đó có mã nghề những năm gần đây không có học viên nào đăng ký theo học.
Học viên Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đắk Song nhận chứng chỉ nghề. Ảnh: NTCC
“Bị động” vì thiếu giáo viên
Theo các chuyên gia, công tác dạy nghề ngắn hạn ở các Trung tâm GDNN - GDTX vẫn quan trọng, đặc biệt ở địa phương, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân. Hiện nhiều địa phương không có giáo viên cơ hữu dạy nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, thiếu cơ sở vật chất, thiết bị nên chức năng đào tạo nghề không thực hiện được. Vì vậy, các trung tâm muốn tổ chức đào tạo buộc phải sử dụng giáo viên thỉnh giảng.
Vừa qua, Trung tâm GDNN - GDTX Quận 7 (TPHCM) được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cấp phép đào tạo 3 ngành gồm: Tin học văn phòng, điện tử, điện. Sau khi được cấp phép đơn vị gửi văn bản đến UBND các phường trên địa bàn quận và doanh nghiệp để tổ chức chiêu sinh.
Thông tin từ bà Hồ Thị Phước Thọ - Giám đốc Trung tâm: “Hiện nhà trường có 3 giáo viên chuyên môn GDNN. Theo kế hoạch, chỉ tiêu đơn vị được tuyển sinh cho các ngành là 100 học viên. Nếu tuyển đủ phải thỉnh giảng một giáo viên bên ngoài. Mặc dù đã làm việc với một số trường nghề để hỗ trợ giáo viên nhưng việc thỉnh giảng cũng sẽ gặp khó khăn, bởi đôi khi thầy cô còn vướng lịch giảng dạy nơi công tác”.
Còn tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đắk Song (Đắk Nông), không có giáo viên cơ hữu dạy nghề cũng là vấn đề nan giải của trung tâm đang phải đối mặt. Theo ông Nguyễn Trọng Chuẩn - Giám đốc Trung tâm, đơn vị được cấp các mã nghề gồm: Điện dân dụng, chăn nuôi thú ý, trồng trọt bảo vệ thực vật, sửa chữa máy nông nghiệp, cơ khí,… Thời gian qua, đơn vị luôn gặp khó khăn, bị động khi mời giáo viên tham gia đào tạo nghề.
“Giáo viên cơ hữu và cán bộ quản lý về GDNN không có. Còn giáo viên thỉnh giảng rất ít, điều kiện đi lại xa, thu nhập thấp,... Trong khi đó, các lớp nghề phải đào tạo tại thôn, buôn theo yêu cầu của người học... nên cũng bị ảnh hưởng nhiều mặt, nhất là công tác quản lý đào tạo”, ông Chuẩn cho hay.
Qua khảo sát trên huyện Đắk Song, nhu cầu học nghề của người dân rất lớn. Một số ngành như làm đẹp, cắt tóc, sữa chữa điện - điện tử, người dân đăng ký nhiều nhưng lại không có giáo viên. Mặc dù Trung tâm đã liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn nhằm thực hiện công tác giảng dạy. Tuy nhiên, với những nghề “hot” được nhiều học viên đăng ký nhưng không phải lúc nào cũng đủ giáo viên để giảng dạy”, ông Chuẩn cho hay.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM chia sẻ: “Để nâng cao chất lượng GDNN, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, các trung tâm GDNN - GDTX cần được hiện đại hóa cơ sở vật chất, nguồn nhân lực GDNN cần đạt chuẩn kỹ năng nghề. Các đơn vị phải tập trung đổi mới chương trình, phương thức đào tạo theo hướng ứng dụng, thực hành, gắn kết GDNN với doanh nghiệp... Để làm được điều này, các trung tâm cần sự chung tay tháo gỡ những khó khăn nội tại, đồng thời có thêm cơ chế để phát huy tối đa hiệu quả chức năng GDTX, hướng nghiệp và dạy nghề”. |
Theo Hồ Phúc/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/trung-tam-gdtx-gdnn-nang-day-chu-nhe-day-nghe-post712278.html